LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Lời chúc lành đầu năm của Thiên Chúa

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ds 6:22-27;  Gl 4:4-7;  Lc 2:16-21)

          Lời chúc Năm Mới của chúng ta đôi khi là sáo ngữ nhưng vẫn mang một ý nghĩa sâu xa.  Chúng ta chúc nhau được an khang, thịnh vượng và may lành trong năm mới.  Hôm nay Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta lời chúc Năm Mới, nhưng Năm Mới này không tính bằng ngày tháng mà là một Triều Đại Mới, triều đại của ơn cứu độ.      Vậy “lời chúc đầu năm” của Thiên Chúa được trình bày qua Phụng vụ Lời Chúa hôm nay như thế nào?  Trước hết trong bài đọc 1, ông Mô-sê chuyển đến dân Ít-ra-en lời chúc thứ nhất của Thiên Chúa rằng Người muốn họ sống dưới quyền bảo trợ của Người.  Lời chúc thứ hai được diễn tả theo suy niệm của thánh Phao-lô về hồng phúc chúng ta “nhận được ơn làm nghĩa tử” của Thiên Chúa.  Lời chúc thứ ba của Thiên Chúa không chỉ là ước ao, nhưng là một “quà tặng” vô cùng quý giá:  Hài Nhi Giê-su đặt nằm trong máng cỏ.

          Như chúng ta đã thấy, truyền thống người cha chúc lành cho con cái là một truyền thống đẹp trong văn hóa Do-thái từ thời Cựu Ước.  Chuyện ông I-xa-ác chúc lành cho con trai là Gia-cóp (St 27:27-29) là câu chuyện điển hình.  Lời chúc lành nhắm vào sự thịnh vượng vật chất và uy quyền.  Nhưng lời chúc lành mà Thiên Chúa truyền cho Mô-sê dạy dân Ít-ra-en thì không giống thế.  Trước hết lời chúc đề cao Thiên Chúa là nguồn mọi phúc lành.  Người là Cha luôn quan tâm chăm sóc con cái Người. Vì thế, khi chúc lành cho dân Ít-ra-en, vị thủ lãnh luôn mở đầu với câu:  “Nguyện Đức Chúa”.  Thí dụ:  Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em;  nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!  Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!  Đó không phải là lời mong ước cho dân Ít-ra-en được giàu sang và hùng mạnh bên cạnh những dân tộc khác, nhưng là ước nguyện họ được sống “dưới quyền bảo trợ của danh Thiên Chúa”.  Nói khác đi, nếu họ sống đích thực như con cái Thiên Chúa thì đó là điều kiện cần thiết và đủ để Thiên Chúa chúc lành cho họ.  Vậy dù là thời Cựu Ước hay thời nay, Thiên Chúa vẫn luôn là người Cha sẵn sàng chúc lành cho con cái Người với những ơn lành Người biết là tốt nhất cho họ.

          Suy niệm về phúc lành trọng đại nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại, thánh Phao-lô Tông đồ quả quyết phúc lành ấy chính là:  “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”.  Lời chúc thứ hai này đầy tràn ý nghĩa vì nó thay đổi căn tính của tất cả chúng ta.  Tội lỗi đã biến chúng ta thành kẻ xa lạ đối với Thiên Chúa.  Vậy giờ đây Người đoái thương thay đổi thân phận thù nghịch của chúng ta và nhờ Chúa Ki-tô, sẵn lòng nhận chúng ta làm nghĩa tử của Người.  Thiên Chúa còn cẩn thận cấp cho chúng ta “giấy khai sinh” là Chúa Thánh Thần, tức “Thần Khí của Con mình”, để chúng ta đủ tư cách gọi Thiên Chúa là “Áp-ba, Cha ơi!”  Nhờ căn tính mới này, chúng ta mới có khả năng làm “người thừa kế” nhận lãnh gia nghiệp đời đời Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta.  Đặc biệt ở đây thánh Phao-lô còn nhắc tới người mẹ mang phúc lành đến cho chúng ta khi ngài viết về Chúa Ki-tô “sinh làm con một người phụ nữ”.  Người phụ nữ ấy là Mẹ Ma-ri-a, Đấng Thiên Chúa đặt làm Mẹ của Người.  Nếu bà E-và là mẹ sinh ra những đứa con bị tội lỗi khống chế, thì Mẹ Ma-ri-a là Mẹ sinh ra người Con đầu lòng là Chúa Giê-su và đàn em đông đúc là chúng ta.

          Sau cùng, thánh sử Lu-ca giới thiệu với chúng ta Hài Nhi Giê-su, phúc lành trọng đại nhất và “nguồn sung mãn để tất cả chúng ta lãnh nhận được hết ơn này đến ơn khác”.  Phúc lành này đã được tỏ ra trước hết cho các người chăn chiên là những người thân phận hèn mọn trước mặt người đời.  Tuy nhiên phúc lành Giê-su đã biến đổi họ trở nên những người có ảnh hưởng lớn lao, khiến cho “tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết”.  Phúc lành Giê-su là trọng đại do ý nghĩa của “tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ”.  Danh hiệu Giê-su nghĩa là Thiên Chúa cứu.  Do đó, lời chúc quan trọng nhất Thiên Chúa muốn chúc cho chúng ta trong Triều Đại cứu độ của Người là tất cả chúng ta hãy tin vào Con của Người để chúng ta không phải chết, nhưng được sống muôn đời.  Tựa thức ăn đựng trong máng để đem lại sức sống cho đàn vật, Chúa Giê-su đã được đặt nằm trong máng cỏ để trở nên lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta vậy.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Phúc lộc thọ là ý nghĩa lời chúc đầu năm của chúng ta.  Qua Lời Chúa hôm nay, Chúa cũng có lời chúc tương tự.  Ban Con Một cho chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta được ơn gọi Người là Cha và được hưởng lộc sự sống đời đời.  Hứa rằng nếu chúng ta sống dưới sự bảo trợ và trong sự quan phòng của Chúa, chúng ta sẽ được Người đoái thương nhìn đến, chăm sóc và gìn giữ.  Hôm nay chúng ta cũng mừng Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa.  Mẹ đã “được chúc phúc” giữa các người phụ nữ, đã sống dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa và đem đến cho chúng ta Phúc Lành trọng đại nhất là Chúa Giê-su.  Vậy vì tất cả những phúc lành ấy, ta có sống xứng đáng với địa vị là con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Chúa Ki-tô không?

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A