CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Chúa Giê-su là Vị Mục Tử Nhân Lành của chúng ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 2:14a, 36-41;  1 Pr 2:20b-25;  Ga 10:1-10)

          Như chúng ta đã thấy, Phụng vụ Lời Chúa tuần III Phục Sinh trình bày hoa trái đầu mùa của Phục Sinh là cộng đoàn đức tin tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem.  Hôm nay, tiếp tục bài giảng, ông Phê-rô giới thiệu Chúa Giê-su, Đấng Thiên Chúa đã “đặt làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” để coi sóc cộng đoàn ấy như Vị Mục Tử Nhân Lành (bài đọc 1).  Sứ mệnh này được chính Chúa Giê-su xác nhận trong bài giảng cho người Do-thái khi Chúa kể ra tất cả những gì Người làm để nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên của Người:  Người là mục tử, đồng thời Người cũng là cửa ràn chiên (bài Tin Mừng).  Những hình ảnh cụ thể này mục đích nói lên tình yêu thương Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Vì thế, trong thư thứ nhất, thánh Phê-rô kêu gọi tín hữu hãy phó thác cho Vị Mục Tử và cố gắng sống cuộc đời công chính (bài đọc 2).

          1.  Thiên Chúa đặt Đức Giê-su làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô để chăm sóc Ít-ra-en Mới của Người.  Trong Cựu Ước, dân Ít-ra-en đã được Thiên Chúa quy tụ thành ràn chiên của Người.  Đó là hình ảnh quen thuộc được diễn tả trong Thánh Vịnh 22 chúng ta thường đọc hoặc hát.  Thiên Chúa là vị mục tử.  Mở đầu thời Tân Ước, Thiên Chúa sai Con Một giáng trần để thực hiện kế hoạch cứu độ nhờ sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chịu chết và sống lại để cứu chuộc muôn người.  Theo kế hoạch này, Chúa Giê-su đã thiết lập Hội Thánh để quy tụ mọi kẻ tin vào Người.  Do đó Hội Thánh trở thành một Ít-ra-en Mới và Thiên Chúa đặt Đức Giê-su làm vị Mục Tử Nhân Lành để chăm sóc Hội Thánh như Thiên Chúa đã chăm sóc dân riêng Người là Ít-ra-en xưa kia.  Tuy nhiên, thánh Phê-rô lại muốn chúng ta hiểu sứ mệnh của vị Mục Tử Nhân Lành qua hai danh hiệu “Đức Chúa” và “Đấng Ki-tô”.  Vậy hai danh hiệu này nói lên điều gì về Chúa Giê-su?  Danh hiệu “Đức Chúa” là để ám chỉ những gì Chúa Giê-su làm cho Hội Thánh thì cũng là những gì Thiên Chúa (Đức Chúa) đã làm cho đoàn chiên Ít-ra-en.  Còn danh hiệu “Đấng Ki-tô” thì rõ ràng ám chỉ sứ mệnh của Chúa Giê-su, đặc biệt về cái chết và sự sống lại của Người để quy tụ chúng ta thành đoàn chiên của Người trong một Hội Thánh.

          2.  Chúa Giê-su là Mục Tử.  Bên cạnh những giáo lý khi Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng, có một điều đặc biệt được thánh sử Gio-an ghi lại, đó là sự kiện Chúa Giê-su công bố sứ vụ mục tử của Người trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Đúng vậy, Chúa Giê-su đã chết để cứu chuộc ta khỏi tội lỗi và cho ta được làm con Thiên Chúa.  Tuy nhiên đấy mới chỉ là khởi đầu của hành trình cứu độ, vì ta còn phải tiếp tục cuộc sống mới ấy cho đến chết.  Chúng ta cần một vị Hướng Đạo, dẫn dắt ta trên đường đời đầy hiểm nguy do tội lỗi và cám dỗ.  Khi nói với người Do-thái, Chúa Giê-su đã khẳng định vai trò mục tử của mình.  Chúa cho thấy sự khác biệt giữa Người với các nhà lãnh đạo tôn giáo của Ít-ra-en.  Chúa “đi qua cửa mà vào ràn chiên”, còn họ thì “trèo qua lối khác mà vào” vì họ là kẻ trộm cướp.  Vậy Chúa Giê-su qua cửa mà vào ràn chiên để làm gì?  Thánh Gio-an kể ra từng việc một:  Chúa gọi tên từng con chiên và dẫn chúng ra, Chúa đi trước và chiên theo sau, còn chiên thì đi theo Chúa vì chúng nhận biết tiếng của Chúa.  Nhận biết tiếng Chúa và theo Chúa là hai hành vi không thể tách rời!  Mặc dù Chúa diễn tả sứ vụ mục tử của Người rõ ràng như thế, nhưng “người Do-thái” (cụm từ thánh Gio-an ám chỉ kẻ thù của Chúa Giê-su) không hiểu hoặc không muốn nhìn nhận.  Do đó Chúa đã dùng hình ảnh cửa ràn chiên để giải thích rằng Người là nguồn ơn cứu độ cho những ai tin vào Người và sứ mệnh của Người.  Chỉ qua “cửa” Giê-su, các con chiên mới “gặp được đồng cỏ”, nói khác đi, phải nhờ Chúa Giê-su, ta mới được cứu độ.  Như vậy, trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng:  thứ nhất là mối tương quan mật thiết giữa Người với chúng ta và thứ hai là vai trò đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, hoặc nói theo ngôn từ của Chúa, là “tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào”!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          3.  Anh em đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em”.  Nếu thế, thánh Phê-rô khuyên chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu của vị Mục Tử Nhân Lành?  Trước hết ngài nhắc nhở chúng ta về một chân lý quan trọng, là ta được Thiên Chúa gọi để sống mà làm việc lành, bất chấp đau khổ và kiên tâm chịu đựng.  Lối sống ấy cũng là lối sống của Chúa Ki-tô, “Đấng đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người”.  Đúng vậy, suốt cuộc đời, Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó, luôn vâng phục thánh ý Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá.  Để tỏ lòng Thiên Chúa yêu thương ta, Chúa Giê-su “đã mang tội lỗi chúng ta vào thân thể Người mà đưa lên cây thập giá”.  Mục đích cái chết của Người là giúp chúng ta, những con chiên lạc, “quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn” chúng ta.  Quả thực, vì yêu chúng ta, Vị Mục Tử Nhân Lành đã chết cho chúng ta sống cuộc đời công chính và dẫn dắt ta tiếp tục sống công chính cho đến khi ta vào đồng cỏ đời đời với Người!  Mặc dù có Chúa dẫn đường, chúng ta nhiều khi cứ thích lạc lối, cho nên ta vẫn phải tiếp tục “quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn”, để mối tương quan với Chúa mỗi ngày một thắm thiết hơn.

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi   


Suy Niệm Lời Chúa Năm A