CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su là Vua bình an của mọi tâm hồn

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Dc 9:9-10;  Rm 8:9, 11-13;  Mt 11:25-30)

        Chúa Ki-tô đem lại cho chúng ta sự sống mới với chức phận làm con cái Thiên Chúa, để ta cùng bước theo Người về quê hương đích thực trên trời.  Người dẫn ta đi như Mục Tử Nhân Lành dẫn dắt đàn chiên, một hình ảnh vô cùng cảm động.  Tuy nhiên Lời Chúa hôm nay còn trình bày một hình ảnh thật đẹp nữa về Chúa Giê-su: Người là Đức Vua sẽ “công bố hòa bình cho muôn dân” (bài đọc 1), giúp chúng ta được sống lại trong sự sống mới (bài đọc 2), và đặc biệt Người là Đấng mời gọi:  “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (bài Tin Mừng).  Vậy chúng ta hãy nương theo Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mà chiêm ngưỡng dung mạo tuyệt vời ấy của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta.

        1.  Chúa Giê-su là Vua bình an của nhân loại.  Sau khi dân Ít-ra-en trở về từ cuộc lưu đày Ba-by-lon năm 520 trước Đức Ki-tô, ngôn sứ Da-ca-ri-a đã tham gia vào cuộc “phục hưng” dân Chúa và tái thiết Đền Thờ.  Không những dân chúng được vui hưởng cuộc sống mới thái bình, mà ngôn sứ còn nhìn thấy một tương lai tốt đẹp.  Ngài lập lại lời Thiên Chúa phán với thiếu nữ Xi-on và thiếu nữ Giê-ru-sa-lem:  “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi!”  Vậy Đức Vua đó là ai?  Da-ca-ri-a ám chỉ một triều đại bình an và Đức Vua của triều đại ấy đang tới chính là Chúa Giê-su và Nước Trời được Người thiết lập.  Ngôn sứ còn mô tả hình ảnh Đức Vua “khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”, như chúng ta gặp thấy trong Tân Ước hình ảnh Chúa Giê-su cưỡi lừa đi vào thành Giê-ru-sa-lem.  Khác với ngựa là biểu tượng chiến tranh, lừa là con vật biểu trưng cho bình an.  Vậy Đức Vua bình an ấy sẽ làm gì khi Người đến?  Người tận diệt chiến tranh với chiến xa, chiến mã và cung nỏ, để đem lại “hòa bình cho muôn dân”.  Đúng vậy, chúng ta biết Vua Giê-su đã thi hành sứ mệnh cứu độ trần gian bằng cái chết và sự phục sinh để chiến thắng ma quỷ và tội lỗi.  Người đã quét sạch và bẻ gãy mọi vũ khí của ma quỷ để giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, để nhờ Thánh Thần của Người, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha.

        2.  Chúa Giê-su là Vua bình an của tâm hồn.  Song song với cái nhìn của ngôn sứ Da-ca-ri-a về Đức Vua của hòa bình, thánh Phao-lô lại nhìn Chúa Giê-su như Vua bình an ngự trị trong tâm hồn Ki-tô hữu.  Vậy thánh Phao-lô giải thích việc Chúa Giê-su ngự trị trong tâm hồn ta như thế nào?  Trước hết ngài khẳng định:  “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô”.  Trong các thư thánh Phao-lô, Chúa Thánh Thần thường được liên kết với sự bình an, thí dụ Ga-lát 5:22-23.  Nếu ta thuộc về Đức Ki-tô, ta cũng sẽ mang theo Thần Khí của Người là sự bình an, nói khác đi, chúng ta có Vua bình an ngự trong tâm hồn ta.  Sống trong bình an của Chúa Ki-tô là cuộc sống mới của chúng ta.  Nói đến sự sống mới thì phải nghĩ tới sự sống cũ.  Thánh Phao-lô phân biệt rõ ràng:  sự sống cũ là sống nô lệ cho tội lỗi và “mang nợ đối với tính xác thịt”;  còn sự sống mới là sống trong sự tự do làm con cái Thiên Chúa và nhờ Thần Khí, ta “diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ” nơi chúng ta.  Nếu chúng ta muốn “thuộc về Đức Ki-tô”, chúng ta đừng để tính xác thịt chi phối mình, nhưng hãy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt ta làm môn đệ của Chúa Giê-su.

        3.  Chúa Giê-su là Vua bình an của tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.  Trên trần gian này, chẳng có vị vua, tổng thống hay chủ tịch nào có thể mời gọi dân của họ:  “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.  Chỉ có Vua Giê-su mới có đầy đủ quyền năng và đức độ để thực hiện được lời mời gọi này.  Các nhà lãnh đạo với tài kinh bang tế thế cũng chỉ giúp đỡ dân nước mình cách tương đối thôi, chứ không thể triệt để xóa đói giảm nghèo như họ đã bày ra kế hoạch.  Các nhà tâm lý, giáo dục và cố vấn cũng khó mà đem lại bình an tâm hồn cho những người cần tâm sự giãi bày.  Gánh nặng của mỗi người chúng ta chẳng ai có thể chia sẻ hoàn toàn đến nỗi chúng ta được nhẹ nhõm thư thái.  Chỉ có Chúa Giê-su, người duy nhất có thể giải quyết được mọi khó khăn và những điều bất khả của chúng ta.  Ta không thắng nổi tội lỗi và sự chết.  Đã có Vua Giê-su!  Ta phải vất vả mang gánh nặng của “tính xác thịt” và mệt mỏi muốn chết đi cũng không được.  Đã có Vua Giê-su cho ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng!  Người đặt lên vai ta cái “ách êm ái” và “gánh nhẹ nhàng”, đó là tình yêu.  Người đã mang cái ách “yêu mến Thiên Chúa” và cái gánh “yêu thương nhân loại” để trở thành Vua bình an cho tất cả chúng ta, những kẻ thuộc về Người.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Hơn lúc nào hết, chúng ta thấy lời Chúa mời gọi:  “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” là lời mời gọi tha thiết và ý nghĩa nhất.  Thầy Giê-su muốn các môn đệ hãy mang lấy “ách” của Người, tức là hãy yêu mến phụng sự Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, và yêu thương phục vụ anh chị em như Chúa đã yêu thương và phục vụ chúng ta.  Mà đặc tính nổi bật của tình yêu là “lòng hiền hậu và khiêm nhường”.  Vậy chúng ta hãy thường nhớ đến hình ảnh Vua Giê-su hiền hậu và khiêm nhường đang cưỡi lừa đến với tâm hồn chúng ta!                          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi              


Suy Niệm Lời Chúa Năm A