CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 22:19-23;  Rm 11:33-36;  Mt 16:13-20)

        Cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su tiến triển đều đặn.  Lời giảng và phép lạ Chúa làm đã đánh động nhiều tâm hồn nhận ra quyền bính của Người.  Trong khi đó, nhóm Pha-ri-sêu, các kinh sư và những kẻ bị họ sách động c     ố gắng tấn công Người và phủ nhận quyền bính đó.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày quyền bính ấy, không những là quyền bính Thiên Chúa đã trao ban cho Con Một Người, mà còn được tiếp nối qua Phê-rô và Hội Thánh Đức Ki-tô, để nhờ đó nhân loại lãnh nhận ơn cứu độ.  Câu chuyện Cựu Ước kể lại việc Thiên Chúa ban quyền cho En-gia-kim và truất phế tể tướng Sép-na là hình bóng ám chỉ việc Thiên Chúa ban quyền bính cho Đức Ki-tô để Người chiến thắng tội lỗi và sự chết.  Tiếp theo, đến lượt Chúa Ki-tô trao lại quyền bính ấy cho Phê-rô và các bậc kế vị trong Giáo Hội để thay Người làm công cụ tiếp tục đem ơn cứu độ đến mọi người.  Trước kế hoạch nhiệm mầu này, thánh Phao-lô mời gọi ta hãy ngợi khen Thiên Chúa.

        1.  Thiên Chúa thiết lập quyền bính Đức Giê-su Ki-tô.  Cựu Ước là để giải thích Tân Ước, đúng hơn là để giúp ta hiểu con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su Ki-tô.  Vì thế, câu chuyện Cựu Ước hôm nay là sự kiện ám chỉ việc Thiên Chúa Cha thiết lập quyền bính của Người nơi Chúa Ki-tô.  Dưới triều vua Khít-ki-gia, ông Sép-na làm tể tướng.  Nhưng với quyền lực trong tay, Sép-na đâm ra kiêu căng nên Thiên Chúa đã đưa ông En-gia-kim lên thay thế.  Không những Thiên Chúa trao quyền bính cho En-gia-kim, mà Người còn hứa ban cho ông “chìa khóa nhà Đa-vít” để mở ra một triều đại vững chắc và vinh hiển.  Đúng vậy, Chúa Giê-su là chìa khóa nhà Đa-vít, như trong lời Tung hô Tin Mừng Thánh lễ ngày 20 tháng 12 mùa Vọng:  “Lạy Đức Ki-tô, Ngài nắm giữ chìa khóa nhà Đa-vít, Ngài mở cửa đưa vào Nước vĩnh hằng.  Xin Ngài đến đem ơn giải thoát, cho tù nhân khỏi hết xích xiềng, cho họ không còn ngồi dưới bóng đêm”.  Nước vĩnh hằng chính là Nước Thiên Chúa mà Chúa Giê-su thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ thiết lập cho đến muôn đời.  Ngoài ra, lời Thiên Chúa nói về chìa khóa nhà Đa-vít:  “Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được” còn nói lên đặc tính tối cao của quyền bính Đức Ki-tô.  Điều này có nghĩa là chỉ trong Đức Ki-tô và nhờ quyền bính Đức Ki-tô, chúng ta mới được cứu độ.  Không có cánh cửa nào khác mở ra cho ta được cứu độ ngoài Đức Ki-tô cả!

        2.  Chúa Giê-su thông ban quyền bính của Người cho ông Phê-rô và những người kế vị.  Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch cứu độ trong bối cảnh lịch sử dân Chúa và nhân loại.  Vì thế, Giáo Hội cũng được thiết lập trên nền tảng lịch sử như bí tích cứu độ để quy tụ mọi người tin vào Chúa Giê-su và đón nhận Tin Mừng.  Là Đấng khai nguyên và thiết lập Giáo Hội, Chúa Giê-su đã lãnh nhận quyền bính từ Thiên Chúa Cha và sức sống từ Chúa Thánh Thần.  "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28:18-20).  Để thực hiện điều này, sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã trao cho Phê-rô nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (Ga 21:17), đồng thời cũng trao cho Phê-rô và các tông đồ khác nhiệm vụ truyền bá và cai quản Giáo Hội.  Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc trao quyền cho Phê-rô.  Vậy động lực nào khiến Chúa Giê-su trao quyền bính cho Phê-rô?  Đó chính là hành vi Phê-rô tuyên xưng đức tin vào Chúa.  Đúng vậy, làm sao Chúa có thể trao quyền bính cho một kẻ không tin vào Người?  Nghe những lời Chúa nói với Phê-rô, ta hiểu được đức tin của ông không phải là điều tự ông có, nhưng nhờ sự can thiệp của Chúa Cha mặc khải cho ông biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô.  Phê-rô là “người có phúc” nhất trong các tông đồ.  Do đó, ta không lạ khi thấy Chúa đã ban quyền bính cho ông lèo lái con thuyền Giáo Hội, trao cho ông “chìa khóa Nước Trời” để cầm buộc và tháo cởi.  Người Do-thái hiểu cầm buộc và tháo cởi có nghĩa là “xác định rõ điều gì là cấm và điều gì là cho phép”.  Ông Phê-rô, và các người kế vị là các giáo hoàng, sẽ nói lời tối hậu để xác quyết ai thuộc và ai không thuộc thành phần Giáo Hội, điều gì Giáo Hội buộc và điều gì Giáo Hội không buộc phải tin.

        3.  Cảm nghĩ của thánh Phao-lô về quyền bính của Chúa Giê-su.  Chúng ta dựa vào Kinh Thánh để nhận biết quyền bính của Chúa Giê-su.  Nhưng thánh Phao-lô lại có một cách tuyệt vời để tôn vinh quyền bính ấy.  Đối với ngài, Chúa Giê-su thực thi quyền bính nghĩa là Người biểu lộ “sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa”.  Do đó muôn vật đều lệ thuộc vào uy quyền của Chúa Giê-su.  Người là tất cả, vì “bởi Người mà muôn vật có, nhờ Người mà muôn vật tồn tại và quy hướng về Người”, hoặc như lời Phao-lô giảng tại A-thê-na:  “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17:28).

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Có một câu trong kinh Tin Kính đánh động tâm hồn chúng ta:  Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành!  Thế nào là “được tạo thành”?  Tôi đã được tạo thành khi ra đời, đang được tạo thành trong công trình cứu độ và sẽ được tạo thành làm con Thiên Chúa trong cuộc sống đời đời.  Tạ ơn Chúa!

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi       


Suy Niệm Lời Chúa Năm A