CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Con đường thập giá của người môn đệ Chúa Giê-su

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 20:7-9;  Rm 12:1-2;  Mt 16:21-27)

        Uy quyền của Chúa Giê-su được biểu lộ qua lời giảng và những phép lạ Người làm khiến cho những ai nghe và chứng kiến đều ngạc nhiên.  Nhưng hơn thế nữa, uy quyền ấy còn lôi cuốn một số người bỏ tất cả để đi theo làm môn đệ Người.  Làm môn đệ một bậc thầy không phải là điều mới mẻ hoặc xa lạ.  Tuy nhiên làm môn đệ Chúa Giê-su thì khác, vì có nhiều yếu tố hết sức độc đáo.  Thí dụ, kẻ muốn làm    môn đệ cần phải được Thầy kêu gọi, phải chấp nhận mọi hy sinh khi họ tuyệt đối nguyện sống theo đường lối của Thầy… Cả ba bài đọc hôm nay cùng khai triển khía cạnh người môn đệ cần chấp nhận hy sinh để quảng đại bước theo Chúa.  Bất cứ trong bậc sống nào, dù là ngôn sứ, Ki-tô hữu hoặc kẻ dấn thân theo ơn gọi tu trì, tất cả đều được kêu gọi hãy bước đi trên con đường của Chúa là con đường thập giá.

        1.  Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ bị sỉ nhục vì lời Đức Chúa.  Trước hết Phụng vụ Lời Chúa cống hiến chúng ta hình ảnh con đường thập giá của ngôn sứ Giê-rê-mi-a.  Đang khi còn là một thanh niên hiếu hòa thuộc gia đình tư tế tại A-na-thốt, Giê-rê-mi-a đã được Chúa gọi làm ngôn sứ.  Việc kêu gọi này được thực hiện âm thầm và riêng tư giữa Thiên Chúa và Giê-rê-mi-a qua hành động và chỉ thị của Chúa.  Thứ nhất, Chúa phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi” để lấp đầy những khuyết điểm của con người ông.  Thứ hai, Chúa ra lệnh:  “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi”, nghĩa là Giê-rê-mi-a phải thi hành tất cả với lòng tin tưởng Chúa, không nhút nhát sợ hãi trước bất cứ kẻ thù nào.  Thứ ba, Chúa hứa:  “Ta sẽ ở với ngươi để giải thoát ngươi”.  Ở đây Chúa lập lại lời Người đã nói với Mô-sê khi gọi ông (Xh 3:12) và lời Người sẽ nói với ông Phao-lô khi đặt ông làm tông đồ dân ngoại (Cv 26:17).  Sứ mạng của Giê-rê-mi-a là kêu gọi Ít-ra-en bỏ đàng tội lỗi và trở về với Thiên Chúa.  Nhưng ông bị mọi người chống đối, từ vua chúa cho đến các tư tế, chỉ vì họ không thích và không chấp nhận những lời cảnh cáo của ông.  Họ bảo ông là người gieo rắc sự sợ hãi cho mọi người.  Họ bỏ ông vào hầm nước, nhưng Chúa đã cứu thoát ông.  Trước bách hại kinh hoàng và dai dẳng ấy, hy vọng cuối cùng của Giê-rê-mi-a là Thiên Chúa.  Ông chỉ còn biết than thở với Người.  Bài đọc hôm nay cho thấy đau khổ và hy sinh của ông đã tới cực điểm, đến nỗi ông muốn buông xuôi.  Ông thưa Chúa:  “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’”.  Nhưng cuối cùng Giê-rê-mi-a vẫn trung thành, vì ông luôn cảm thấy lời Chúa “cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim”, nhờ thế ông đủ sức nén chịu.  Ông chỉ muốn làm một ngôn sứ chân chính và trung thành của Thiên Chúa mà thôi.

        2.  Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.  Trên khía cạnh nào đó, ngôn sứ Giê-rê-mi-a là hình ảnh báo trước sứ mạng của Chúa Giê-su.  Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa đặt lời Người vào miệng, còn Chúa Giê-su là chính Lời của Thiên Chúa.  Người được Chúa Cha sai đến trần gian và trong mọi khó khăn thử thách Người đều có Chúa Cha ở cùng Người.  Khi đến trần gian, Chúa Giê-su đã “trút bỏ vinh quang” của địa vị Thiên Chúa.  Giờ đây Người cũng muốn môn đệ phải “từ bỏ chính mình” để theo Người.  Con đường thập giá là con đường Người chấp nhận để chu toàn sứ mệnh.  Nhưng môn đệ Phê-rô lại muốn học tài khôn, lên tiếng can thầy đừng đi con đường ấy.  Thế là ông bị Thầy đuổi “lui lại đằng sau” để từ nay cứ ngoan ngoãn mà theo Thầy.  Ông bị mắng cũng đáng đời!  Ai bảo ông “cản lối” Thầy, có tư tưởng “phản động” đi ngược lại đường lối Thiên Chúa.  Thầy nguyện sẽ luôn làm theo thánh ý Chúa Cha, vậy mà ông dám “cám dỗ” Thầy làm theo ý của ông, khác nào ma quỷ đã cám dỗ Thầy trong hoang địa!  Tiếp theo lời quở trách là bài học Thầy dạy về cách làm môn đệ Thầy.  Trước hết Chúa đưa ra cái giá đắt của việc làm môn đệ:  mạng sống.  Đồng thời Người cũng đưa ra phần thưởng của việc làm môn đệ:  mạng sống.  Cả hai đều là mạng sống, nhưng khác nhau!  Trả cái giá mạng sống đời này để mua được mạng sống đời sau.  Chấp nhận những hy sinh tạm thời để được hạnh phúc vĩnh cửu.  Mạng sống đời đời có giá trị tuyệt đối, cho nên dù đánh đổi cả thế gian này cũng không cân xứng.  Vậy mạng sống đời này tượng trưng cho những gì mà Chúa muốn ta phải liều mạng?  Đó là đời sống tội lỗi của ta và nó phải được “mai táng” trong mồ, để ta được trỗi dậy với con người thánh thiện.  Tinh thần xa-tan cần phải được thay thế bằng tinh thần Chúa Ki-tô để ta sống sự sống mới trong Chúa Thánh Thần.  Do đó, dựa trên diễn trình mai táng trong mồ để được sống lại và mất mạng để cứu mạng, ta có thể hiểu làm môn đệ Chúa Giê-su cũng có nghĩa là làm một cuộc thay đổi con người nội tâm của ta, để mỗi ngày ta trở nên giống Chúa Ki-tô hơn.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  Hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần.  Nếu làm môn đệ Chúa có nghĩa là biến đổi mình nên giống Chúa Ki-tô, thì điều quan trọng nhất thánh Phao-lô kêu gọi ở đây chính là ta hãy đổi mới tâm thần. Phải, đổi mới cả tâm hồn lẫn tinh thần của ta!  Tâm hồn ta phải mang lấy mọi tâm tình của Chúa Giê-su, thí dụ yêu thương, tha thứ, chạnh lòng thương… Và tinh thần ta cũng phải giống tinh thần Chúa Ki-tô, tinh thần hy sinh quảng đại để phục vụ Thiên Chúa và mọi người.

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi  


Suy Niệm Lời Chúa Năm A