CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 55:6-9;  Pl 1:20c-24, 27a;  Mt 20:1-16a)

        Suốt đời làm tông đồ dân ngoại, thánh Phao-lô đã cố gắng thực hiện lý tưởng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, nghĩa là ngài lấy lối sống của Chúa Ki-tô làm mẫu mực để thay đổi đời sống của ngài.  Lý tưởng của ngài cũng là lý tưởng của mọi Ki-tô hữu:  trở nên giống Chúa Ki-tô tức là nên thánh, hoặc nói khác đi, noi gương Chúa Giê-su chính là con đường nên thánh của ta (bài đọc 2).  Để trở nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta cần thay đổi.  Đây là lời Chúa kêu gọi ta, giống như Thiên Chúa đã kêu gọi dân Ít-ra-en hãy hoán cải, bỏ tư tưởng và đường lối của họ để quay về với đường lối của Người (bài đọc 1).  Dụ ngôn Chủ nhà trả tiền công cho những thợ làm vườn nho không theo quy tắc “công bằng”, nhưng dựa trên “lòng tốt” của ông.  Cách hành xử khác thường này của chủ nhà trong dụ ngôn cũng đòi ta phải xét lại lối sống của mình, để sẵn sàng đón nhận lối sống mới theo Chúa Giê-su (bài Tin Mừng).

        1.  “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô”.  Từ ngày được Chúa Phục Sinh kêu gọi trên đường đi Đa-mát, Phao-lô bắt đầu cuộc sống mới.  Chúa Giê-su đã trở thành trung tâm của đời ngài.  Không những ngài học hỏi giáo lý của Chúa, rao giảng “Chúa Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá”, sẵn sàng chấp nhận gian nan thử thách khi thi hành sứ vụ tông đồ, mà ngài còn muốn bản thân mình phải trở nên giống với Chúa, hoặc nói theo ngôn ngữ của ngài, đó là được “nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người” nữa (Pl 3:10).  Với Phao-lô, địa vị và ảnh hưởng của Chúa Ki-tô vô cùng lớn lao đến nỗi ngài có thể phát biểu:  “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi”.  Đúng vậy, Phao-lô nguyện sống chết vì Chúa Ki-tô, với ngài, sống có nghĩa là “tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”;  còn chết là một mối lợi, vì có được Đức Ki-tô là gia nghiệp đời đời.  Tại đây, chúng ta muốn dừng lại ở lý tưởng “sống là Đức Ki-tô” của thánh Phao-lô để xem lý tưởng ấy được ứng dụng cho mỗi người chúng ta như thế nào.  Nếu bảo đối với chúng ta sống là Đức Ki-tô, thì điều này có nghĩa rằng mỗi người chúng ta phải là một “Đức Ki-tô khác”, giống như danh nghĩa Ki-tô hữu chúng ta đang có.  Ki-tô hữu nghĩa là có Đức Ki-tô.  Tuy nhiên nếu ta chỉ mang cái tên của Chúa thôi mà không thực sự có Chúa sống trong ta, thì đâu phải là Ki-tô hữu.  Nhưng nếu chúng ta “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su” (Cl 2:7), nghĩa là suy nghĩ và hành động giống như Chúa Ki-tô, thì lúc đó thực sự Chúa Ki-tô đang sống trong ta rồi!

        2.  Hoán cải là một diễn trình thay đổi.  Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, Chúa luôn kêu gọi con người phải thay đổi từ cuộc sống tội lỗi bước vào đời sống thánh thiện.  Để trở thành vị tông đồ dân ngoại nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, Phao-lô đã phải trải qua một cuộc thay đổi liên tục.  Lời gọi của Chúa Phục Sinh không chỉ xảy ra trên đường Đa-mát, những mãi âm vang trong tâm hồn Phao-lô.  Lời Chúa kêu gọi hoán cải qua ngôn sứ I-sai-a hôm nay cũng đòi chúng ta phải bỏ đường lối gian ác và tư tưởng bất lương để trở về với đường lối và tinh thần của Thiên Chúa.  Mặc dù đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa cao vời tựa như “trời cao hơn đất”, thì Thiên Chúa cũng có cách để giúp ta hiểu biết được tư tưởng và đường lối của Người, đó là học hỏi qua Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta.  Chúa Giê-su được sai đến trần gian để thực hiện một cuộc tạo dựng mới, thay đổi nhân loại từ tình trạng sa ngã do tội nguyên tổ trở thành thân phận làm con cái Thiên Chúa.  Cuộc thay đổi của chúng ta bắt đầu từ sự kiện được nên công chính nhờ cái chết của Chúa Ki-tô và phải được tiếp diễn liên tục khi chúng ta cố gắng sống như là “Chúa Ki-tô sống trong tôi”.

        3.  Dụ ngôn Ông chủ vườn nho tốt bụng dạy chúng ta thay đổi điều gì?  Qua câu chuyện dụ ngôn, chúng ta có thể học được nhiều bài học.  Nhưng cụ thể hơn, bài Tin Mừng hôm nay dạy ta phải thay đổi điều gì?  Nhìn vào cách cư xử của ông chủ khi trả tiền công cho thợ, chúng ta có nhiều thắc mắc.  Tại sao ông lại trả bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất?  Dựa trên căn bản nào những người vào làm trước nhất nghĩ rằng họ sẽ lãnh được nhiều hơn?  Họ cằn nhằn ông chủ có hữu lý không?  Ở đây là vấn đề công bằng hay vấn đề bác ái?  Sự tốt bụng của ông chủ khiến chúng ta nghĩ thế nào về lòng nhân lành của Chúa?  Ghen tức có thực sự chính đáng khi thấy Chúa ban ơn phúc cho người khác nhiều hơn tôi không?  Nếu đọc đi đọc lại câu chuyện và suy nghĩ, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra Chúa muốn ta thay đổi nhiều lắm, nhất là về đường lối và tư tưởng (tinh thần) của ta cho phù hợp với đường lối và tinh thần của Chúa.  Chúng ta phải hành động và suy nghĩ làm sao cho xứng đáng là Cha nào con nấy?

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Là môn đệ Chúa Giê-su, ai cũng muốn được Thầy nào trò nấy.  Lý tưởng của người môn đệ là được trở nên giống như Thầy.  Chỉ đón nhận giáo lý của Thầy thôi chưa đủ, mà phải đem giáo lý ấy vào đời sống.  Đã bao lần ta nghe đi nghe lại giáo huấn về yêu thương anh chị em, tha thứ cho kẻ thù…, nhưng ta đã thực hành được bao nhiêu?  Chúa Ki-tô có thực sự “sống trong ta” không?

 

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi  


Suy Niệm Lời Chúa Năm A