Chúa Nhật thứ 26 MTN - Ngày 27 tháng 9 năm 2020

Lm. John Nepil

 

Bài đọc: Ez 18: 25-28 • Tv 25: 4-5, 8-9, 10, 14 • Phil 2: 1-11 hoặc 2: 1-5 • Mt 21: 28-32

https://bible.usccb.org/bible/readings/092720.cfm

 

Thật khó tưởng tượng được liệu có lời phê bình nào về người Pha-ri-siêu ở thế kỷ thứ nhất lại nặng nề hơn những lời Chúa Giêsu Kitô nói trong Tin Mừng hôm nay: “Quả thật, tôi bảo các ông, quân thu thuế, lũ đàng điếm qua trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa” (Mt. 22:31). Dường như toàn bộ tinh thần đạo Do Thái đang bị đảo ngược và thay đổi khuôn mẫu một cách gần như không thể. Làm sao Nước Trời có thể mở rộng đón nhận những kẻ không hiểu rõ và cố chấp nhất về đường lối của Lề Luật? Rõ ràng Chúa Kitô muốn nói lên các nguồn ân sủng sâu xa hơn là những thực hành hoàn toàn bề ngoài của kẻ tuân thủ luật lệ.

Khởi đầu là vấn đề tự đề cao bản thân, một cám dỗ triền miên người ta có thể nhận thấy trong thời đại kỹ nghệ thống trị (*) của con người. Tự cao tự đại là áp dụng tư tưởng con người có ngay lúc ban đầu vào mọi điều và mọi quan hệ. Không phải là người khác không quan trọng; nhưng trên thực tế, người khác có thể trở thành đối tượng ám ảnh của tính vị kỷ. Thách đố của Chúa Giêsu là nếu muốn bước vào đời sống làm môn đệ Chúa thì phải phá bỏ thói tự cao tự đại, để hiểu được mọi sự theo ý nghĩa của sứ mệnh phục vụ.

Thánh I-nha-xi-ô Loyola viết: “Con người hiện hữu để ca ngợi, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, để nhờ đó linh hồn mình được cứu rỗi”, vì đó là “Nguyên Nền tảng” trong các bài linh thao của I-nha-xi-ô. Mọi sự phải bắt đầu trong mối tương quan với Thiên Chúa, một tương quan lệ thuộc và khiêm tốn phụng sự. Thực khó đối với con người hôm nay, là ý nghĩa của việc phụng sự ấy dù chúng ta hiểu được hay không thì vẫn là sự thật.

Điều đòi hỏi nơi người Pha-ri-siêu lại là điều gặp thấy nơi người thu thuế và những người đĩ điếm. Đòi hỏi ấy nằm trong đức khiêm nhường, một tập quán đặc biệt của Đức Kitô được thể hiện là nhờ Thiên Chúa Nhập Thể tỏ mình ra. Như thánh Phao-lô giải thích trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê hôm nay, đức khiêm nhường hoàn toàn trái ngược với thái độ tự kiêu của kẻ tự phụ: “Chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình” (Pl 2, 3).

Các lối sống chúng ta xây dựng phần lớn được đặt lên trên những lối sống theo sự quan phòng của Thiên Chúa, cho nên khi bị đổ vỡ thì tạo chỗ đứng cho người khác nghĩa là phải nhìn nhận họ quan trọng hơn mình. Muốn cho mầu nhiệm tha nhân được phơi bày, chúng ta phải tin tưởng bước theo con đường khả năng không thể hiểu biết; vì đơn thuần là chúng ta không có khả năng khám phá được người khác, điều chỉ có Thiên Chúa mới làm được thôi. Nhưng đường lối không thể nhận biết nhau này không mang ý nghĩa loại trừ mà là giải phóng, vì nó thực sự để cho mọi sự xảy ra y như vậy theo tinh thần xin vâng của Mẹ Maria.

Mặc dù lời kêu gọi sống khiêm nhường nền tảng của lời Tin Mừng kêu gọi hãy hoán cải, nhưng đó không phải là tâm điểm của bài Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn về hai người con trai chúng ta nghe trong Tin Mừng Mát-thêu chương 21 hôm nay cho thấy sự căng thẳng cố hữu giữa nói và làm, một sự căng thẳng xuyên qua chính tâm hồn con người. Một đứa sống trong ảo tưởng về sự tự cao tự đại của mình, nói một đàng làm một nẻo. Còn đứa kia, mặc dù lúc đầu cố chấp và thậm chí còn thách thức, cho thấy chân lý về việc hối cải trong Kitô giáo, đó là: sự tương xứng giữa nói và làm thì quan trọng hơn là phô trương mục tiêumôi miệng bề ngoài. Bài đọc thứ nhất của tiên tri Ê-zê-ki-en diễn tả bản chất điều này: “Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết” (Ez. 18: 28).

Sự hối cải của người con thứ nhất trước hết là trong việc anh ta suy nghĩ lại, điều triết gia Aristotle gọi là phrónēsis. Đây là sự khôn ngoan để đánh giá đúng một quyết định trước khi hành động, nhờ đó người ta nhận ra rằng sự thăng hoa của con người không phải lúc nào cũng tương xứng với những gì người ta mong muốn nhất. Trong sự giằng co giữa nói và làm, bản chất đích thực về con người được thể hiện nơi Đức Kitô. Vì lý do này, người con thứ nhất “đã hối hận” về quyết định ban đầu của mình (Mt. 21: 29). Từ Hy Lạp metamelomai có nghĩa là hối hận cũng tương tự như từ metanoia cùng gốc với nó có nghĩa là thay đổi não trạng. Việc đổi ý và quyết định hành động của người con thứ nhất bắt đầu từ sự hối hận của anh. Theo nghĩa đen, điều này được dịch là “sau khi lo lắng”, ngụ ý rằng trước khi quyết định thì anh ta đã thấy lòng bồn chồn lo lắng rồi. Suốt cuộc sống chúng ta thường hối hả, không còn giờ suy nghĩ hoặc hồi tâm xét lại. Chúng ta chạy trốn hiện tại vì những vết thương trong quá khứ, rồi lao vào thế giới bận rộn sinh hoạt chỉ mong được khuây khỏa tâm hồn. Nhưng niềm vui mới đích thực chỉ có thể tìm thấy khi chúng ta biết nhìn nhận những hối hận của mình trong Đức Kitô.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn về hai người con khi Người đến Giê-ru-sa-lem sắp bước vào cao điểm của công cuộc cứu độ. Giờ của Người đang đến, tức thời điểm tột đỉnh mà tất cả lịch sử đang đợi chờ. Trong thời điểm ấy, chúng ta nhận ra rằng điều trái tim Thiên Chúa mong muốn không phải là sự phô trương tính tự cao tự đại, mà là sự hoán cải thiết tha của một tâm hồn thực sự khiêm tốn. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời làm người phàm, một lần nữa Chúa Giêsu cho thấy rằng trên hết Người khao khát chúng ta hãy có một tâm hồn hiền lành và khiêm nhường, giống như tâm hồn của Người.

 

Nguồn: Homiletic & Pastoral Review - (hprweb.com)

Chuyển ngữ: GB. Đào Ngọc Điệp

-------------------------------------------------------------------

Chú thích của người chuyển ngữ:

(*) Phong trào kỹ nghệ  thống trị là một phong trào xã hội và hệ tư tưởng phát sinh vào đầu thế kỷ 20. Nền công nghệ phổ biến ở Hoa Kỳ và Canada trong một thời gian ngắn vào đầu những năm 1930, trước khi nó bị lu mờ bởi các đề xuất khác để đối phó với cuộc khủng hoảng của cuộc Đại suy thoái.

(**) Linh thao -  một phương pháp tu đức của các tu sĩ Dòng Tên. Đó một bài tập luyện thiêng liêng giữa việc suy ngẫm và tự đánh giá đạo đức về những suy nghĩ và hành vi của con người. Tập luyện này thường được thực hiện hàng ngày.

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A