Chúa Nhật 29 MTN – Ngày 18 tháng 10 năm 2020

Phó tế : Peter Lovrick

 

Bài đọc: Is 45:1, 4-6 • Ps 96:1, 3, 4-5, 7-8, 9-10 • 1 Thes 1:1-5B • Mt 22:15-21

usccb.org/bible/readings/101820.cfm

 

Có những câu hỏi thực sự muốn đi sâu vào vấn đề. Nhưng cũng có những câu hỏi là những cái bẫy thâm độc - chúng ta gọi chúng là “câu hỏi lắt léo”. Chúa Giêsu trả lời cho một trong những câu hỏi ấy bằng một chân lý sâu xa: “Cái gì của Xê-da thì hãy trả cho Xê-da; và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Thế là Chúa Giêsu mở ra một vấn đề mà rất nhiều người chúng ta đang gặp. Chúng ta biết rõ phải trả cho chính phủ tiền thuế của chúng ta và cho những gì chính phủ phục vụ chúng ta, thì tại sao chúng ta lại không biết dâng lên Thiên Chúa sự hy sinh và phục vụ của mình? Là thế nào khi chúng ta biết nhưng lại thường không làm? Tại sao chúng ta cứ chọn lựa những điều chúng ta biết Chúa không muốn chúng ta làm? Tại sao chúng ta không chọn những điều chúng ta biết rõ Chúa muốn chúng ta làm? Rồi nếu chúng ta biết yêu cầu chính phủ, thì tại sao chúng ta không biết tin tưởng kêu xin Chúa mọi lúc trong cuộc đời chúng ta? Rốt cuộc, bên nào đáng tin cậy hơn? Bên nào mạnh mẽ và đáng lệ thuộc hơn? Bên nào là chóng quabên nào là mãi tồn tại?  Hay chúng ta có thực sự tin vào lời Kinh Thánh dạy chúng ta biết phải trả lời thế nào cho những câu hỏi đó không?

Hôm nay, Thiên Chúa nói với Ky-rô là kẻ xâm lược và là người không nhận biết Thiên Chúa, rằng Người đã gọi ông ta và sẽ sử dụng ông ta cho mục đích và vinh quang của Người. Vậy, nếu Thiên Chúa gọi Ky-rô – trong dân riêng Người, Người còn gọi nhiều kẻ khác nữa mang danh Người, tức Kitô hữu - và nếu Người chuẩn bị vua Ky-rô cho công việc của ông ta thế nào, thì Ngài còn chuẩn bị kỹ hơn như thế nào nữa cho ơn gọi chúng ta? Tác giả Thánh vịnh cho chúng ta biết chính xác ơn gọi đó là gì. Là chúng ta:

Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. 

Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

Đóơn gọi và mục đích cuộc sống khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm Sức. Chúng ta phải tuyên xưng trước thế giới lòng biết ơn và ngợi khen Thiên Chúa, và thậm chí Người còn ban cho chúng ta lời Chúa để thực hành điều ấy nữa. Việc này không có nghĩa là chúng ta phải trở thành nhà thần học, hoặc có thể trả lời được mọi câu hỏi lắt léo như những câu hỏi các kinh sư đã hỏi Chúa Giêsu; trái lại, đó là phải trả lời bằng đời sống gương mẫu của chúng ta – tức là biến mọi sự thành lời cầu nguyện, để đặt Thiên Chúa và Đường lối của Người lên trên hết trong cuộc sống chúng ta, sống tốt nhất có thể theo như Ngài đã kêu gọi chúng ta sống – làm như vậy, chúng ta sẽ chu toàn ơn gọi chúng ta là làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói với tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca và chúng ta rằng Thiên Chúa đã chọn chúng ta để làm điều ấy.

Theo lời tung hô Tin Mừng, chúng ta trở nên “chiếu sáng như những vì sao trong thế giới đang khi nắm vững lời hằng sống”. Bạn và tôi trở thành những ngôi sao Bê-lem hướng dẫn người ta đến với Đức Kitô.

Đó là lý do tại sao linh mục đã cầu nguyện cho chúng ta khi bắt đầu Thánh lễ, xin Chúa cho chúng ta thật lòng biến đổi ý riêng của ta phù hợp với thánh ý của Chúa.

Nhưng thoạt nghe như vậy, chúng ta biết trong lòng rằng không dễ dàng thực hiện được điều ấy trọn vẹn đâu. Đôi khi thật khó thực hiện điều ấy trong thế giới rối bời này, cộng thêm những yếu đuối của chúng ta để nắm vững được ý nghĩa lời hằng sống.

Nhưng Ca Nhập Lễ hôm nay cầu xin Chúa giúp đỡ chúng ta, nhậm lời chúng ta và bảo vệ chúng ta dưới bóng cánh Người. Ca Hiệp Lễ hôm nay đáp lại lời cầu nguyện đó: Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương. Ngay giờ này, ân sủng Chúa đang giúp cho lời Chúa hứa được thể hiện, là giúp chúng ta trong thời đại hiện nay sống đúng với ơn gọi và bước vào thân phận vĩnh cửu của chúng ta.

Ngài luôn ở đó. Chính lúc chúng ta không kêu cầu Chúa, không hướng về Người và không nương bóng cánh Người, tức là không ở dưới sự chăm sóc của Người, thì đó cũng là lúc chúng ta đang bị xét xử,lúc chúng ta tự làm điều ấy cho chính mình. Nhưng khi chúng ta hiến thân làm của lễ dâng lên Chúa, bằng cách đến với Thánh lễ này bằng cách thưa “xin vâng” trước lối sống Người kêu gọi chúng ta, thì như Thánh Phao-lô đã nói với chúng ta hôm nay, Tin Mừng sẽ đến với chúng ta không chỉ bằng lời nói, nhưng trong quyền năng và Thánh Thần với đầy lòng xác tín.

Nột lát nữa, cha chủ tế sẽ xác nhận trước bàn thờ rằng ngài đang dâng “hy lễ của tôi cũng là của anh chị em”. Hy lễ của bạn là lời “xin vâng”, khiến bạn sẵn sàng phục vụ Chúa như công cụ của Người trong thế giới, một thế giới rất cần nhân chứng cho người ta thấy có một Thiên Chúa đầy lòng thương xót - một Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta đến nương náu dưới đôi cánh của Người.

 

Nguồn: Homiletic & Pastoral Review (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp


Suy Niệm Lời Chúa Năm A