CHÚA NHẬT 10 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 4: 18-25

          Trong 13 thư của thánh Phao-lô, thư gửi tín hữu Rô-ma quan trọng nhất, không hẳn vì là thư dài nhất, nhưng vì đây là toàn bộ suy tư đầy đủ nhất về tin mừng ngài rao giảng cho Dân ngoại. Thư nói về những vấn đề như tội lỗi, sự cứu chuộc, luật Mô-sê, đức tin, công chính hóa, Chúa Thánh Thần, Ít-ra-en và đời sống luân lý.Với nội dung thần học sâu sắc, thư Rô-ma có ảnh hưởng đối với Giáo hội hơn các sách Tân Ước khác.Do đó không lạ gì khi Phụng vụ Lời Chúa trích dẫn cho bài đọc Tân Ước luôn mười sáu Chúa Nhật năm A và không sử dụng thư cho năm B và C.Có lẽ Giáo Hội muốn dành ra một thời gian dài và liên tục như thế mới đủ để chúng ta có cơ hội suy niệm cho thấu đáo giáo lý của thánh Phao-lô, nhất là về ơn công chính hóa chúng ta được là nhờ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô chứ không phải do việc giữ luật Mô-sê.

 

a)Ðề tài suy niệm:sự công chính hóa

          Cuối hành trình truyền giáo lần thứ ba, từ Cô-rin-tô, Phao-lô có ý định đến thăm Rô-ma.Giáo Hội tại Rô-ma gồm những cộng đoàn rải rác trong thành phố.Một số cộng đoàn gồm tín hữu gốc Dân ngoại không giữ những luật lệ về ăn uống như Luật Mô-sê dạy.Một số cộng đoàn khác gồm những tín hữu gốc Do-thái.Nhiều người tại Rô-ma chưa hiểu hoặc hiểu lầm tin mừng Phao-lô đã rao giảng.Do đó ngài viết thư này để làm sáng tỏ hiểu lầm ấy và về một số vấn đề luân lý, mong họ sẽ tiếp nhận ngài khi ngài dừng chân tại Rô-ma trên đường đi Tây-ban-nha.

          Trong đoạn thư sử dụng cho Chúa Nhật 9 quanh năm (3:21-25.28), sự công chính của Thiên Chúa được giới thiệu như đề tài suy niệm cho loạt bài đọc của mười lăm Chúa Nhật tiếp theo, giống như thánh Phao-lô đã giới thiệu đề tài thư Rô-ma trong 1:16-17:

          "Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng.Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp.Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép:Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống."

Việc con người được nên công chính hoàn toàn tùy thuộc vào sự công chính của Thiên Chúa.Sự công chính của Thiên Chúa là bản chất của Người, được biểu lộ qua những lời hứa và giao ước Người làm với Áp-ra-ham, với dân Do-thái và sau hết với toàn thể nhân loại nhờ Máu cứu chuộc của Ðức Giê-su Ki-tô, hoặc nói cho cùng, Ðức Giê-su Ki-tô là sự mặc khải trọn vẹn sự công chính của Thiên Chúa.Do đó sự công chính của Thiên Chúa là sự cứu độ dành cho kẻ nào tin vào Ðức Ki-tô. Như vậy, nếu được nên công chính là do tin vào Ðức Ki-tô, thì người Do-thái cũng như Dân ngoại (người Hy-lạp) đều có thể được nên công chính, chứ không phải chỉ những người Do-thái giữ luật Mô-sê mới được nên công chính.Ðây là điểm then chốt thánh Phao-lô muốn trình bày kỹ càng trong phần đầu của thư Rô-ma (1:18-3:20) và cũng là hiểu biết căn bản để chúng ta hiểu được đề tài sẽ được quảng diễn trong những phần sau.

b)Câu truyện Áp-ra-ham:được nên công chính vì đã tin

          Ở phần kết luận chương 3, thánh Phao-lô khẳng định:"Chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy."Rồi ngài đặt câu hỏi: "Vậy có phải là chúng ta dựa vào đức tin mà hủy bỏ Lề Luật chăng?" và trả lời:"Không phải thế!Trái lại, chúng ta củng cố Lề Luật" (3:28.31).Ðể chứng minh điều ngài giảng dạy không hủy bỏ hay đi ngược lại Lề Luật, thánh Phao-lô trưng lên gương mẫu của tổ phụ Áp-ra-ham.

          Truyền thống Do-thái vẫn coi tổ phụ Áp-ra-ham là điển hình việc Thiên Chúa làm cho ông nên công chính nhờ các việc ông làm, nhất là vì ông trung tín và kiên trì chịu thử thách. Nhưng thánh Phao-lô còn đi xa hơn, muốn đề cao lý do sâu xa nhất tại sao Áp-ra-ham được nên công chính, tức là vì đức tin của ông (St 12:1 tt; 15:6 tt) và cho đó mới chính là nền tảng việc ông được Thiên Chúa làm cho nên công chính.(Xin xem những chú thích đầu chương 4 thư Rô-ma, trong bản dịch của Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ).Ðức tin của Áp-ra-ham đã được thánh Phao-lô đề cao qua lối lập luận mở rộng dần dần.Trước hết thánh Phao-lô trình bày Áp-ra-ham như là "tổ phụ dân tộc chúng tôi" (4:1).Tiếp đến, ông là "cha của những người được cắt bì... trên đường đức tin, đức tin ông đã có trước khi được cắt bì" (4:12).Sau cùng, ông là gương mẫu của mọi kẻ tin (4:16-17).Ðến đây, thánh Phao-lô lập lại:"Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy" (4:16).Không còn là tổ phụ "dân tộc chúng tôi" nữa, mà là tổ phụ "chúng ta hết thảy", nghĩa là tổ phụ của cả dân Do-thái lẫn Dân ngoại, những người tin vào Ðức Giê-su Ki-tô.Từ "tổ phụ dân tộc chúng tôi" đến "tổ phụ chúng ta hết thảy" là một hành trình đức tin, một đức tin đã biến đổi thân phận của nhân loại!

 

c)Câu truyện của những Áp-ra-ham hôm nay

Nhiều Ki-tô hữu hôm nay thường phát biểu lòng tin vào Thiên Chúa một cách máy móc.Nhưng tin Thiên Chúa một cách mơ hồ như vậy thì chưa đủ.Lòng tin chân chính phải là lòng tin vào một Thiên Chúa là Cha của Ðức Giê-su Ki-tô, nghĩa là không thể chỉ tin Cha mà không cần biết đến Con, khác nào nói tin Thiên Chúa là Ðấng Công Chính mà lại chối từ Ðức Ki-tô là sự công chính của Thiên Chúa "đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1:14).Lòng tin chân chính là lòng tin vào Thiên Chúa, Ðấng đã cho Ðức Ki-tô sống lại từ cõi chết;và lòng tin giúp chúng ta được nên công chính là lòng tin hoàn toàn đặt nơi Thiên Chúa khi con người không còn một lý do nào khác để mà hy vọng nữa.Ước mong giáo lý của thánh Phao-lô về việc công chính hóa giúp chúng ta nhìn lại cách hiểu về sự rỗi linh hồn và đến với Ðức Ki-tô là đường dẫn tới Thiên Chúa, vì "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14:9).

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Giáo lý của thánh Phao-lô về việc công chính hóa đã thay đổi cái nhìn hoặc giúp tôi hiểu kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa như thế nào?Chia sẻ những gì tôi hiểu được.

          "Ðức Giê-su chính là Ðấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (4:25).Muốn đạt mục đích "để chúng ta được nên công chính," Thiên Chúa đã phải trả giá nào? "Sự thật" (đọc lại Ga 8:32) này đang giải phóng tôi như thế nào?Và đem lại cho tôi những tâm tình nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng cầu nguyện bằng Thánh ca Cô-lô-xê (trong Các Giờ kinh Phụng vụ):

-Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha *

          Ðã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng

          Chung hưởng phần gia nghiệp

          Dành cho những ai thuộc về Người,

          Trong cõi đầy ánh sáng.

          - Người giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm,

          Và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; *

          Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc,

          Ðược thứ tha tội lỗi.

          - Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,

          Là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,

          - Vì trong Người, muôn vật được tạo thành

          Trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.

          - Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng

          Hay là bậc quyền năng thượng giới, *

          Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.

          - Người có trước muôn loài muôn vật,

          Tất cả đều tồn tại trong Người.

          - Người cũng là đầu của thân thể,

          Nghĩa là đầu của Hội Thánh;

          - Người là khởi nguyên,

          Là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, *

          Ðể trong mọi sự, Người đứng hàng đầu.

          - Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn

          Hiện diện ở nơi Người. *

          Cũng như muốn nhờ Người,

          Mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình.

          - Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,

          Thiên Chúa đã đem lại bình an

          Cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.A-men.

 

Lm.Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà