Chúa Nhật Thứ 19 Thường Niên

(11-8-2002)

 

ĐỌC LỜI CHÚA

·         1V 19,9a.11-13a: (11) (…) Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. (…) Đức Chúa không ở trong trận động đất. (12) (…) Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. (13) Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.

·         Rm 9,1-5: (3) Giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.

 

·         TIN MỪNG: Mt 14,22-33

Đức Giê-su đi trên mặt nước

(// Mc 6,45-52; Ga 6,16-21)

 (22) Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. (23) Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. (24) Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. (25) Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. (26) Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: «Ma đấy!», và sợ hãi la lên. (27) Đức Giê-su liền bảo các ông: «Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!» (28) Ông Phê-rô liền thưa với Người: «Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài». (29) Đức Giê-su bảo ông: «Cứ đến!» Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. (30) Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: «Thưa Ngài, xin cứu con với!» (31) Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: «Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?» (32) Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: «Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!»

 

SUY NIỆM

Câu hỏi gợi ý:

1.       Khi cầu nguyện, ta có làm gì ích lợi cho ai đâu! Tại sao người Ki-tô hữu lại coi cầu nguyện là cần thiết?

2.       Cầu nguyện thường xuyên một thời gian mà không thấy mình tiến bộ về tâm linh, không thấy mình nhận được sức mạnh, không thấy tâm hồn bình an vui tươi, thì phải làm gì? Liệu mình đã thật sự gặp Chúa khi cầu nguyện chưa?

3.       Niềm tin vào Thiên Chúa đóng vai trò gì khi cầu nguyện? Tại sao?

Suy tư gợi ý:

1.       Cầu nguyện có cần thiết không?

«Giải tán họ xong, Người lên núi một mình cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình». Bài Tin Mừng cho thấy: cuộc đời Đức Giê-su có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động và cầu nguyện. Nghĩa là Ngài không chỉ hoạt động cũng không chỉ cầu nguyện, mà cả hai luân phiên nhau. Nhưng cầu nguyện để làm gì? Vì hoạt động thì rõ ràng đem lại lợi ích cho mọi người, còn cầu nguyện có vẻ như chẳng làm gì cả, như vậy thì lợi ích cho ai? Các sách Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su cầu nguyện một mình rất nhiều lần (x. Mc 1,35; 6,45; Lc 5,16; Mt 26,36-44…), và Ngài cũng khuyên các tông đồ cầu nguyện như Ngài (x. Mt 26,41; Lc 21,36). Chắc chắn cầu nguyện phải rất cần thiết và đem lại nhiều ích lợi thì Đức Giê-su mới cầu nguyện nhiều và khuyên các tông đồ hãy cầu nguyện như vậy.

 

2.                Cầu nguyện, một hình thức «sạc pin» tâm linh

Một vài minh họa giúp ta hiểu được vai trò của cầu nguyện:

a)      Mục đích của bình ắc-quy là để phóng điện hầu làm sáng bóng đèn, làm động cơ quay, tạo nên những phản ứng hóa học, khởi động máy, v.v… nói chung là sinh một lợi ích nào đó. Nhưng ắc-quy không thể cứ phóng điện hoài, vì điện phóng một thời gian là hết, không phóng được nữa. Nếu muốn tiếp tục phóng điện để sinh lợi ích, thì phải «sạc điện». Sạc điện xem ra vô ích, chẳng tạo ích lợi trực tiếp, nhưng hết sức cần thiết để ắc-quy có thể tiếp tục hoạt động.

b)      Khi đóng đinh, người ta phải nâng búa lên và đập xuống, rồi lại nâng búa lên và đập xuống nữa. Cứ vậy cho đến lúc chiếc đinh lún xuống hoàn toàn. Chỉ động tác đập xuống mới làm đinh lún, còn động tác nhấc lên có vẻ như hoàn toàn vô ích, nhưng phải nói rằng nó tuyệt đối cần thiết. Nếu không nhấc búa lên, không ai có thể đập búa xuống lần thứ hai, và như thế đinh chỉ lún xuống một chút xíu, và như thế là không đạt yêu cầu.

Cầu nguyện xem ra chẳng lợi ích gì cả, nhưng quả thật nó là một điều tối cần thiết cho những ai muốn hoạt động hữu hiệu cho Thiên Chúa, cho nhân loại, cho tha nhân, và cho sự phát triển tâm linh của bản thân. Cầu nguyện chính là tiếp xúc với Thiên Chúa, nguồn của mọi năng lực, nhất là sức mạnh tâm linh để yêu thương và mạnh dạn dấn thân cho Thiên Chúa và tha nhân, để củng cố đức tin vào Thiên Chúa và tự tin vào chính mình, để được khôn ngoan, sáng suốt, nhận định chính xác điều nào điều nào đúng điều nào sai, điều nào chính điều nào phụ trong mọi lãnh vực hoạt động (tâm linh cũng như trần thế), để tâm hồn được bình an và tràn ngập niềm vui, v.v… Thiếu sức mạnh tâm linh ấy, con người giống như một bình ắc qui hết điện, hay như những bóng đèn và động cơ không nhận được nguồn điện, khiến mọi hoạt động của họ chỉ còn được thúc đẩy bởi những động lực tự nhiên như: «đói thì đầu gối phải bò», ham được tiếng khen, muốn được danh vọng, v.v… Những động lực này vẫn cần thiết và có ích cho sự sống tự nhiên, nhưng không ích lợi cho sự sống siêu nhiên hay tâm linh. Nói tới đây, thiết tưởng mỗi người chúng ta cần tự xét xem sự sống siêu nhiên hay tâm linh của mình thế nào? có phát triển hay còn èo ọt?

3.       Cầu nguyện đích thực tất nhiên phải nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa

Bản chất của cầu nguyện là tiếp xúc thật sự với Thiên Chúa, và nhờ đó tiếp nhận được năng lực (tâm lực, trí lực, thể lực, sự an vui…) từ nơi Ngài. Cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh, dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, rước lễ… Tất cả những cách thức cầu nguyện vừa kể chỉ là một số trong rất nhiều phương tiện hay cách thức để tiếp xúc với Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn có thể có những người đọc kinh, dự thánh lễ, thậm chí rước Mình Máu Thánh Đức Giê-su vào lòng mà không phải là cầu nguyện, vì họ không thật sự gặp gỡ hay tiếp xúc với Thiên Chúa. Trái lại, cũng có những trường hợp người ta thật sự gặp gỡ hay tiếp xúc với Thiên Chúa mà không cần phải dùng những cách thức vừa kể.

Muốn biết mình có thật sự cầu nguyện, nghĩa là có thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay không, ta chỉ cần xem mình có nhận được sức mạnh từ nơi Ngài hay không, và đời sống có biến đổi thật sự sau khi cầu nguyện không. Vì càng tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, thì càng nhận được sức mạnh tâm linh của Ngài. Nhờ đó, đời sống tâm linh của ta tất yếu phải thay đổi, chẳng khác gì một người nghèo càng nhận được nhiều tiền thì đời sống vật chất hay kinh tế của người ấy tất nhiên phải thay đổi. Không thể khác được! Chính Đức Giê-su cũng được biến đổi khi cầu nguyện (x. Lc 9,29). Rất nhiều người đã được biến đổi tâm hồn khi tiếp xúc với Đức Giê-su: như Mát-thêu, Gia-kêu, Ma-đa-lê-na, người phụ nữ Sa-ma-ri, v.v… Vì thế, không thể có trường hợp thật sự gặp gỡ hay tiếp xúc với Ngài một thời gian mà lại không nhận được sức mạnh của Ngài, và không được Ngài biến đổi nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Nếu sau cả một thời gian cầu nguyện mà không thấy mình được biến đổi về tâm linh, không nhận được sức mạnh, bình an và niềm vui sâu xa, thì ta cần phải nghiêm túc xét lại xem cách thức cầu nguyện của ta có thật sự giúp ta tiếp xúc với Thiên Chúa không.

4.       Đừng quan niệm Thiên Chúa là một bóng ma theo tưởng tượng của ta

Trở lại với bài Tin Mừng, ta thấy thoạt đầu các tông đồ tưởng Đức Giê-su là ma. Điều ấy cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. Rất nhiều khi chúng ta tưởng Thiên Chúa là một bóng ma, hay là một cái gì đấy mà bản chất không phải là Ngài. Có người tưởng Ngài là một bức tượng, hiện diện trước mặt mình một cách vật chất; họ đã vật chất hóa Ngài. Những người trí thức thì lại tưởng tượng Ngài, phác họa chân dung của Ngài theo những quan niệm riêng của mình, hoặc của nền văn hóa dân tộc mình. Vì thế, thay vì gặp được Ngài, ta chỉ gặp được một bóng ma, một Thiên Chúa do chính ta tạo dựng nên theo quan niệm hay sức tưởng tượng của mình.

Để đề phòng chuyện này, Thiên Chúa đã cấm người Do Thái không được tạc tượng Ngài, vì Ngài có hình dáng đâu mà tạc, nên tạc thế nào cũng chẳng bao giờ là tượng của Ngài được (x. Xh 20,4; Đnl 5,8; 27,15). Nhưng con người từ thời cổ đại đến giờ luôn luôn bị cám dỗ tạc tượng Ngài. Người bình dân tạc theo kiểu bình dân, tạc bằng gỗ, đá… Người trí thức tạc theo kiểu trí thức, tạc bằng những ý niệm. Nhà thần học tạc theo kiểu thần học, bằng những tư tưởng thần học. Nhưng Thiên Chúa vốn vượt khỏi mọi kinh nghiệm, mọi ý niệm và ngôn ngữ của con người, nên không thể diễn tả hay quan niệm Ngài bằng bất kỳ một ý niệm hay ngôn ngữ nào của con người. Thiên Chúa không thể diễn tả hay quan niệm được ấy đã bị con người biến thành một Thiên Chúa diễn tả được, quan niệm được, thậm chí được xác định và mô tả dứt khoát bằng vô số chi tiết nhỏ nhặt. «Thiên Chúa» do con người tạo dựng nên ấy làm sao đem lại sức mạnh tâm linh đích thật cho ta? «Thiên Chúa» ấy có thật sự là Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, và là Thiên Chúa của Đức Giê-su không?

5.       Vai trò của đức tin khi cầu nguyện

Khi các tông đồ nhận ra Đức Giê-su, Ngài liền nói: «Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!» Một trong những đặc tính căn bản của Đức Giê-su là, khi ta gặp được Ngài, Ngài làm cho tâm hồn ta được bình an, Ngài tiêu hủy mọi nỗi sợ hãi của ta. Khi gặp các tông đồ, Ngài hay nói: «Bình an cho anh em!» (Lc 24,36; Ga 20,19; 20,21; 20,26). Và bình an của Ngài là thứ bình an «không ai lấy mất được» (Ga 16,22).

Khi gặp được Đức Giê-su, Phê-rô tin tưởng rằng nếu đó chính là Thầy mình thật, ắt Ngài có thể cho mình đi trên mặt nước giống như Ngài. Và quả thực ông đã đi được trên mặt nước. Nhưng đức tin của ông vào Ngài không vững, nên khi thấy gió thổi, ông sợ, và lập tức bị chìm xuống nước. Thì ra việc ông đi trên nước được là do quyền năng của Đức Giê-su, nhưng cũng do đức tin của ông vào Ngài nữa. Tin Mừng cho biết: tại Na-da-rét, «Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin» (Mt 13,58). Khi chữa ai khỏi bệnh, Ngài thường nói: «Đức Tin của anh đã cứu anh» (Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 8,48; 17,19). Để được cứu rỗi cũng vậy, chính Đức Giê-su cứu ta, nhưng chính ta cũng phải tin vào Ngài thì Ngài mới cứu ta được. Đó chính là điều kiện tối yếu về phía ta. Tương tự, đức tin của ta vào Thiên Chúa cũng đóng một vai trò không thể thiếu được khi cầu nguyện để Ngài có thể làm điều gì đó cho ta, như ban bình an, ban sức mạnh, hay biến đổi ta.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin dạy con biết cầu nguyện đích thực, nghĩa là dạy con tiếp xúc với Cha thật sự, để nhờ đó nhận được sức mạnh của Cha. Rất nhiều khi con đọc kinh, dâng lễ, rước lễ chẳng khác gì một cái máy, trí óc con không hề nghĩ đến Cha mà chỉ tập trung vào những nhu cầu mà con muốn xin Cha thỏa mãn. Con chỉ có vẻ cầu nguyện, chứ không phải là cầu nguyện đích thực. Xin Cha hãy dạy con cầu nguyện đích thực.

Joan Nguyễn Chính Kết