CHÚA NHẬT 23 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 13: 8-10

          Sau khi trình bày điểm thứ nhất của đời sống luân lý, tức là bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, thánh Phao-lô bước sang điểm thứ hai nói đến bổn phận chúng ta phải có đối với người đồng loại, đó là phải thương yêu anh chị em.

 

a) Yêu thương là một món nợ

          Thông thường chúng ta nói yêu thương là một bổn phận. Nhưng thánh Phao-lô lại cụ thể hóa yêu thương, coi đó như là một món nợ. Nợ nần là một kinh nghiệm rất thực tế, nhất là sống trong nền văn minh hôm nay. Khi diễn tả yêu thương hoặc đức ái là một món nợ, thánh Phao-lô muốn ám chỉ đến Chủ nợ. Không phải là chúng ta, cũng không phải là người anh chị em. Nhưng là chính Ðấng đã "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một" (Ga 3:16) và Ðấng đã truyền lệnh cho tất cả chúng ta "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15:12). Chúng ta mắc nợ yêu thương với Thiên Chúa. Tình yêu vô điều kiện của Người dành cho chúng ta không dựa trên sự xứng đáng của chúng ta, nhưng là do lòng nhân từ của Người. Cho nên món nợ ấy làm sao chúng ta trả nổi! Nhưng Chúa cho chúng ta một phương thức để chúng ta trả món nợ ấy. Ðó là qua Ðức Ki-tô, Thiên Chúa biến món nợ ấy thành một Lề Luật mới và Người truyền cho chúng ta trả món nợ bằng cách: ai yêu mến anh chị em, thì đã chu toàn Lề Luật, không phải Luật Mô-sê nhưng là Luật Chúa Ki-tô. Thiên Chúa cũng cụ thể hóa món nợ này, như thánh Gio-an, vị Tông đồ của tình yêu, đã lý luận: "Phàm ai tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Ðấng ấy sinh ra" (1 Ga 5:1).

 

b) Yêu thương tóm tắt lại tất cả các giới răn liên hệ đến anh chị em

          Trong Mt 22:39, Chúa Giê-su đã tóm tắt Mười giới răn vào hai điều: mến Chúa và thương người. Ở đây, thánh Phao-lô cũng bắt chước, tóm tắt bảy giới răn trong Mười giới răn nói về bổn phận đối với anh chị em: "Các điều răn... đều tóm lại trong lời này: ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình" (Rm 13:9). Nhấn mạnh đến đức ái đối với anh chị em, thánh Phao-lô muốn làm nổi bật lên nét độc đáo và đặc biệt của Ki-tô giáo. Do-thái giáo (Ðạo cũ) nhấn mạnh đến tình yêu đối với Chúa, như chính Chúa Giê-su đã công nhận: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu" (Mt 22:37-38). Nhưng cũng từ đây, Chúa Giê-su đã khai mở một chân trời mới về yêu thương: "Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (c. 39). Khi xác định "cũng giống điều răn ấy", Chúa Giê-su đã nâng cao giá trị của đức ái đối với anh chị em lên mức độ của Thiên Chúa. Nhận thức điều này, thánh Gio-an đã đanh thép lý giải: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1 Ga 4:20).

 

c) Cách biểu lộ tình yêu thương anh chị em: Ðã yêu thương thì không làm hại người đồng loại.

          Nếu đã gồm tóm mọi điều răn đối với anh chị em trong một điều là yêu thương đồng loại, thì thánh Phao-lô cũng muốn gồm tóm tất cả những cách biểu lộ tình yêu thương ấy trong một cách duy nhất, đó là không làm hại người đồng loại. Ở câu 9, thánh Phao-lô đã trưng dẫn nhiều điều người ta phải giữ để biểu lộ tình yêu thương anh chị em, thí dụ như không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng dối và không ham muốn. Ðể tóm tắt tất cả những điều vừa kể và cả các điều răn khác, thánh Phao-lô muốn nói lên cốt lõi của phương thức biểu lộ tình yêu thương anh chị em, là: đừng làm hại anh chị em. Quả thực đây là một phương thức hết sức thực tế. Nhận ra kết quả của những điều tốt chúng ta làm cho anh chị em thì khó, nhưng nhận ra những hậu quả do những điều xấu chúng ta làm cho anh chị em thì dễ. Vì thế thánh Phao-lô chủ ý nói đến phương diện tiêu cực này là để giúp chúng ta dễ dàng nhận định những gì mình làm cho anh chị em, nói khác đi là để giúp chúng ta dễ kiểm điểm xem mình có thực sự yêu thương anh chị em không.

          Một điểm đáng chú ý nữa là thánh Phao-lô đã giúp chúng ta nhận ra tính cách vô giới hạn của đức ái. Khi nói "người đồng loại," ngài đã gạt ra ngoài mọi giới hạn huyết tộc, chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Ðức Ki-tô là nguyên lý kết hợp mọi người (x. Gl 3:28). Nhờ Ðức Ki-tô và trong Ðức Ki-tô, chúng ta yêu thương nhau và yêu mến Thiên Chúa là Cha của Ðức Ki-tô và Cha của chúng ta nữa.

 

Câu hỏi gợi ý chia se

          Yêu thương anh chị em là một đề tài lải nhải trong mọi thời. Vậy tôi có khám phá được điều gì mới mỗi lần cầu nguyện với đề tài này không? Ðoạn thư của thánh Phao-lô hôm nay cho tôi cái nhìn mới mẻ nào về một giới răn "xưa như trái đất"?

          Ý niệm yêu thương là một món nợ gợi lên cho tôi những suy tư nào và những trách nhiệm nào? Tôi phải sống những trách nhiệm ấy làm sao?

          "Tôi đã làm hại anh chị em tôi" sẽ là một gợi ý để tôi xét mình mỗi ngày như thế nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về tình yêu, yêu Chúa và thương anh chị em.

Lm. Ðaminh Nguyễn Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà