CHÚA NHẬT XXIV - THƯỜNG NIÊN 2002

 

Ðiều kiện của Ðức Giê-su nêu ra trong đoạn Tin Mừng hôm nay : "Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" xem ra thật khó thi hành trong cuộc sống dù trên bình diện cá nhân hay bình diện xã hội. Thảm họa 11/9/2001 kéo theo bao thảm họa từ 1 năm qua, và rõ ràng đang là đi tới những cuộc thảm sát rộng lớn hơn. Con người không thể hết lòng tha thứ cho anh em mình. Thế nhưng Lời Chúa không kém phần rõ ràng và dứt khoát "Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?"

          Ngay trong bối cảnh một xã hội mà Luật Pháp đạo cũng như đời đều dựa trên nguyên lý "Răng đền răng, mắt đền mắt" thì Lời Chúa vẫn không ngớt mời gọi con người :

Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi.

Và còn lời nào mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn những lời Ðức Huấn Ca vừa công bố:

Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Ðức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.

Muốn hiểu và lãnh nhận giáo huấn của Lời Chúa, theo Chúa Giê-su, trước hết phải đặt mình vào trong viễn tượng "Nước Trời". Trong viễn tượng đó theo Phao-lô "không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa." Chỉ khi "dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa" khi đó chúng ta mới có khả năng để "bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác", và tha thứ như Chúa đòi hỏi.

Viễn tương "Nước Trời" không còn là điều gì xa lạ với nhân loại, cách riêng với người Ki-tô hữu, vì viễn tượng ấy đã được mở toang cho hết mọi người trong mầu nhiệm đời sống của một con người : Ðức Giê-su Ki-tô. Và rõ ràng, ngay từ lúc mới chì là bào thai trong lòng Mẹ, Ðức Giê-su đã chứng thực sự sống nơi Ngài chính là "sự tha thứ tội khiên", khi thánh hóa và thánh hiến Gio-an cho sứ vụ rao giảng và làm Phép Rửa "sám hối" . Chính Giacaria cha của Gio-an cũng đã khẳng định về sứ vụ con mình : "Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên." Thế rồi, ngày giáng sinh, theo diễn tả của các Tin Mừng thời thơ ấu cho thấy đúng là ngày hội giao hòa. Tề tựu bên máng cỏ của Ðức Giê-su đủ đại diện mọi thành phần đã bị khai trừ khỏi mọi cộng đoàn dân sự cũng như tôn giáo : các mục đồng, các đạo sỹ phương đông, tất cả họ được tham dự vào niềm vui và bình an của đất-trời. Chính vì sứ vụ tha thứ và giao hòa ấy, Người trở thành người "ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi", để rồi phải lãnh án tử như những tội nhân của hàng nô lệ gian ác. Thánh Phao-lô đã viết về cái chết của Người như sau "Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét...Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an...". Và thánh nhân đã đi tới kết luận "nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thánh Thần duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.". Phải, chính là nhờ được liên kết trong cùng Thánh Thần duy nhất của Ðức Ki-tô, mà những môn đệ đích thực của Người, như Phao-lô, như Phan-xi-cô dassisie, như Gioan XXIII, như mẹ Te-rê-xa Calcutta, như Gioan-Phao-lô II trờ thành những sứ giả hòa bình cho thế giới.

Chính sự thông hiệp vào hiến tế tình yêu tha thứ và giao hòa đã ban cho người Ki-tô hữu sức mạnh của lòng thương xót thứ tha và giảng hòa của chính Ðức Ki-tô. Chính từ bàn thánh này Thánh Thần Thiên Chúa yêu thương được cảm nghiệm, được đón nhận, được tôn vinh "để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét" trong chính lòng người tín hữu, để sai họ ra đi kiến tạo một thế giới an bình vậy.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà