CHÚA NHẬT 25 QUANH NĂM

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Phi-líp-phê 1: 20c-24,27a

          Sự thống nhất tư tưởng của thánh Phao-lô và cách trích dẫn của Phụng vụ Lời Chúa đã giúp chúng ta nhận ra sự liên hệ tuyệt vời giữa thư Rô-ma và thư Phi-líp-phê. Trước khi kết thúc thư Rô-ma, thánh Phao-lô đề cao ý nghĩa đời sống của chúng ta là "dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Ðức Ki-tô." Sau phần mở đầu thư Phi-líp-phê, ngài nêu lên vai trò của Chúa Ki-tô đối với sự sống của chúng ta: "Bây giờ cũng như mọi lúc, Ðức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết." Như vậy, chủ đề của Lời Chúa vẫn tiếp tục quảng diễn về ý nghĩa đích thực của cuộc đời chúng ta.

 

a) Ý nghĩa cuộc đời: Ðối với tôi, sống là Ðức Ki-tô, và chết là một mối lợi      

          Ý niệm sống và chết theo thánh Phao-lô quả là ngược đời. Người đời quan niệm cuộc sống của mình là tất cả những gì thuộc về mình, những gì là độc đáo không ai có, từ những của cải vật chất đến danh thơm tiếng tốt và cả những quan hệ tình cảm gia đình, bạn bè, những kẻ ái mộ... Còn cái chết đối với người đời là một sự mất mát, thiệt hại cho chính người đó và cho gia đình, bạn bè hoặc cộng đồng của họ. Ngược hẳn lại, Phao-lô có cái nhìn hoàn toàn đối nghịch. Thâm hiểu được lời và gương sống của Ðức Ki-tô, ngài đã nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời: sống là Ðức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Bởi vì Ðức Ki-tô đã khẳng định: "Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Mc 8:35) và "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12:24).

          Nhưng thế nào là ý nghĩa của chân lý "sống là Ðức Ki-tô và chết là một mối lợi"? Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thánh Thể, Ki-tô hữu được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Ki-tô, trở thành chi thể của Người. Do đó, sự sống thể xác và thiêng liêng của chúng ta đã được liên kết với sự sống của Ðức Ki-tô như cành nho liền với cây nho, đến độ chúng ta sống, nhưng không phải là chúng ta nữa mà là Ðức Ki-tô sống trong chúng ta. Như thế mới là đúng ý nguyện của Ðức Ki-tô: "Tôi đến để cho chúng được sống, và sống dồi dào" (Ga 10:10). Ngay cả những đau khổ và cái chết của thân xác chúng ta cũng thuộc về Ðức Ki-tô, và đây chính là nguyên lý đem lại ý nghĩa mới cho sự chết, tức là cái chết của Ðức Ki-tô đã đổi ngược lại quan niệm của người đời và chứng minh "chết là một mối lợi." Lợi, chứ không phải là thiệt hại hay mất mát, bởi vì sau khi chết chúng ta được lãnh nhận sự sống đời đời, nhờ sự chết của Ðức Ki-tô.

 

b) Kết luận thực hành: phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Ðức Ki-tô

          Trước khi đề nghị với anh chị em cộng đoàn Phi-líp-phê một kết luận thực hành, thánh Phao-lô muốn chia sẻ chính kinh nghiệm bản thân. Ngài cũng cảm thấy bị giằng co giữa cái sống và cái chết. Một đàng thánh Phao-lô muốn chấp nhận ra đi, về với Chúa sau những tháng ngày tù tội, một đàng ngài muốn được sống để giúp đỡ, dạy bảo tín hữu. Ở đây Phao-lô làm một cuộc nhận định để chọn lựa ý Chúa: "ra đi" về với Chúa là tốt hơn cho cá nhân ngài; ở lại giúp đỡ tín hữu là cần thiết hơn cho cộng đồng. Vậy ngài chọn ở lại, sống cho tha nhân để phục vụ Tin Mừng của Ðức Ki-tô. Ðó cũng là lý do để tín hữu Phi-líp-phê hãnh diện về ngài.

          Từ kinh nghiệm này, thánh Phao-lô mới thấy có đủ tư cách để khuyên tín hữu phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Ðức Ki-tô. Ngài không chỉ khuyên họ "sống" làm sao cho xứng, nhưng là hãy "ăn ở" làm sao cho xứng với Tin Mừng của Ðức Ki-tô. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, "ăn ở" có nghĩa là "sống đúng tư cách người công dân", tuân thủ luật lệ dân sự và tôn giáo của đô thị mình sinh sống. Có lẽ thánh Phao-lô muốn nhắc nhở là chúng ta đang sống trong đô thị mới của Thiên Chúa, với Ðức Ki-tô là Vua, nên chúng ta là công dân Nước Thiên Chúa (x. Ep 2:19) và phải tuân giữ Luật của Tin Mừng.

          Kết luận thực hành này rất quan trọng đối với tín hữu, đến độ thánh Phao-lô coi đó là mối ưu tư duy nhất của ngài khi ngài thốt lên: "Chỉ có một điều là..." Nếu tín hữu Phi-líp-phê và cả chúng ta nữa thực hiện được lý tưởng ấy, thì đến lượt ngài cũng có lý do để hãnh diện về tín hữu Phi-líp-phê và về chúng ta: Dù ở đâu, ngài "vẫn muốn được nghe người ta nói về (chúng ta) là (chúng ta) luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho (chúng ta)" (1:27b).

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Cuộc sống của thánh Phao-lô là để "tỏ bày quyền uy cao cả của Ðức Ki-tô." Cuộc sống của tôi là để tỏ bày những gì? Quyền hành? Giàu có? Bằng cấp? Hào nhoáng bề ngoài? Tôi phải làm gì để tỏ bày quyền uy cao cả của Ðức Ki-tô?

Nghịch lý về ý nghĩa cuộc đời (quảng đại cho đi sự sống mới là sống đích thực và ích kỷ giữ lại sự sống cho mình nghĩa là chết) có thực sự khiến tôi đặt lại lý tưởng và lối sống của đời mình không? Cuộc sống của Ðức Ki-tô đã soi sáng cho tôi thế nào về lý tưởng sống?

          Thánh Phao-lô nhận ra thánh ý Chúa muốn ngài sống vì tha nhân. Tôi chấp nhận lối sống ấy như thế nào đối với gia đình? Cộng đoàn? Giáo Hội? Xã hội?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Kinh hòa bình" của thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi, hoặc đọc kinh "Xin ơn quảng đại" của thánh I-Nhã.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà