CHÚA NHẬT 26 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Phi-líp-phê 2: 1-11

          Ðây là đoạn văn quan trọng nhất của thư Phi-líp-phê và cũng được sử dụng cho Chúa Nhật Lễ Lá, đề cao vai trò của Ðức Ki-tô và sự hiện hữu từ muôn đời của Người. Là một phần trong đoạn huấn dụ nói về sự hiệp nhất của cộng đoàn, đoạn văn trình bày Ðức Ki-tô như một gương mẫu về sự khiêm nhường, một yếu tố chính tạo nên sự hiệp nhất. Nhưng nếu xét theo chiều hướng chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa, thì sau khi suy niệm trong hai Chúa Nhật trước về ý nghĩa cuộc sống, Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay nêu chính cuộc sống của Ðức Ki-tô làm gương mẫu cho mọi Ki-tô hữu để họ biết tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa.

 

a) Những tâm tình của Ðức Ki-tô Giê-su

          Trở lại tình huống cộng đoàn Phi-líp-phê đang có sự chia rẽ, có lẽ chúng ta hiểu được tại sao thánh Phao-lô khuyên tín hữu sống đoàn kết hiệp nhất với nhau, cư xử với nhau trong sự khiêm nhường và tìm lợi ích cho nhau. Muốn thực hiện những điều này, tín hữu hãy sống chính những tâm tình của Ðức Ki-tô.

          Vậy thánh Phao-lô diễn tả những tâm tình của Ðức Ki-tô như thế nào?

          Trong thánh thi nói về Ðức Ki-tô có hai phần rõ rệt. Phần thứ nhất (2:6-8) nói đến việc Ðức Ki-tô trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, hạ mình làm người phàm để vâng phục Thiên Chúa. Cách diễn tả tài tình của thánh Phao-lô là giúp chúng ta hình dung ra Ðức Ki-tô cứ dần dần "xuống cấp" từng bước một, để rồi cuối cùng không còn mức độ nào thấp hơn nữa. Trước hết, từ đời đời Ðức Ki-tô vẫn là Thiên Chúa quyền năng. Bước đầu của việc hạ mình là Người từ khước quyền được ngang hàng với Thiên Chúa để nhận lấy thân phận làm người. Người từ bỏ vĩnh cửu và vô biên để chịu giới hạn trong thời gian và không gian. Người đã khước từ uy quyền toàn năng để nhận lấy sự yếu đuối của thân phận con người. Chấp nhận làm một người bình thường, tự do, đã là điều không tưởng đối với một vị Thiên Chúa, vậy mà Ðức Ki-tô còn muốn xuống cấp hơn nữa, đó là mặc lấy thân nô lệ. Làm nô lệ tức là sống vâng phục, chủ muốn gì thì làm nấy, không cằn nhằn, không cãi lại. Nhưng đây vẫn chưa là mức cuối cùng, vì ngài còn muốn vâng lời "đến nỗi bằng lòng chịu chết." Rồi chính ở cái chết, Ðức Ki-tô còn muốn hạ mình thêm một cấp độ chót, tức là không nhận lấy một cái chết bình thường, mà là cái chết ô nhục trên thập giá.

          Khi Ðức Ki-tô sống tâm tình khiêm nhường và vâng phục là Người nhằm lợi ích cho nhân loại chúng ta. Người muốn tỏ ra tình yêu của Thiên Chúa thương loài người lớn lao và vô điều kiện như thế nào. Người lấy cả cuộc đời và cái chết của mình để chuộc lại lỗi lầm của nhân loại. Tóm lại, tâm tình của Ðức Ki-tô là Người đã muốn sống và chết cho chúng ta.

 

b) Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

          Trong phần thứ hai (2:9-11) của thánh thi, thánh Phao-lô khai triển tiến trình "lên cấp" của Ðức Ki-tô. Từ cái chết ô nhục trên thập giá, Ðức Ki-tô được Thiên Chúa cho phục sinh. Người được phục hồi danh hiệu "Chúa" là danh hiệu dành riêng cho Thiên Chúa. Bài thánh thi còn trích dẫn I-sai-a 5:23 ("mọi gối phải quỳ xuống, mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng") để áp dụng cho Ðức Ki-tô, nghĩa là Người là Ðức Chúa, được tôn vinh làm Chủ Tể vạn vật, vượt trên hết muôn loài.

          Lối diễn tả trút bỏ vinh quang và được tôn vinh mà thánh Phao-lô sử dụng ở đây cũng tương tự như điều Chúa Giê-su dạy trong sách Tin Mừng: những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, hoặc ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em (x. Mt 20:16,26). Ðó cũng là mẫu số chung của đời sống Ki-tô hữu, tuy rất khó học lối sống ấy. Nếu tín hữu Phi-líp-phê và chúng ta áp dụng lối sống ấy được, thì đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa Ba Ngôi và thể hiện được cuộc sống "thân tình và biết cảm thương nhau" (2:1), khiến cho "niềm vui của thánh Phao-lô cũng được trọn vẹn" (2:2).

 

c) Kiêu căng gây chia rẽ, khiêm nhường tạo hiệp nhất

          Từ gương mẫu khiêm nhường và vâng phục của Ðức Ki-tô, thánh Phao-lô muốn rút ra một bài học thực tế cho đời sống cộng đoàn. Ở đâu và thời nào cũng vậy, kiêu căng tự phụ luôn là mầm mống gây chia rẽ. Thảm cảnh một cộng đoàn tan nát thường là vì linh mục cậy quyền, khinh thị bổn đạo, hoặc vì bổn đạo coi thường linh mục, hoặc vì quý chức này chê quý chức kia, hội đoàn này nổi hơn hội đoàn khác... Trăm sự cũng do cái đuôi kiêu căng nó ngoáy động trong tâm hồn chúng ta. Lịch sử Giáo Hội đầy những biến cố gây chia rẽ cũng là do kiêu căng. Chính vì thế, gương Chúa Giê-su phải luôn luôn được nêu cao, để những ai bắt chước sẽ không tìm lợi ích cho riêng mình, không coi mình hơn người khác. Sống tâm tình của Ðức Ki-tô, chắc chắn chúng ta sẽ tạo được một cộng đoàn hiệp thông trong Thần Khí của Thiên Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ðối chiếu với A-đam, tôi suy niệm thế nào về việc Ðức Ki-tô trút bỏ vinh quang?

          Tôi nghĩ thế nào về bốn cái "nếu"(2:1, tức là liên kết với Ðức Ki-tô, tình bác ái khích lệ, hiệp thông trong Thần Khí, sống thân tình và biết cảm thương nhau) cần thiết cho đời sống cộng đoàn? Cộng đoàn chúng tôi còn thiếu cái nếu nào?

          Chia sẻ một vài nguyên nhân gây chia rẽ trong nhóm hoặc cộng đoàn của tôi. Làm sao sửa chữa những rạn nứt ấy?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lại thánh thi Phi-líp-phê 2: 6-11.

 

Lm. Giuse Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà