CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KI-TÔ VUA

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Cô-rin-tô 15: 20-26,28

          Phụng vụ Lời Chúa trở lại với thư 1 Cô-rin-tô vào Chúa Nhật cuối cùng chu kỳ năm A, lễ trọng kính Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ và muôn loài. Ðoạn thư dùng làm bài đọc trích chương 15 là chương thánh Phao-lô bàn đến hai vấn đề. Thứ nhất là những người đã chết có được sống lại không? Thứ hai là cách thức kẻ chết sống lại: bản chất của xác thể sẽ như thế nào sau khi sống lại? Bài đọc hôm nay nằm ở cuối vấn đề thứ nhất. Thánh Phao-lô khẳng định rằng sẽ có việc sống lại chung của mọi kẻ đã chết, bởi vì Thiên Chúa đã cho Ðức Ki-tô sống lại từ kẻ chết để làm "trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại" (Cl 1:18) và "mở đường" cho việc sống lại của tất cả "những kẻ thuộc về Người" (1 Cr 15:23). Vậy nếu không có sự sống lại chung, thì làm sao Ðức Ki-tô có thể làm trưởng tử và mở đường được! Tuy nhiên, bài đọc hôm nay muốn đưa chúng ta về nguồn gốc sự sống lại - "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11:25) - mời gọi chúng ta suy niệm về tầm quan trọng của việc Chúa Ki-tô sống lại và vai trò của Chúa Ki-tô Phục sinh đối với công cuộc tái tạo dựng của Thiên Chúa.

 

a) Ý nghĩa sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô đối với việc sống lại của chúng ta

          Trong chương 5 thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô đã trình bày cặn kẽ vấn đề liên đới giữa nhân loại với A-đam trong hậu quả tai hại do tội lỗi và liên đới giữa nhân loại với Ðức Ki-tô trong chiến thắng tội lỗi. Ở đây ngài chỉ nhắc lại sơ qua. Vì muốn bàn về sự sống lại của chúng ta, nên ngài muốn nhấn mạnh đến hiệu quả sự Phục sinh của Chúa Ki-tô: "Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Ðức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống" (1 Cr 15:22).

          Chúa Ki-tô sống lại là hoàn toàn cho chúng ta. Sự Phục sinh ấy cần thiết cho chúng ta, vì nó giữ vai trò "mở đường." Thánh Phao-lô còn diễn tả sự cần thiết ấy bằng một lý luận sắc bén, khẳng định rằng sự Phục sinh của Chúa Ki-tô là tất cả nội dung lời giảng của Phao-lô và các Tông đồ. Cho nên nếu rao giảng một điều gì không có, thì đúng là các ngài chỉ nói phét, nói láo mà thôi! Trái lại, các ngài đã rao giảng những điều mắt thấy tai nghe. Các ngài là chứng nhân của sự Phục sinh, vì các ngài đã nhìn thấy chính Chúa Phục sinh (đọc lại 15:3-7).

Vai trò "mở đường" của Ðức Ki-tô đã thực sự khởi đầu khi Người nhập thể, mặc lấy bản tính nhân loại chúng ta. Nhập Thể là phương thức Thiên Chúa muốn "liên đới" với loài người qua Ðức Ki-tô. Do đó, liên đới với Ðức Ki-tô là con đường đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và sự Phục sinh của Ðức Ki-tô mở đường cho sự sống lại của chúng ta để được sống đời đời với Thiên Chúa. Ðiều đáng suy nghĩ ở đây là sự liên đới với Ðức Ki-tô trở thành điều kiện cần thiết để được sống lại. Sự liên đới ấy nói lên tất cả những gì chúng ta phải thay đổi để trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn.

          Tội lỗi của nguyên tổ đã "mở đường" cho những hậu quả tai hại, và hậu quả lớn nhất đó là sự chết. Trái lại, chiến thắng được sự chết sẽ mở đường cho một cuộc tạo dựng mới. Sự Phục sinh của Ðức Ki-tô đã chiến thắng sự chết, mở đầu cho một cuộc tiêu diệt mọi sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa (quản thần, quyền thần và dũng thần) và đem lại hiệu quả lớn lao nhất tức là sự sống đời đời.

 

b) Sự Phục sinh và vương quyền của Chúa Giê-su

          Ðặt Ðức Ki-tô làm Thủ Lãnh là điều cốt yếu trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ðối với muôn loài thọ tạo, Ðức Ki-tô đã là "trưởng tử" (Cl 1:15), và chính Thiên Chúa Cha đã muốn "quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Ki-tô" (Ep 1:10). Qua thư Cô-lô-xê và Ê-phê-xô, thánh Phao-lô đã muốn đề cao vai trò Thủ Lãnh của Chúa Giê-su. Là Thủ Lãnh của nhân loại mới, Chúa Giê-su nắm trong tay "vương quyền" để tiêu diệt mọi thù địch của Thiên Chúa. Rồi khi "Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ðức Ki-tô", khi ấy Ðức Ki-tô sẽ trao lại vương quyền cho Thiên Chúa.

          Nếu hiểu như vậy, thì hình ảnh Ðức Ki-tô là Vua quả thực vô cùng ý nghĩa. Một ông vua trần gian luôn luôn muốn cho vương quốc mình được phát triển hùng cường. Còn Vua Giê-su thì muốn chinh phục muôn loài muôn vật về cho Thiên Chúa, để "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài." Vua Giê-su đã thi hành sứ mệnh của mình tại trần gian. Sự Phục sinh của Người hoàn tất sứ mệnh ấy, nhưng lại khởi đầu cho một cuộc tạo dựng mới và cuộc tạo dựng mới này sẻ kết thúc vào ngày Người quang lâm. Ðó cũng là lý do tại sao Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã trích dẫn đoạn thư vô cùng phong phú ý nghĩa thần học, để trình bày vương quyền của Chúa Ki-tô, đồng thời cũng để nhắc nhở mỗi người chúng ta phải liên đới với Người trong mọi chiều kích cuộc sống nếu chúng ta muốn "được sống lại với Người."

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ðức Ki-tô "mở đường" cho mọi kẻ đã chết được sống lại. Vậy cuộc sống hiện thời của tôi đang "mở đường" cho tôi đi đâu? Ðể được sống lại với Chúa hay phải chết đời đời?

          Tôi đang "liên đới" với Chúa Giê-su như thế nào? Những gì ngăn cách tôi với Người? Làm sao phát triển mối quan hệ với Người?

          Trong đoạn kế tiếp, thánh Phao-lô nhắc nhở tín hữu Cô-rin-tô đừng bắt chước lối sống của những người không tin sự sống lại, cho rằng chế là hết. Có lẽ đây cũng là một nhắc nhở để tôi luôn xét mình về lối sống của tôi. Tôi cần đặt lại vấn đề nào sau khi xét mình?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện của thánh Augustinô:

          "Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.

          Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân,

          yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

          Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

          Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

          Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con

và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. A-men."

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 5)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà