SUY NIỆM CHÚA NHẬT III PHỤC SINH 2002

 

          Câu chuyện 2 môn đệ trên đường về Emmaus xem ra đã tô điểm thêm một cách nhìn bi quan về những người đã được Chúa kêu gọi và tuyển chọn : "Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra ... Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người". Những ngày tháng gần đây, dường như cách nhìn bi quan và ngờ vực ấy đang bao trùm dư luận khắp nơi, điều ấy được phản ảnh trong Lá Thư Thứ Năm Tuần Thánh 2002 của Ðức Thánh Cha gửi hàng Linh Mục thế giới :

"Trong lúc này đây, là linh mục, mỗi người chúng ta cũng cảm thấy bị tác động sâu xa bởi những tội lỗi của một số trong anh em chúng ta đã bội phản lại với ơn Thánh Chức, khi dìm mình vào trong cả những hình thức trầm trọng nhất của mầu nhiệm tội lỗi 'mysterium iniquitatis' đang tung hoành trên thế giới. Việc xẩy ra gương xấu nặng nề đã gây ra hậu quả là một bóng tối đen ngờ vực phủ chụp lên tất cả những vị linh mục tốt lành khác, những vị thi hành thừa tác vụ của mình một cách chân thành và liêm chính, một cách thường xả kỷ anh hùng."

          Thánh Phêrô có một câu trong đoạn thư của Người được trích dẫn trong Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta hãy có một cách nhìn khác đối với mọi thực tại : Cách nhìn của một lữ khách đang trên hành trình dương thế : "Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Ðức Kitô."Nếu phải liệt kê đầy đủ "những của chóng hư nát", chúng ta phải kể ra chính ngay cái thân phận xác thịt mỏng dòn của con người, dù họ là ai và đảm nhận chức vụ nào. Về điều này có thể áp dụng điều mà thánh Phêrô cũng đã áp dụng cho tổ phụ Ðavid "người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta". Còn về Ðức Kitô, thánh Tông Ðồ Cả đã minh chứng "Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; ...đã nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống." Câu chuyện 2 môn đệ trên đường Emmaus đã xác nhận cách nhìn mới mẻ này là cách nhìn duy nhất giúp chúng ta đạt tới SỰ THẬT : khi "Mắt họ mở ra và họ nhận ra Người" thì "Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó". Và chính là trong Ðức Giêsu mà thế giới u buồn này đã trở nên một thế giới hoàn toàn thu hút bước chân họ tiến bước trong hân hoan.

          Có lẽ sự kiện 11/9 đang lùi vào quên lãng, và mọi người đang tập chú vào tổng giáo phận Boston và những vụ việc được lôi ra từ những chồng hồ sơ nhiều chục năm về trước ở khắp nơi: xem ra quá nhiều, thật nhiều. Chúng ta không tránh được sự hốt hoảng và sợ hãi.

          Nhưng nếu nhìn vào Ðức Giêsu, hiển nhiên chúng ta có thể khẳng định điều này là "Không phải chỉ có những con người ấy, những vụ việc ấy đã làm nên cái chết của Ðức Kitô". Và nếu thành khẩn với chính mình, thì cả anh, cả chị, cả tôi nữa, chúng ta đều là "những sát thủ " trong vụ án này đấy. Thế nhưng về phần mình, Ðức Kitô dường như không quan tâm đến việc tố cáo, phơi bày "thủ phạm", giống như 2 ông bạn đồng hành với Ngài đã làm trước đó "Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá", điều Người quan tâm chính là điều đã được Lời Ngôn Sứ loan báo "Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?". Chúng ta tự hỏi như thế nghĩa là gì ? Thánh Gioan có một kiểu nói để giải thích cho chúng ta, kiểu nói mà Thánh Sử đặt trên môi miệng của chính Ðức Giêsu "Vì chúng, Con xin Hiến Thánh mình Con". Ôi, lạ lùng thay, huyền nhiệm thay lời giải thích của Tin Mừng. Lời giải thích xác đáng nhất về mọi thứ tội lỗi, lời giải thích chuyển tải một bản án nghiêm khắc, nhưng đồng thời cũng chuyển tải một sự tha thứ tận căn. Và thế giới mới đã được sinh ra là trong hành vi "Hiến Thánh" ấy. Hiểu như thế, thì quả thật Ðức Tin của chúng ta không thể và không được là sự tín thác của ta vào bất cứ phàm nhân nào, dù đó là Giáo Hoàng, là Hồng Y, là Giám Mục, là linh mục... bởi vì tất cả những con người ấy đều chỉ được Hiến Thánh nếu họ trung tín liên kết đời mình trong Sự Hiến Thánh của duy một mình Ðức Kitô, cũng như bất kể một kitô hữu bình thường nào khác.

          Nếu có điều gì cần phải ưu tư trong những biến cố đau buồn này, thì theo Cha Roger Landry, linh mục tại giáo xứ Espirito Santo, ở Fall River, bang Massachusetts trong bài giảng Chúa Nhật thứ V mùa chay vừa qua thì đó là "Mỗi khủng hoảng mà Giáo Hội phải đối diện, mỗi khủng hoảng mà thế giới này phải đương đầu đều là sự khủng hoảng các thánh." Giáo Hội hôm nay cần có nhiều vị thánh cho thời đại mình. Thực ra thời đại hôm nay không thiếu những khuôn mặt thánh : Ðức Thánh Cha trong những chục năm qua đã tôn phong bao nhiêu thánh nhân trong đó có cả Vợ Chồng Thánh. Nhưng như Cha Roger Landry cũng đã cảnh giác rằng "Các phương tiện truyền thông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến "Nhóm 11" thánh thiện, những vị đã được Ðức Giêsu lựa chọn và giữ lòng trung tín với Ngài, những vị sống một sự thánh thiện lặng lẽ." Chính Ðức Thánh Cha đã mời gọi Giáo Hội hãy quan tâm làm sáng tỏ và tôn vinh những chứng nhân đức tin. Những con người âm thầm nhưng hết sức can đảm đã muốn chỉ tín thác đời mình trong "Sự Hiến Thánh" của Ðức Giêsu Kitô.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà