CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Phê-rô 1: 17-21

          Trong đoạn thư trước (Chúa Nhật II PS), thánh Phê-rô đã nói một cách đơn sơ nhưng sâu sắc về ý nghĩa của biến cố Phục Sinh và thái độ hân hoan vui mừng của Ki-tô hữu khi sống niềm tin vào Chúa Ki-tô sống lại.

          Qua bài đọc hôm nay, ngài quay về phía chúng ta để suy tư về thân phận người Ki-tô hữu và nhắc nhở chúng ta sống sao cho xứng đáng thân phận ấy. Ðó là thân phận nào?

a) "Nếu anh em gọi Người là Cha."

          Trước khi nói đến thân phận chúng ta, thánh Phê-rô muốn nêu lên hình ảnh của Thiên Chúa, vì thân phận của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới cho nó một giá trị tùy theo "kế hoạch lượng hải hà của Người." "Thiên Chúa là Ðấng không vị nể ai." Người là Ðấng công bằng đối với mọi người, không phân biệt người Do-thái hay người ngoại giáo. Tuy kiểu nói bắt nguồn từ Cựu Ước, nhưng lại nhấn mạnh đến tình yêu thương và ý muốn nhân lành muốn cứu chuộc mọi người không trừ ai. Hình ảnh Thiên Chúa là Cha là một chủ đề giảng dạy Chúa Giê-su ưa thích nhất, được Người lập đi lập lại nhiều lần, đặc biệt trong phần quảng diễn bài giảng trên núi (Mt 5-7) và cao điểm là kinh Lạy Cha. Bài học gọi Thiên Chúa là Cha tuy đã thuộc nằm lòng, nhưng sống như con cái của Cha thì tín hữu cần phải được nhắc nhở luôn luôn.

          b) "Thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này."

          Ðược kêu gọi làm con cái Cha trên trời, Ki-tô hữu sẽ chia sẻ gia tài của Thiên Chúa cùng với Ðức Ki-tô. Ðức Ki-tô đã đi trước và nêu gương sống thân phận làm con cho chúng ta bắt chước. Người đã kêu gọi chúng ta sống thánh thiện như Cha trên trời là Ðấng Thánh (Mt 5:48). Sự thánh thiện của chúng ta cần phải được đưa vào chính lối sống của mình (1 Pr 1:15). Ðể giúp chúng ta cố gắng và tiếp tục nên thánh mỗi ngày một hơn, thánh Phê-rô đưa ra hai động lực: một lòng kính sợ Thiên Chúa là vị quan án không vị nể ai, và luôn luôn tâm niệm mình được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Chúa Ki-tô. Lòng kính sợ tuy có phần nào tiêu cực, nhưng nó cũng giúp chúng ta cố gắng đạt được mục đích. Ðộng lực thứ hai giúp chúng ta có cái nhìn tích cực và mới mẻ về cuộc hy sinh chết trên thập giá của Ðức Ki-tô. Sự chết ấy không phải là một giá cả đo lường bằng vàng bạc thế gian, nhưng là bằng tình yêu của Ðấng "sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người mình yêu thương." Máu cứu chuộc của Ðức Ki-tô đem lại cho chúng ta tự do, tức là giải phóng chúng ta khỏi những đường lối tội lỗi và nêu gương cho chúng ta biết sống vâng phục Cha trên trời cũng như biết đặt niềm tin và hy vọng nơi Người.

          c) Mầu nhiệm Phục Sinh cần được tiếp tục thể hiện trong đời Ki-tô hữu.

          Cái não trạng thở phào nhẹ nhõm sau lễ Phục Sinh vẫn còn nơi nhiều trong chúng ta. Sau lễ Phục Sinh, người ta cảm thấy như đã "giữ luật" xong và lại bắt đầu lơ là đời sống thiêng liêng. Sự canh tân phụng vụ sau Công đồng Vatican II muốn nhấn mạnh đến việc liên tục mừng lễ Phục Sinh trong 50 ngày, nên gọi những Chúa Nhật tiếp theo lễ Phục Sinh là Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, Chúa Nhật thứ ba Phục Sinh... thay vì Chúa Nhật thứ hai sau Phục Sinh, Chúa Nhật thứ ba sau Phục Sinh... như trước kia. Sự kéo dài ấy muốn nói lên tầm quan trọng của Mầu nhiệm Phục Sinh đối với Giáo Hội và Ki-tô hữu. Ðể giúp chúng ta sống Mầu nhiệm Phục Sinh, mỗi bài đọc đều nhắm giải thích cho chúng ta hiểu ý nghĩa Mầu nhiệm ấy theo một khía cạnh riêng biệt và nêu lên những bài học thực hành cho đời sống mới, đời sống của những người đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Ðức Ki-tô và cùng sống lại với Người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi có thể nhìn lại tâm hồn mình để xem dư âm của lễ Phục Sinh còn mạnh mẽ hay đã phai nhòa sau vài tuần lễ?

          Tôi có thường nghĩ tới sự hy sinh đổ máu của Chúa Giê-su đã giải phóng tôi khỏi đường lối tội lỗi và dạy tôi sống thánh thiện và vâng phục như Người không? Tôi có chiêm ngưỡng Chúa Giê-su là Con Yêu Dấu đã chu toàn thân phận làm con đối với Chúa Cha và mời gọi tôi theo Người không?

          Cùng một tư tưởng giống như Ep 5:1, trong câu 22, thánh Phê-rô nói đến "vâng phục sự thật", tức là sống theo sứ điệp mặc khải của Chúa qua Tân Ước. Tân Ước đã thay đổi con người tôi và giúp tôi sống yêu thương như con cái Thiên Chúa đến mức độ nào? Sống yêu thương có phải là mức độ để thẩm định sự thánh thiện của tôi không?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm hát một bài thích hợp hoặc cùng đọc sinh sau đây:

          Lạy Chúa phục sinh,

vì Chúa đã phục sinh nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.

Vì Chúa đã phục sinh nên con được tự do bay cao,

không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối, sợ thất bại, sợ khổ đau,

sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.

Vì Chúa đã phục sinh nên con hiểu cái liều cùa người ki-tô hữu

là cái liều chín chắn và có sơ sở.

Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.

Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.

Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Ðạo.

Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi mang một sức thu hút mãnh liệt

khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:

nhìn tất cả từ trên cao để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

Sự Phục sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn

với Chúa và với mọi người.

Và con hiểu mình chẳng mất gì,

Nhưng lại được tất cả.

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 87)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà