CHÚA NHẬT III PHỤC SINH (A)

(14-04-2002)

 

NGHE

* Bài đọc 1: Cv 2,14.22-23: Phê-rô giảng cho dân chúng

(14) Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: "Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này và lắng nghe những lời nói đây: (22) Ðức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. (23) Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Ðức Giê-su ấy đã bị nộp và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi."

* Bài đọc 2: 1 Pr 1,17-21: Sự thánh thiện của người tân tòng.

(17) Thiên Chúa không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc của mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ hành này. (18) Anh em hãy biết rằng..(19) anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ vết là Ðức Ki-tô. (21) Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người trỗi dạy từ cõi chết và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.

* Bài Tin Mừng: Lc 24,13-35: Ðức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau

(13) Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả những việc mới xảy ra. (15) Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

(18) Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-phát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." (19) Ðức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập gía. (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

(25) Bấy giờ Ðức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! (26) Nào Ðấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (27) Rồi bắt đầu từ từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

(28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"

(33) Ngay lúc ấy, họ đứng dạy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. (34) Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dạy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." (35) Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

NGẪM

·        Câu hỏi gợi ý

1.Tại sao các môn đệ Ðức Giê-su gặp nhiều khó khăn trong việc tin vào việc Người đã phục sinh?

2. Ðem Lời Chúa vào cuộc sống, chúng ta có những ứng dụng nào?

* Suy tư gợi ý

1. Các môn đệ Ðức Giê-su gặp nhiều khó khăn trong việc tin vào việc Người đã phục sinh:

Ðọc các bài Phúc Âm liên quan tới việc Ðức Giê-su phục sinh, chúng ta thấy rất rõ là các môn đệ của Người gặp rất nhiều khó khăn trong việc tin rằng Người đã sống lại sau khi chết trên thập giá và được mai táng trong mồ. Có nhiều lý do giải thích nỗi khó khăn lớn lao ấy của các ngài:

(1) Việc một con người sống lại sau khi đã chết là một sự kiện hiếm có trong đời. Có lẽ vì thế mà trong khi thi hành sứ mạng rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa trong dân Ít-ra-en, Ðức Giê-su đã làm nhiều phép lạ làm cho kẻ chết sống lại, để chuẩn bị tâm hồn các môn đệ. Hai câu chuyện nổi bật và cảm động nhất là của anh chàng thành niên con bà góa thành Na-im và của La-gia-rô làng Bê-ta-ni-a. Với phép lạ làm cho kẻ chết sống lại, Ðức Giê-su xác định Người là Sự Sống và Sự Sống Lại tức là Nguồn Sống và Quyền Năng Phục Sinh.

(2) Các môn đệ cũng như người Do Thái hiểu sai một cách trầm trọng về tính chất và cách thức thi hành sứ vụ Mê-si-a của Ðức Giê-su. Khám phá ra và tin rằng Ðức Giê-su là một vị ngôn sứ, là Ðấng Mê-si-a mà Thánh Kinh đã loan báo thì các môn đệ không gặp mấy khó khăn. Nhưng để hiểu chính xác tính chất Mê-si-a và đồng tình với cách Ðức Giê-su thực hiện sứ vụ ấy thì họ không sao vượt qua được não trạng và tâm thức của người thời bấy giờ. Theo họ thì công việc quan trọng nhất mà Ðấng Mê-si-a phải thực hiện -nhân danh Thiên Chúa- là lập lại trật tự xã hội, chính trị của Nước Ít-ra-en. Mà Nước Ít-ra-en đang mất chủ quyền, vì đang bị người Ro-ma là lũ quân ngoại giáo tàn bạo thống trị. Thế nên người Do Thái và cả 12 Tông đồ âm thầm chờ đợi Ðức Giê-su thực hiện một cuộc đảo chánh chính trị lật đổ ngoại xâm, dành độc lập cho Dân riêng của Gia-vê Thiên Chúa. Ðàng này Ðức Giê-su cứ quanh quẩn với những hạng cùng đinh của xã hội, chữa trị bệnh hoạn tật nguyền cho họ..thì các lãnh đạo Do Thái và Nhóm 12 sốt ruột. Thậm chí họ còn tìm cách đẩy Ðức Giê-su vào thế phải "ra tay". Và khi thấy Người bị giết thì họ thất vọng. Ðó chính là tâm trạng của hai môn đệ Em-mau. Nói cách vắn gọn: Người Do Thái, kể cả các môn đệ, hiểu vai trò của Ðấng Mê-si-a theo nghĩa chính trị trong khi Ðức Giê-su hiểu theo nghĩa tôn giáo và tâm linh: một đàng là Ðấng Mê-si-a vinh quang một đàng là Ðấng Mê-si-a đau khổ.

2.. Ðem Lời Chúa vào cuộc sống, chúng ta có những ứng dụng sau đây:

(1) Ðức Giê-su không chỉ là Ðấng thực hiện Lời Thánh Kinh mà còn là Ðấng giải thích, cắt nghĩa Lời Thánh Kinh:

Sự mê muội và cứng lòng của hai môn đệ Em-mau cũng như của các môn đệ khác chỉ được khai sáng và thay đổi khi họ nghe được chính Ðức Giê-su giảng giải ngọn nguồn Thánh Kinh. Ðức Giê-su không chỉ là Ðấng thực hiện mà Người còn là Ðấng giải thích, làm cho hiểu những bí ẩn thâm sâu của Thánh Kinh. Vì thế muốn hiểu Lời Chúa trong Thánh Kinh và trong cuộc đời, chúng ta phải biết nhờ đến Người.

(2) Ðức Giê-su chỉ tỏ mình ra cho chúng ta khi chúng ta mời Người ở lại và ngồi bàn với chúng ta:

Hai môn đệ Em-mau chỉ nhận ra Ðức Giê-su khi họ mời Người ở lại dùng bữa tối với họ và khi Người bẻ bánh với những lời nguyện và cử chỉ của riêng Người thì mắt họ mở ra. Nếu chúng ta muốn nhận ra Chúa Giê-su Phục Sinh và muốn gặp được Người thì chúng ta phải xác tín rằng Người luôn hiện diện ở bên cạnh và trong cuộc đời chúng ta, Người luôn đồng hành với chúng ta. Chỉ cần chúng ta tạo điều kiện cho Người xuất hiện, bằng một lời mời, một lời cầu xin chân thành và tin tưởng.

(3) Chúng ta chỉ có thể giúp người khác nhận ra Chúa Giê-su Phục Sinh và gặp được Người khi chúng ta có những lời nói và hành động như Người và của Người:

Nếu chúng ta muốn giúp người khác nhận ra Chúa Phục Sinh và gặp gỡ được Người thì chúng ta phải có những thái độ, cử chỉ, lời nói có tính khai sáng và giải phóng như Người. Không hẳn là những lời khuyên bảo xáo rỗng mà chúng ta thường "ban phát" một cách dễ dàng, nhưng là một sự quan tâm thực sự và hiện diện tích cực, là một sự chia sẻ, hiến dâng (mà cử chỉ bẻ bánh là biểu tượng) và là đời sống cầu nguyện gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa.

NGUYỆN

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Ðấng Phục Sinh,

Xin Chúa giúp chúng con biết yêu mến Thánh Kinh và ham học hỏi tìm hiểu Thánh Kinh để rút ra những ứng dụng thực hành trong cuộc sống!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Ðấng Phục Sinh,

Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra Chúa trong cuộc sống của chúng con và biết giúp người khác nhận ra Chúa trong cuộc đời của họ! Amen!

 

Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội.

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà