CHÚA NHẬT III TN - 2002

 

          "Các anh hãy theo tôi" là lời mời gọi của Ðức Giêsu đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ Galilê ngày trước "họ đã bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cả cha mẹ lại mà theo Người". Cũng lời mời gọi ấy đã thúc đẩy bao lớp người tiếp nối đi khắp Lục Ðịa Á Châu này qua các thiên niên kỷ để "Tin Mừng tiếp tục đến với nhiều người hơn, cách riêng là những người nghèo và những người bị thiệt thòi trong xã hội..." Nhờ thế mà lời tiên tri của Isaia, không những đã nên trọn vẹn trong thời Ðức Giêsu, mà vẫn còn tiếp tục trở thành thực tại qua thời gian "Ðòan dân đang ngồi trong bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi". Nói như thế, chúng ta không có ý trốn tránh một thực tế khác, mà Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu vừa nhắc nhở "Mặc dù đã hiện diện nhiều thế kỷ, và đã có rất nhiều nỗ lực tông đồ, nhưng ở nhiều nơi, Giáo Hội vẫn bị coi là xa lạ đối với người châu Á". Lý do của thực tại đau buồn ấy theo Tông Huấn là vì tuy "đã có những nỗ lực mới giúp đưa Tin Mừng hội nhập văn hóa, tuy nhiên, những nỗ lực như thế vẫn chưa đủ." Thực ra vấn đề không phải là qúa trừu tượng và khó khăn, nếu mỗi người trung thành với những đòi hỏi cơ bản của lời mời gọi "Các anh hãy theo tôi".

          Thực vậy, Tin Mừng theo thánh Matthêu có một ghi nhận "Khi Ðức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê...",đây là miền dân ngọai, đó là điều theo Mathêu là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia... hay nói thẳng ra là để làm trọn ý định Cứu Ðộ của Thiên Chúa. Ðức Giêsu, ngay từ lúc còn ấu thơ đã phải lánh qua Ai Cập, vùng dân ngọai, Ngài đã chọn dân ngọai như là nơi náu ẩn chở che cho Người. Chúng ta cũng thấy lịch sử các giáo hội trong thời cấm cách, cũng đã thường tự phân tán vào giữa các vùng dân ngọai, đó cũng là thực tế lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Sống giữa dân ngọai, Ðức Giêsu, và những thế hệ môn đệ tiên khời đã hội nhập vào cuộc sống xã hội . Ngay trong việc loan báo Tin Mừng, các Ngài đã vận dụng mọi hình ảnh cuộc sống đương thời để diễn tả chân lý Cứu Ðộ. Trong đoan Tin Mừng này, chúng ta thấy Ðức Giêsu mượn hình ảnh nghề chài lưới để nói về sứ vụ Tông Ðồ. Ngài chấp nhận cơ chế xã hội tôn giáo làm môi trường rao giảng : các hội đường, các ngày lễ, các tiệc cưới hỏi... Sự hội nhập phát xuất từ một quan điểm nền tảng : "hòa thuận" và "bình an" nhân danh Ðức Giêsu và chiếu theo lối sống của Người. Hội nhập văn hóa như vậy không phải chỉ là cái vỏ, nhưng là sự đón nhận bởi tình yêu tuyệt đối. Chính Tình Yêu ấy làm cho người môn đệ ý thức và cảm nhận được "những cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp"...để "bẻ gãy" hầu giải cứu dân. Hội nhập văn hóa như vậy không làm vô hiệu "Thập Giá Ðức Kitô", cho dù Thập Giá làm cho Người bị liệt vào lớp người tử tội đương thời, nhưng lại chiếu sáng Vinh Quang của Người : Vinh Quang Con Một Thiên Chúa "tràn đầy Ân Sủng và Chân Lý". Thập Giá với dân tộc và thời đại Ngài đó là cách diễn đạt điều mà thánh Phaolô nói "Ngài đã học vâng phục, vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá", và cũng theo Phaolô, thập giá cũng diễn tả "tình yêu của người dám chết vì người mình yêu". Hội nhập văn hóa là để cho mọi người có thể hiểu và đón nhận "sự vâng phục đức tin", "và tình yêu Cứu Ðộ". Ðấy là điều mà Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu kỳ vọng nơi chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên