CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG (A)

(23-12-2001)

 

NGHE

* Bài đọc 1: Is 7,10-14: Can thiệp lần thứ hai

(10) Một lần nữa ÐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng: (11) "Ngươi cứ xin ÐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." (12) Vua A-khát trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ÐỨC CHÚA." (13) Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Ða-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? (14) Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi một dấu: Ngày đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en.

* Bài đọc 2: Rm 1,1-7: Lời mở đầu thư gửi tín hữu Ro-ma

(3) Xét như một người phàm, Ðức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi Ða-vít. (4) Nhưng xét như Ðấng từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.

* Bài Tin Mừng: Mt 1, 18-24: Truyền tin cho ông Giu-se

(18) Sau đây là gốc tích Ðức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. (19) Ông Giu-se chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo. (20) Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Ða-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. (21) Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." (22) Tất cả sự việc này đã xẩy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: (23) Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta."

NGẪM

* Câu hỏi gợi ý:

1.     Thiên Chúa đã đáp ứng nguyện vọng của vua A-khát và dân Ít-ra-en như thế nào?

2.     Danh hiệu "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" có ý nghĩa gì ?

* Suy tư gợi ý:

1.Thiên Chúa đã đáp ứng nguyện vọng của vua A-khát và dân Ít-ra-en:

a) Chương 7 của I-sai-a đệ nhất (chương 1-39) kể lại hai lần can thiệp và một lần cảnh báo của I-sai-a. Can thiệp lần đầu tiên là ngôn sứ chấn an vua A-khát đang sợ các vua khác đem quân đánh chiếm Giê-ru-sa-lem (1-9). Can thiệp lần thứ hai là lời loan báo một dấu phi thường mà Thiên Chúa sẽ ban cho nhà Ða-vít để bảo đảm với họ là Thiên Chúa luôn yêu thương che chở họ khỏi kẻ thù (10-17). Còn lần cảnh báo của I-sai-a là ngôn sứ báo trước cuộc xâm lặng của các thế lực thù địch với nước Giu-đa (18-25).

b) I-sai-a 7,10-14 gồm những ý chính sau đây (1) Ðể vua A-khát vững tin vào lời loan báo của ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa thúc giục vua này cứ mạnh dạn xin Người một dấu. (2) Vua A-khát, dù trong lòng rất ước mong nhận được một dấu làm bảo chứng, nhưng lại không dám lên tiếng xin mà lại thưa với Chúa một cách hết sức khiêm tốn "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ÐỨC CHÚA." (3) Chính vì thế mà I-sai-a trách nhà vua (và dân chúng): "Nghe đây, hỡi nhà Ða-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?" và (3) nói trước cho họ biết kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa: " Chính Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi một dấu: Ngày đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en." Thiên Chúa chẳng những đã đi bước trước - vì vua A-khát không xin mà Chúa vẫn cho - mà Người còn đi một bước rất dài, vượt xa mọi khả năng suy nghĩ và tưởng tượng táo bạo nhất của con người, vì dấu Người ban cho là Con Thiên Chúa sinh ra làm người và làm con một trinh nữ.

          c) Dấu kỳ diệu được I-sai-a loan báo ở đây chỉ được thực hiện    8-9 thế kỷ sau, khi sứ thần đến với trinh nữ Ma-ri-a ở Na-gia-rét để trao đổi về kế hoạch sinh con do quyền năng Thánh Thần (đọc Lc 1, 26-38). Với tiếng "xin vâng" của Ðức Ma-ri-a, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch từ đời đời. Nhưng ngoài Ðức Ma-ri-a, Thiên Chúa còn cần đến sự hợp tác của ngài Giu-se, người chồng chưa cưới của Ðức Ma-ri-a. Chính vì thế mà ngài Giu-se được sứ thần tỏ cho biết hài nhi trong bụng Ðức Ma-ri-a là ai và do đâu? Ngài Giu-se đã làm tròn trách nhiệm một cách xuất sắc nhưng âm thầm.

            2. Ý nghĩa của danh hiệu "Thiên Chúa ở cùng chúng ta":

a) Do Thái giáo khác biệt với các tôn giáo khác ở chỗ Thiên Chúa Gia-vê là Ðấng Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của dân: hướng dẫn, dạy bảo, bênh vực, che chở dân. Kinh nghiệm lớn nhất của người tín hữu Do Thái giáo là kinh nghiệm xuất hành: Tiếng kêu than của dân đã thấu tới tai Thiên Chúa khiến Người ra tay giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ và đưa họ vào Ðất hứa.

b) Ki-tô giáo khác biệt với các tôn giáo khác ở chỗ Lời Thiên Chúa đã sinh ra làm người, sống kiếp sống con người, ở cùng con người. Vì thế mà danh xưng xứng hợp nhất của Thiên Chúa Ki-tô giáo là "Em-ma-nu-en = Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở cùng loài người." Từ Do Thái giáo sang Ki-tô giáo có một bước nhẩy vọt ngoài sức tưởng tượng của trí tuệ loài người. "Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta" Trong Thánh Kinh, xác phàm không phải là cái xác mà là cả con người thực thụ. Ngôi Lời đã thành người, một con người thật và một Thiên Chúa thật! Khi từ gĩa cõi đời này, Ðức Giê-su không còn hiện diện hữu hình nhưng Người vẫn luôn hiện diện, cách vô hình nhưng có thật của Ðấng Phục Sinh. Người còn hiện diện trong Thánh Thể và trong mỗi một con người và cộng đoàn: "Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

c) Là người công giáo ai nấy chúng ta đều tin Thiên Chúa hằng ở bên chúng ta, quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ tin trong đầu, trong trí chứ chưa tin trong tâm tình và trong cách sống. Hơn nữa niềm tin của chúng ta còn gặp một khó khăn to lớn khác là rất nhiều khi chúng ta không thấy Thiên Chúa trong cuộc sống riêng của mình cũng như trong lịch sử các dân tộc. Giữa bao cảnh chiến tranh, đàn áp, bất công, bóc lột, kỳ thị con người cũng như giữa bao tai ương, bệnh tật (như HIV-AIDS) mà con người và nhất là người vô tội phải gánh chịu, Thiên Chúa dường như vắng mặt hoặc im lặng. Niềm tin của chúng ta chỉ vững vàng nếu chúng ta cậy dựa vào Lời của Thiên Chúa mà thôi. Và nếu chúng ta thật sự tin vào "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" thì mọi việc sẽ thay đổi không thể lường hết được. Trong một số Giáo hội trên thế giới hiện nay, rộ lên một phong trào đổi mới và tăng cường niềm tin vào sự hiện diện có thật nhưng vô hình của Ðức Giê-su. Những người theo phong trào này chẳng những tin tưởng mãnh liệt vào sự hiện diện của Chúa Giê-su trong lịch sử và xã hội ngày nay mà còn tin rằng Người sẵn sàng "thi ân giáng phúc" cho những ai tiếp xúc, gặp gỡ cầu khẩn Người, giống như Người đã đối xử với người Do Thái đương thời xưa. Vì thế mà họ đã được tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu phép lạ kỳ diệu của Chúa Giê-su.

NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vì Cha đã ban Ðức Giê-su Con Cha cho chúng con, cho nhân loại. Người là "Thiên Chúa ở cùng chúng con", "Thiên Chúa ở cùng loài người". Người còn đồng hóa với con người, với những người bé mọn nhất trong loài người. Ðể chúng con dễ dàng gặp gỡ Người, nói chuyện với Người, phục vụ Người.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa vì nhờ có Chúa mà chúng con được làm con của Cha. Xin Chúa giúp chúng con sống phù hợp với danh hiệu cao quí ấy, vì Chúa là Con Một yêu dấu của Cha, là Anh Cả của các em.

Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con xin Chúa ban thêm lòng tin cậy mến cho chúng con, để chúng con thật sự tin vào sự hiện diện và vào tác động mãnh liệt của Chúa Giê-su Ki-tô trên các tâm hồn và dòng lịch sử loài người ngày nay.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà