LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

 

          Anh chị em rất thân yêu,

          Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa Gioan ở sông Gio-đan được thánh Phêrô nhìn nhận trong bài "truyền đạo tiên khởi" như là biến cố khởi đầu cho Tin Mừng, như ta đọc thấy trong tường thuật của sách Công Vụ Tông Ðồ. Ở đây thánh Phêrô chỉ đề cập đến điểm trọng tâm, điểm cốt lõi của biến cố, khác với Matthêu trong Tin Mừng đã trình bày khá tỉ mỉ những diễn biến. Dẫu sao, dù là Phêrô hay là Matthêu cũng đều cho thấy :

  1. Ðức Giêsu đã lựa chọn đứng về phía Gioan Tiền Hô thay vì về phía bất cứ một phe phái nào ở Israel thời đó. Và đó là manh mối cho ta nắm bắt quan điểm, lời dạy và hành động của Ngài. Vào thời Ngài, trong Israel có những nhóm, những phe phái, những giai cấp với những chủ trương rất khác biệt, nhưng nổi bật lên, như một dấu hiệu xét đóan thời đại, là Gioan Tẩy Giả với lối sống và sứ điệp của một Ngôn Sứ :Thiên Chúa sắp can thiệp vào lịch sử Israel, và người thực thi phán quyết ấy chính là "Ðấng phải đến". Lời sấm là một lời khuyến cáo, và cũng là một lời hứa theo truyền thống ngôn sứ. Chúng tùy thuộc sự đáp trả tự do của Israel : do đó nó là một lời mời gọi Hóan Cải, một cuộc hóan cải của tất cả và của mỗi con người.

Chắc chắn là khi đứng về phía Gioan, Ngài chỉ muốn khẳng định tính cấp bách và khẩn thiết của lời mời gọi hóan cải tâm hồn để được giải thóat khỏi cơn thịnh nộ, một thảm họa khôn lường, nhưng Ðức Giêsu cũng khác biệt hòan tòan với Gioan. Chính Gioan cũng ý thức như thế, vì ông từng nói về Người "là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần", do đó mà ông phải thú nhận hôm nay với Ðức Giêsu "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa...". Cả thánh Phêrô cũng như thánh Matthêu đều nhấn mạnh đến điểm khác biệt ấy trong sứ điệp của biến cố hôm nay: "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người". Còn Chúa Giêsu thì coi đó là "để giữ trọn Ðức công chính". Từ "công chính" ở đây theo Thánh Kinh gắn kết con người vào Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa, đồng thời cũng liên kết con người vào lời tán tạ bất tận tôn vinh mọi kỳ công của Thiên Chúa đã làm cho Dân Người. Và kết qủa là "người công chính", "Ðấng được xức dầu tấn phong" cũng là "người công bố năm hồng ân" "người thi ân giáng phúc và chữa lành". Tin Mừng phải được công bố cho mọi dân tộc. Và thánh Phêrô đã làm chứng là Ðức Giêsu đã không ngừng rảo bước từ ngày đó để rao giảng.

  1. Cũng thế, Giáo Hội tại Á Châu, như tông huấn trình bày, được xức dầu và tấn phong kế thừa Ðức Giêsu, Giáo Hội tại Á Châu đã "ra đi tới tận cùng bờ cõi trái đất để loan báo Tin Mừng và quy tụ các cộng đòan tín hữu". Công cuộc đã khởi đầu từ Giêrusalem, tiến sang Antiokia, Roma, tới tận Êthiôpi ở miền Nam, Sythia ở miền Bắc và Ấn Ðộ ở miền Ðông. Năm thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất là năm thế kỷ Giáo Hội tại Á Châu đã thực sự là nguồn sinh lực thiêng liêng cho Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ðúng như lời tiên tri Isaia "Ðây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Trí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân".

 

Anh chị em thân mến,

Biến cố phép rửa, cùng với giáo huấn của Hội Thánh đòi hỏi chúng ta nhìn lại lối sống đức tin hôm nay. Có lẽ nó không còn cái sinh lực của thời cha ông chúng ta mới đón nhận Tin Mừng : một lối sống tập trung chia sẻ Thánh Thần canh tân và đổi mới, để kiến tạo nên những cộng đòan vang đội lời tán tạ hồng ân và vinh quang Thiên Chúa. Cộng đòan của chúng ta giống như các gia đình Kitô hữu hôm nay có khuynh hướng khép kín, không còn muốn trách nhiệm về người khác. Ðáng tiếc thay.

Chớ gì chúng ta có được Thần Trí hóan cải như lòng mong ước của chính Ðức Kitô.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên