CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG 2002

 

          Thế giới cách chung, và Giáo Hội cách riêng được con người hôm nay cảm nhận với những suy nghĩ và tình cảm thật khác biệt, khiến cho nhiều Kitô hữu bị giao động nếu không muốn nói là bị rơi vào một cuộc khủng hoảng đức tin : nghi ngờ và thất vọng.

          Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay mở ra cho chúng ta một cách cảm nhận mới mẻ có nền tảng vững chãi : không phủ nhận thực tại phân cắt và mâu thuẫn gắt gao trong lòng thế giới cũng như trong Hội Thánh do nguyên nhân tội lỗi, một thực tế không thể phủ nhận trong chính mỗi con người, nhưng đồng thời cũng loan báo sự hiện diện đích thật và hữu hiệu của một thế giới mới, một Hội Thánh tinh tuyền có khả năng quy tụ và hòa giải. Trong lòng thế giới mới và Hội Thánh tinh tuyền ấy người ta gặp được nguyên lý đã khai sinh và bảo tồn là Chúa Thánh Thần.

          tường thuật của Luca thánh sử trong sách Công Vụ Tông đồ, Chúa Thánh Thần đã thâm nhập mọi nền văn hóa để có thể dùng tiếng nói của mỗi dân tộc mà "loan báo những kỳ công của Thiên Chúa". Sự kiện này có một ý nghĩa thần học quan trọng trong Kinh Thánh. Bởi vì nếu tội lỗi là nguyên nhân mọi chia cắt và mâu thuẫn trước tiên về ngôn ngữ, theo tường thuật Sáng Thế Sử trong câu chuyện tháp Babel, thì Chúa Thánh Thần đã làm cho mọi ngôn ngữ có thể hiểu và lãnh hội trong sự hội nhập và duy nhất với nhau là dấu chỉ của sự hòa giải thẳm sâu. Và đó cũng là lý do để Công đồng Vaticanô II khi muốn canh tân Phụng Vụ đã truyền dạy đưa tiếng địa phương vào ngôn ngữ Phụng Vụ Thánh. đáng tiếc là tại Việt Nam chúng ta, các bản dịch dường như lại không muốn tôn trọng tiếng nói dân tộc mình. điều, cho dù tôi chỉ là một người ít học thức, nhưng khi đọc những bản văn phụng vụ hay Kinh Thánh hoặc những bài viết về Chúa Thánh Thần mà thấy gọi Ngài là "Thần Khí", thì tôi không khỏi bị bức xúc. Chữ "thần khí" trong tiếng nói dân tộc mình là để nói về một thực tại xấu xa. Phải chăng chúng ta có quyền áp đặt cảm nhận và suy nghĩ của mình trên tiếng nói của cả dân tộc, để bắt tiếng nói của dân tộc phải phục vụ ý đồ của ta, đó chẳng phải chính là tinh thần đế quốc thực dân? Cũng như trong các công trình xây dựng nhà thờ hôm nay, biết bao nhà thờ đã áp đặt ngôn ngữ nghệ thuật Việt Nam bằng những đường nét không trân trọng ý nghĩa và bố cục nội tại của nó. đó mới thực là sản phẩm của "những thần khí" gieo rắc chia cắt và mâu thuẫn hủy hoại sức sống. Chữ viết chẳng là gì, đường nét cũng chẳng là chi nếu không muốn nói chỉ là "xác thịt nặng nề", chỉ có "tâm linh", chỉ có "thần trí", chỉ có "Thánh Thần" mới "ban sự sống". Tiếng nói dân tộc, kể cả ngôn ngữ nghệ thuật là thành quả một quá trình dựng nước và giữ nước, là biểu hiện "sự sống" với bề dày lịch sử của nó, và nếu nói theo Tông Huấn Giáo Hội tại a Châu thì cũng là một dấu chỉ của "Chúa Thánh Thần" trong mỗi nền văn hóa. Người ta phải trân trọng cái sự sống", cái "hơi thở" trong mỗi tiếng nói và mỗi đường nét, người ta mới thực sự trân trọng "hoạt động của Chúa Thánh Thần" trong mỗi nền văn hóa. Nhưng liệu tiếng nói "bình dân" của quần chúng ít học như tôi có đáng được con mắt và lỗ tai các bậc tiến sỹ và học giả lưu tâm đến, khi họ thi hành cái trách nhiệm và cái quyền làm ra ngôn ngữ trong Phụng Vụ và Kinh Thánh chăng?

          Cũng còn một điều cần phải đón nhận từ bài Tin Mừng "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần." Thánh Thần được đấng Phục Sinh trao ban bằng "thổi hơi" vào các môn đệ. Thánh Thần là "Hơi Thở", là "Sự Sống" của chính đấng Phục Sinh."Sự Sống" ấy được minh chứng như thế này "Người cho các ông xem tay và cạnh sườn."điều đó có nghĩa là gì nếu không là chứng từ của cả một đời lao động và lo toan vì yêu thương, vì tha thứ, vì hiệp nhất, xóa bỏ mọi bức màn ngăn cách, hận thù chia rẽ giai cấp, mầu da, tiếng nói, sắc tộc và nhất là đổi mới tâm linh con người để mỗi người và mọi người thực sự là ngành nho phong nhiêu trong cây nho duy nhất mà chính Người là thân. Như thế, nếu như vẫn còn chung quanh chúng ta một thế giới và ngay cả một giáo hội nhiều vết nhơ và tì tích là bởi vì người ta đang chỉ muốn làm ra một thế giới, một giáo hội không Thánh Thần, không "Hơi Thở" của đấng Phục Sinh. Người ta chỉ muốn làm ra thế giới này, giáo hội này bằng tiền bạc, bằng khoa học, bằng kỹ thuật, bằng trí tuệ và tài năng con người, và từ chối "Sự Sống" của đấng Phục Sinh. Thế giới và Giáo Hội hôm nay cần tới "ngày lễ Ngũ Tuần" mới.

          Nếu ngày lễ Ngũ Tuần xưa là thành tựu của Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của đức Kitô, thì thành tựu ấy cũng đã chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ sự khát khao chờ đợi trong cầu nguyện cùng với đức Maria. Vì vậy, thế giới và Giáo Hội hôm nay thay vì cứ mãi xao xuyến trăn trở trước mãnh lực của tội lỗi, thế giới và Giáo Hội cần đi vào Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện cùng với Mẹ mình. Người Mẹ, vốn được ca tụng là Kiệt Tác của Chúa Thánh Thần, sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò chuyển giao lòng khát khao và tín thác nơi Quyền Năng Chúa Thánh Thần. Và đó là điều kiện thiết yếu cho một Ngày Lễ Ngũ Tuần mới.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà