Chúa Nhật lễ Hiện Xuống

(19-5-2002)

ÐỌC LỜI CHÚA

      Cv 2,1-11: (1) Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, (2) bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. (3) Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (4) Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

      1 Cr 12,3b-7.12-13: (4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. (5) Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (7) Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

 

      TIN MỪNG: Ga 20,19-23

Ðức Giê-su hiện ra với các môn đệ

(// Mt 28,16-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-49)

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

SUY NIỆM

Câu hỏi gợi ý:

1.   Từ xưa đến nay, bạn có quan tâm tới bình an trong tâm hồn, thứ bình an luôn tồn tại trong lòng bất chấp giống tố hay thử thách trong cuộc đời không? Ðã bao giờ bạn cảm thấy hạnh phúc vì nếm được sự bình an ấy chưa? Nếu chưa, bạn hãy xét xem tại sao? Vì đúng ra, đã là Ki-tô hữu thì phải có sự bình an ấy!

2.   Bạn có biết sự bình an mà Ðức Giê-su cầu chúc cho các môn đệ của Ngài rất cần thiết để phát triển đời sống tâm linh không? Muốn có sự bình an ấy phải làm thế nào?

3.   Có bao giờ bạn nghĩ rằng tính ích kỷ, thiếu bụng chung của mình là nguyên nhân khiến mình không lãnh nhận được Thánh Thần không? Bạn có biết tại sao không?

Suy tư gợi ý:

1.   Bình an tâm hồn, điều kiện quan trọng để phát triển tâm linh

Trong Tin Mừng, sự bình an, đặc biệt sự bình an trong tâm hồn, được coi là một giá trị hết sức quan trọng. Khi Ðức Giê-su sinh ra, muôn vàn thiên thần đã hát mừng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2,14). Ðiều Ðức Giê-su khuyên các môn đệ làm khi vào nhà mọi người để loan báo Tin Mừng là: Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy (Mt 10,12; x. Lc 10,5). Sau khi chữa lành bệnh cho ai, Ðức Giê-su cũng chúc bình an cho người ấy (x. Mc 5,34; Lc 8,48). Khi gặp các môn đệ, nhất là những lần sau khi phục sinh, Ðức Giê-su luôn luôn cầu chúc: Bình an cho anh em! (Lc 24,36; Ga 20,19; 20,26). Thánh Phê-rô và Phao-lô gọi Tin Mừng mà các ngài loan báo là Tin Mừng bình an (Cv 10,36; Ep 2,17; 6,15).

Trong cuộc sống đời thường, bình an là một điều kiện quan trọng để sống vui tươi hạnh phúc và để phát triển; trong đời sống tâm linh cũng vậy. Sự bình an trong tâm hồn là điều kiện quan trọng để đời sống tâm linh cũng như niềm vui nội tâm phát triển. Không có bình an trong tâm hồn, đời sống tâm linh không phát triển được. Và người có đời sống tâm linh phát triển thì tâm hồn luôn luôn bình an, bất chấp những xáo trộn, bất an do ngoại cảnh. Có bình an mới có hạnh phúc. Sự bình an mà Tin Mừng nói đến, mà Ðức Giê-su cầu chúc hoặc hứa ban, chủ yếu là thứ bình an trong tâm hồn hơn là thứ bình an bị lệ thuộc vào ngoại cảnh. Bình an bên ngoài thuộc thể chất hay vật lý thì người thế gian cũng có thể ban cho ta được, nhưng họ khó có thể ban được bình an trong tâm hồn. Còn Ðức Giê-su chủ trương ban sự bình an ấy: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian (Ga 14,27). Sự bình an cũng như niềm vui nội tâm ấy không ai lấy mất được (Ga 16,22). Ðó là một thứ bình an và niềm vui độc lập với ngoại cảnh, không vì khó khăn hay rắc rối bên ngoài mà bị mất.

Người Ki-tô hữu cần phải đạt được sự bình an và niềm vui nội tâm ấy. Ðể đạt được, họ chỉ cần thật sự tin tưởng vào Tin Mừng sống tinh thần Tin Mừng, vì Tin Mừng này là Tin Mừng bình an. Sống tinh thần Tin Mừng là: sống yêu thương thật sự, tin tưởng và phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, luôn tha thứ không để tâm chấp nhất lỗi lầm của bất kỳ ai, nhất là sống tinh thần tự hủy, không đặt quá nặng cái tôi của mình, nhận ra thánh ý Thiên Chúa luôn luôn khôn ngoan và đem lại nhiều ích lợi hơn ý riêng của mình, có tinh thần siêu thoát, không quá gắn bó với những thực tại chóng qua của trần gian.

2. Bình an nội tâm, điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần

Trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ không phải vô tình mà Ðức Giê-su trước khi thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ đã lập lại một lần nữa lời cầu chúc Bình an cho anh em!. Như vậy phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5,22)? Thực ra, điều kiện quan trọng để nhận được Thánh Thần là phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, phải có tâm hồn trong sạch. Chính vì thế mà Giáo Hội buộc những ai lãnh nhận bí tích thêm sức - tức lãnh nhận Thánh Thần - phải sạch tội, nghĩa là có ân nghĩa với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa. Mà một khi đã sạch tội, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, sống theo tinh thần của Ngài thì đương nhiên sẽ có sự bình an trong tâm hồn.

Bình an này chỉ đến với hoặc ở với những ai xứng đáng với nó, tức những người sống theo tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, tinh thần Tám Mối Phúc của Ðức Giê-su (Mt 5,3-12), là lối sống siêu thoát: Ai đáng hưởng bình an, thì bình an sẽ ở lại với người ấy (Lc 10,6). Những người chạy theo tinh thần thế tục, coi trọng tiền bạc, danh vọng, địa vị hơn tình nghĩa, sống ích kỷ, vụ lợi, tham lam. không thể có được thứ bình an sâu xa này. Do đó, thay vì nói có ân nghĩa và tình yêu đối với Thiên Chúa là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần, có thể nói cách khác: bình an nội tâm là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Thần có thể được ban cho người không có bình an vật lý hay thể lý, nhưng chắc chắn không thể ban cho người không có bình an nội tâm.

Những ai đã cảm nghiệm được sự bình an và niềm vui nội tâm thật sự - nghĩa là thứ bình an lâu dài và thường xuyên - đều cảm thấy đó là một phần thưởng rất lớn và xứng đáng cho việc sống theo tinh thần Tin Mừng của mình, vì họ đã được phần nào nếm trước hạnh phúc thiên đàng ngay tại trần thế này, thứ hạnh phúc tự tại trong lòng họ, không ai lấy mất được. Ðang khi những người khác cho họ là dại dột vì từ bỏ những lợi lộc và thú vui trần tục, thì họ lại cảm thấy chính những người theo đuổi những thứ chóng qua và dễ bị cướp đoạt ấy mới là dại dột. Những người này đã từ bỏ một cái gì quí giá, sâu xa và trường tồn để đổi lấy cái mau qua, dễ mất. Các tông đồ và các Ki-tô hữu tiên khởi đã suy nghĩ như thế vì thật sự cảm nghiệm được sự bình an và Thánh Thần Ðấng ban bình an luôn ở với họ. Các ngài đã quí Thánh Thần và sự bình an ấy hơn cả mạng sống và mọi thứ của cải trần gian. Còn chúng ta, những kẻ đang mang danh Ki-tô hữu, thì sao?

3. Nhận lãnh Thánh Thần để được sai đi

Ngay trước khi thổi hơi để ban Thánh Thần cho các tông đồ, Ðức Giê-su không chỉ chúc bình an, mà còn nói: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần còn có một mục đích quan trọng là để làm công việc của Thiên Chúa. Trong sách Công Vụ Tông Ðồ, ngay sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ lập tức làm việc cho Thiên Chúa: rao giảng Tin Mừng một cách mạnh dạn, không sợ sệt, và còn làm được nhiều điều kỳ diệu: các ngài nói một cách rất bình thường nhưng ai nấy đều nghe thấy các ngài nói ngôn ngữ của mình, các ngài còn có thể trừ quỉ ám hay chữa khỏi những bệnh nan y trong chốc lát.

Thánh Thần được ban xuống trên những ai xứng đáng lãnh nhận với nhiều quyền năng kèm theo, không phải để phục vụ cho lợi ích riêng của người ấy, mà vì lợi ích chung của mọi người: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (1 Cr 12,7). Vì thế, những ai được ơn đặc biệt của Thánh Thần đều phải dùng ơn ấy để phục vụ mọi người, nhất là để loan báo Tin Mừng, để thăng tiến đời sống tâm linh con người, để giúp ích cho Giáo Hội, cho xã hội và thế giới. Không ai lãnh nhận ơn Thánh Thần lại được phép dùng ơn ấy cho lợi ích riêng của mình: để được danh tiếng, được kính nể, nhờ đó được lên chức, được nắm quyền, được dồi dào tiền bạc, v.v. Những người có những ý hướng vị kỷ ấy cho dẫu có làm những công việc tốt đẹp, cũng không thể lãnh nhận Thánh Thần.

Vậy, muốn lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta cần phải có bụng chung, biết lo lắng cho công việc chung, của Giáo Hội hay xã hội, của tập thể hay cộng đoàn, của quê hương đất nước. Vừa tha thiết xin Thánh Thần đến với mình, vừa giữ tính ích kỷ, chỉ biết vun quén cho mình, không hề nghĩ đến người khác thì chẳng khác gì muốn thổi cơm mà lại đổ cát vào nồi. Thật là công dã tràng, nhưng có biết bao Ki-tô hữu đang làm như vậy! Bạn có làm như vậy không? Ðừng chờ đợi có ơn Thánh Thần rồi mới làm tông đồ, hãy hăng say làm tông đồ trước đi rồi tự động Thánh Thần sẽ được ban cho ta!

Cầu nguyện

Tiếng Chúa nói với tôi: Sự bình an của Cha rất quí giá, nên đã có biết bao người sẵn sàng hy sinh tất cả để có được sự bình an ấy! Họ là những người khôn ngoan. Vì chỉ có thể thứ bình an ấy mới làm cho họ hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà thế gian không thể ban được, cũng không thể hủy hoại được. Thứ bình an ấy, Cha chỉ ban cho những người xứng đáng, những người dám thật sự sống Tin Mừng của Cha. Con chắc chắn sẽ được sự bình an ấy nếu con thật sự sống đúng những đòi hỏi của Tin Mừng. Con có dám sống như thế không? Nếu không dám thì con cũng đừng lấy làm lạ và thắc mắc tại sao Cha không ban thứ bình an ấy cho con!.                                           

Joan Nguyễn Chính Kết


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà