SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH

6.2.2002

 

          Anh chị em rất thân mến,

          Câu chuyện ba vị đạo sỹ từ phương đông trong bài Tin Mừng đưa chúng ta trở lại với bối cảnh tôn giáo và văn hóa Á Châu. Từ những thời đại cổ xưa trên châu lục này đã hình thành khoa chiêm tinh nắm vai trò quan trọng trong hoạch định các đường lối chính sách của cả một dân tộc, cho đến những hành động quyết định của mỗi cá nhân. Ðược hình thành trong truyền thống văn hóa ấy, Kinh Thánh đã phải xử dụng những hình ảnh văn chương hoặc lối diễn tả của thời đại và xã hội mình để chuyển tải những chân lý mặc khải. Theo đó ngay từ sách Dân Số, rồi tiên tri Isaia, hình ảnh Ngôi Sao đã được xử dụng để nói về Ðấng Thiên Sai thuộc nhà Giuđa và giòng dõi Ðavid, và Thánh Matthêô ở đây có dụng ý muốn chứng thực Ðức Giêsu chính là Ðấng Thiên Sai mà Sách Luật và các tiên tri đã nói tới. Như vậy, các vị đạo sỹ từ phương Ðông là tiêu biểu cho những tinh hoa của văn minh nhân loại ở thời điểm ấy, ít nữa là theo quan niệm các độc giả Tin Mừng Matthêô lúc bấy giờ, đã nhận ra được dấu chỉ của thời đại Cứu Ðộ.

          Ðây là những vấn đề Tin Mừng đặt ra một cách hết sức nghiêm túc cho những ai tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng Nhập Thể và Cứu Ðộ của Ðức Kitô : Vấn đề Hội Nhập Văn Hóa, một vấn đề được Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á trình bày như là vấn đề cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, cũng như Tin Mừng cho thấy cho dù đã được Ngôi Sao dẫn lối chỉ đường, với sự tích lũy mọi khôn ngoan thời đại, ba vị đạo sỹ cũng chỉ có thể đến được với Ðức Kitô sau khi đã được giải thích tường tận của Kinh Thánh, thì việc Hội Nhập Văn Hóa trong công cuộc loan báo Tin Mừng cũng phải được Lời Chúa thấp nhập và chiếu soi mới có thể phục vụ Tin Mừng Cứu Ðộ.

          Dù thuộc về nền văn hóa nào, thì phẩm giá và địa vị của mỗi con người vẫn chỉ là một, cách hành xử và diễn tả tuy thật khác biệt giữa các nền văn hóa, nhưng mục đích cuối cùng theo đuổi cũng chỉ là một. Chính ở điểm này mà câu chuyện 3 vị đạo sỹ hôm nay muốn chúng ta cùng suy nghĩ và thấu đạt : Ðức Giêsu Kitô là câu trả lời cho mọi khát vọng tìm kiếm của hết mọi con người, dù họ thuộc về một nền văn hóa hay địa lý nào. Và Người đã ở đó trong cuộc sống và trong mỗi khát vọng sâu xa và chính trực của mỗi con người. 3 vị đạo sỹ đã thấy Người trong ngôi sao lạ, đã thấy Người trong những giải thích Kinh Thánh, đã thấy người nơi "Hài Nhi ở". Và vì vậy khi thấy Hài Nhi họ đã sấp mình thờ lạy Người. Họ đã thấy vì họ đã chờ đợi và đã kiếm tìm với một tâm hồn quảng đại và khiêm tốn. Nhưng còn Hêrôđê, có tất cả mọi phương tiện trong tay để biết đích xác Ðức Giêsu Ðấng Thiên Sai Cứu Thế, ông đã chẳng thấy Người, chỉ vì ông không chờ đợi Người, càng chẳng muốn tìm kiếm Người, ông chỉ muốn tiêu diệt Người. Ðiều này đặt nỗ lực loan báo Tin Mừng Nhập Thể phải khơi dậy được nơi lòng người khát vọng chờ đợi và tìm kiếm Người. Khát vọng ấy, tìm kiếm ấy là hành trình ra khỏi bản thân, gia đình, xã hội và mọi bảo đảm cuộc sống, để khiêm tốn phó thác cho sự dẫn dắt nhiệm mầu. Ðấy là tinh hoa của truyền thống các dân tộc Châu Á. Ðáng tiếc thay, xu hướng tâm linh ấy đang bị chối bỏ bởi chính những con dân Châu Á ngày nay. Trên khắp lục địa này, cơn cám dỗ bám trụ vào của cải vật chất hàng hóa, cơn cám dỗ chỉ muốn khẳng định phẩm giá và ơn gọi của mình bằng những tài sản kếch xù đang là nguyên nhân của những tệ nạn tham nhũng, chiếm đoạt tài sản cộng đồng, một tệ nạn đang đẩy mọi dân tộc Á Châu vào sự nô thuộc và nghèo đói. Ðã có nhiều công cuộc thậm chí ngay của một số Kitô hữu, tự gán cho mình là cách mạng, là giải phóng, nhưng kết cục cũng chỉ là để bảo vệ quyền lợi giai cấp thống trị. Châu Lục này vẫn còn và phải nói là cần hơn bao giờ hết câu trả lời của Ðức Giêsu Kitô, câu trả lời mà thánh Phaolô đã gói ghém trong lời đơn giản này "trong Ðức Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế... cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa".

          Biến cố 3 vị đạo sỹ từ phương đông đến cho thấy Ðức Giêsu quả thật đã cho mỗi người đạt tới khát vọng sâu xa của họ dù họ là ai, Ngài chính là câu trả lời duy nhất thỏa đáng cho mọi tâm hồn, và bằng mọi cách thức Ngài đả cống hiến cho mỗi con người ân sủng và vinh quang. Là người Kitô hữu, chúng ta không thể thờ ơ lãnh đạm với tâm nguyện của Ngài.