CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

(Mác-cô 1: 12-15)

  

          Khác với những trình thuật đầy đủ chi tiết của Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca về việc Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa, thánh sử Mác-cô chỉ ghi lại biến cố trên qua một dòng chữ thôi.  Tuy nhiên ngài lại cho ta một hình ảnh thật sống động về con người Chúa Ki-tô trong những lãnh vực khác nhau.  “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”.  Nét đẹp nhất của hình ảnh này là một Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ của Xa-tan và phục hồi cho con người cuộc sống hài hòa với Thiên Chúa và với tạo vật.  Do đó, bài Tin Mừng ngắn gọn nhưng vô cùng phong phú trình bày Chúa Giê-su như một gương sống cho toàn thể nhân loại, những người đang chiến đấu với sự dữ và cố gắng trở về với con người A-đam trước khi phạm tội nguyên tổ.

 

a)  “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ”

 

          Hoang địa khô cằn và chết chóc thường được hiểu là nơi của ma quỷ và thử thách.  Đúng vậy, kể từ khi Xa-tan chiến thắng A-đam và E-và, tội lỗi đã đi vào lịch sử nhân loại gây ra cái chết (Rm 5:12) và biến vườn địa đàng thành nơi hoang địa.  Con người đã trở thành thù địch của Thiên Chúa và muôn tạo vật không còn nằm dưới quyền cai quản của con người nữa.  Cuộc sống không êm đềm như trước kia, trái lại thử thách và đau khổ lúc nào cũng dồn dập.  Quả thực toàn cõi địa cầu đã biến thành hoang địa mất rồi. 

Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa không để con người cô độc trong nơi hoang địa ấy.  Người đã đến hoang địa của họ để thay mặt họ chống lại quyền lực của Xa-tan và tội lỗi.  Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con.  Người đã xông vào “nhà” của Xa-tan, trói nó lại và cướp sạch nhà nó để đem tất cả về cho Thiên Chúa (Mc 3:27).  Con số “bốn mươi ngày” biểu tượng cho sự trọn vẹn cũng nói lên cao độ và thời gian của những cám dỗ và thử thách Chúa Giê-su phải đối phó.  Không chỉ là những cám dỗ bình thường và hời hợt bên ngoài, nhưng là những cám dỗ liên hệ tới chính bản chất con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Không chỉ là cám dỗ trong bốn mươi ngày rồi thôi, nhưng là cám dỗ liên tục trọn cuộc đời cho tới khi Người tắt hơi thở cuối cùng trên thập giá.

Chúa Giê-su muốn chia sẻ thân phận con người của ta, cả phẩm giá lẫn những thử thách ta phải chịu.  Làm như thế, Người cho ta thấy không có cám dỗ hay thử thách nào là vượt quá sức của ta, tuy nhiên ta phải tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa.  “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền cứu Người khỏi chết” (Dt 5:7).

 

b)  “Người sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”

 

          Chúa Giê-su gợi lại cho ta hình ảnh cuộc sống của ông A-đam và bà E-và trong vườn địa đàng trước khi họ phạm tội không vâng lời Thiên Chúa.  Đó là cuộc sống hòa bình giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với Thiên Chúa.  Nhưng tội lỗi đã cướp đi sự thanh bình ấy và thiên nhiên chống lại con người.  Con người phải vất vả đổ mồ hôi mới có miếng cơm ăn.  Ngôn sứ I-sai-a đã nhìn thấy viễn ảnh Chúa Giê-su sẽ tái lập hòa bình cho thế giới và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên:  sói ở với chiên, bò tơ nuôi chung với sư tử, bé thơ chơi bên hang rắn lục... (x. Is 11:1-10).  Chúa Giê-su đã lấy lại quyền cai quản thiên nhiên mà ông A-đam đã đánh mất.  Viễn ảnh ấy đã được thể hiện là vì Chúa Giê-su thắng được cám dỗ của Xa-tan.  Ngày xưa cám dỗ đã gây nên xáo trộn và hận thù thì giờ đây Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ ấy và tái lập trật tự cũng như yêu thương.

          Hình ảnh Chúa Giê-su sống giữa loài dã thú cũng cho ta một suy tư khác.  Dã thú lúc nào cũng là dã thú và có thể làm hại ta.  Vậy mà chúng không làm gì được Chúa Giê-su.  Thánh Phê-rô Tông đồ đã nhắn nhủ tín hữu ngài:  “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.  Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5:8-9).  Nếu chúng ta biết tỉnh thức như Chúa Giê-su đã dạy (Mt 26:41) và như thánh Phê-rô đã khuyên thì ma quỷ là dã thú quyện đảo chung quanh ta cũng chẳng làm gì nổi ta.  Ngoài ra thánh Mác-cô còn diễn tả việc Thiên Chúa phù trì Chúa Giê-su qua hình ảnh các thiên sứ hầu hạ Người.

          Chúa Giê-su đánh bại quyền lực ma quỷ là để khởi đầu cho thời đại cứu độ.  Theo kế hoạch của Thiên Chúa, Chúa Giê-su không hành động đơn phương, nhưng Người khai mạc một cuộc chiến thắng sẽ kết thúc vào ngày thế mạt.  Vậy trong thời gian ấy, Người mời gọi mọi người hãy cùng sát cánh với Người để phá tan vương quốc Xa-tan, bắt đầu từ trong tâm hồn mỗi người.  Không phải là một cuộc chiến bày binh bố trận, nhưng là cuộc chiến âm thầm xảy ra trong tâm hồn ta và biểu lộ qua những điều xấu xa trong thế giới.  Dã thú và thiên sứ đều hiện diện trong cuộc sống ta.  Tội lỗi và ân sủng Chúa đều sẵn sàng để tấn công hoặc nâng đỡ ta.  Điều quan trọng là ta có biết noi gương Chúa Giê-su để thống trị dã thú không.  Nếu ta quyết tâm chống lại chúng, ân sủng Chúa sẽ phù trợ ta.

 

c)  Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa

 

          Cuộc đời của Chúa Giê-su cũng như của ta không phải chỉ chống chọi với cám dỗ ma quỷ, nhưng song song với cuộc chiến đấu ấy là thi hành việc rao giảng Tin Mừng.  Tin Mừng Chúa Giê-su rao giảng là: tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng quyền lực ma quỷ tội lỗi và đem lại ơn cứu độ cho mọi người.  Việc chiến thắng ma quỷ tội lỗi và việc rao giảng Tin Mừng là hai công việc đối nghịch.  Rao giảng Tin Mừng càng hữu hiệu thì chiến thắng ma quỷ tội lỗi càng lớn lao.

          Nhưng làm sao để việc rao giảng Tin Mừng được hữu hiệu?  Đáp lời hiệu triệu của Chúa Giê-su, ta rao giảng bằng chính đời sống Ki-tô gương mẫu.  Muốn đời sống ấy được triển nở, ta cũng phải làm hai công việc song song:  sám hối và tin vào Tin Mừng.  Nghĩa là ta quay lưng lại tội lỗi và để cho những giá trị Tin Mừng thay đổi lối sống của ta.  Đó là khởi điểm cho việc rao giảng Tin Mừng.  Ta hãy cho mọi người thấy ở chính nơi ta, ma quỷ và tội lỗi đang bị đánh bại, đồng thời lối sống của ta phản ảnh những đường nét của Chúa Ki-tô.

          Như vậy, quyết định sống như thế nào trong mùa Chay này đã được vạch rõ.  Ta cứ bước theo Chúa Giê-su, Đấng chiến thắng ma quỷ và được Thiên Chúa phù hộ, ta sẽ có được mùa Chay thật tuyệt vời và thánh thiện đích thực.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi có ý thức Chúa Giê-su đang chia sẻ cuộc sống trần gian với tôi như một bạn đồng hành không?  Người mời gọi tôi đi theo bước chân Người.  Vậy tôi đang theo Người hay theo ai?  Làm sao tôi nhận ra được những bước chân Người?

          Trong số dã thú – cám dỗ – đang bao quanh tôi, đâu là thứ nguy hiểm nhất?  Tôi đã làm gì để chiến thắng nó?

          Chọn một vài quyết định cụ thể để chừa một tật xấu và tập một nhân đức.  Thí dụ hay phê bình chỉ trích người khác, hoặc tập quảng đại và tích cực khi nói về người khác.

 

Câu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          có những ngày con cảm thấy

          đời sống thật nặng nề;

          có những lúc con muốn buông trôi,

          để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

          có những khoàng thời gian dài,

          con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

          Xin cho con ánh sáng của Chúa

          để con biết lối mà đi.

          Xin cho con tấm bánh của Chúa

          để con có sức mà dấn bước.

          Xin cho con Lời cùa Chúa

          để con vững một niềm tin.

          Xin cho con sự sống của Chúa

          để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

          niềm vui và sáng tạo.

          Lạy Chúa Giê-su,

          con thấy mình cần Chúa

          trong mỗi giây phút của cuộc đời.

          Ước gì ai gặp con

          cũng gặp được sự hiện diện của Chúa”.

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 1)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B