CHÚA NHẬT 2 MÙA THƯỜNG NIÊN

(Gio-an 1: 35-42)

 

          Một trong những đề tài lớn của các sách Tin Mừng là làm môn đệ Chúa Giê-su.  Chúa gọi ta làm môn đệ Người.  Lời gọi của Chúa là khởi đầu cho ta đáp trả và hành trình lên đường đi theo Chúa để học với Người và thay đổi cuộc sống.  Mùa Thường niên của năm Phụng vụ (bắt đầu từ lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa cho đến mùa Chay và sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống cho đến mùa Vọng năm sau) là thời gian Giáo Hội dành cho ta học hỏi với Chúa để làm môn đệ Người.  Bài Tin Mừng hôm nay kể lại Chúa gọi các môn đệ đầu tiên đi theo Người.  Tuy biến cố đã xảy ra từ lâu, nhưng việc Chúa kêu gọi ta làm môn đệ Người ngày hôm nay thì vẫn như vậy.  Do đó ta có thể ôn lại truyện cũ để học lấy điều mới, hoặc để giúp ta hăng hái và quảng đại hơn trên đường theo Chúa.

 

a)  Câu truyện Chúa Giê-su gọi những môn đệ đầu tiên

 

          Đọc câu truyện thánh Gio-an kể lại, thoạt đầu ta có cảm tưởng tất cả đều như chuyện tình cờ.  Chẳng lẽ Chúa gọi mấy môn đệ đầu tiên một cách đơn giản như vậy sao?  Chắc chắn không phải thế.  Lối viết của thánh sử rất đặc biệt.  Ngài không thuật lại câu truyện một cách chi tiết, nhưng chỉ nêu lên những hành động chính, để cho ta tự ý ráp nối lại.  Mà muốn ráp nối lại thì ta phải suy nghĩ, phải sắp đặt câu truyện, để rồi lúc nào đó biến câu truyện ấy thành câu truyện của chính mình.

          Trước hết, ta để ý tới một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng, đó là “hôm sau”.  Ghi lại thời gian như thế, thánh Gio-an muốn ta đọc lại những gì đã xảy ra hôm trước.  Vậy hôm trước đã có cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Gio-an Tẩy giả.  Ông đã làm chứng về Chúa và nói cho mọi người biết Chúa Giê-su là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.  Hôm sau, Chúa trở lại, đi ngang qua nơi ông Gio-an Tẩy giả và hai người môn đệ của ông đang đứng.  Ông Gio-an Tẩy giả đã chờ đợi giây phút Chúa trở lại để xin Chúa nhận những môn đệ của ông làm môn đệ Người.  Điều tâm niệm của ông là “Chúa Giê-su phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30).  Sứ vụ của ông là dọn đường cho Chúa, cho nên chuẩn bị môn đệ cho Chúa lại là việc càng nên làm hơn.  Hôm trước gặp Chúa, ông nhận biết Người là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.  Nhưng hôm nay, ông nói cho môn đệ ông biết thêm về Chúa, ông tuyên xưng Chúa Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” và ông giới thiệu Chúa cho hai môn đệ của ông.  Nhờ lời ông Gio-an giới thiệu về Chúa, môn đệ ông mới đi tìm hiểu xem Chúa Giê-su là ai và sau đó quyết định đi theo Người.

          Trường hợp Chúa gọi ông Phê-rô cũng tương tự, nghĩa là qua lời giới thiệu của người khác.  Người anh của ông Phê-rô là An-rê, một trong hai người môn đệ của ông Gio-an Tẩy giả đã đi theo Chúa, về nhà nói cho Phê-rô biết về Chúa Giê-su.  Lời giới thiệu của ông An-rê lại cho ta biết thêm về Chúa Giê-su với một danh hiệu mới:  “Đấng Mê-si-a” nghĩa là Đấng Ki-tô.  Nếu Phê-rô chỉ “biết” Chúa Giê-su qua sự giới thiệu, thì Chúa Giê-su lại “biết” Phê-rô như một Chủ chiên biết con chiên mình.  Thánh sử viết:  “Đức Giê-su nhìn ông Si-mon và nói:  “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô)”.  Cái nhìn của Chúa luôn đầy ý nghĩa, ngầm hiểu một mối quan hệ mật thiết giữa hai thầy trò.  Hơn nữa, việc đặt tên cho Simon còn có nghĩa là Chúa làm chủ Si-mon và trao cho ông một sứ mệnh cao cả.

 

b)  Câu truyện Chúa gọi những môn đệ đầu tiên dạy ta điều gì? 

           

          Trước hết, Chúa đến với ta trước và gọi ta.  Thánh sử Gio-an gọi hành động Chúa đến với ta là Người “đi ngang qua”.  Hành động đi ngang qua ít gây chú ý, nên ta khó mà nhận ra Người.  Chính vì thế Chúa dùng một người nào đó để giúp ta ý thức sự hiện diện của Người.  Trong cuộc sống ta, chắc chắn rất nhiều lần Chúa đã “đi ngang qua”, nhưng ta đã không nhận ra, hoặc không muốn nhận ra Người.  Một khi ta đã nhận ra Chúa, Người sẽ gọi ta tiến thêm nữa.  Hai môn đệ ông Gio-an Tẩy giả đã cho ta thấy bước tiến ấy, tức là họ nhận ra Chúa theo lời thầy họ giới thiệu và đi theo Chúa, rồi họ đến nơi Người ở, và cuối cùng họ ở lại với Người.  Nói khác đi, hành trình làm môn đệ Chúa có những bước khác nhau.  Khởi đầu là nhận ra sự hiện diện của Chúa do sự giới thiệu hoặc lời chứng của người khác.  Kế tiếp là ra đi để tìm hiểu Người và yêu mến Người.  Sau cùng là trung thành theo Người.

          Hành trình làm môn đệ Chúa đòi ta phải luôn luôn đặt Chúa làm trọng tâm.  Câu hỏi Chúa Giê-su hỏi hai môn đệ:  “Các anh tìm gì thế?”  nhắc nhở chúng ta về đối tượng của việc làm môn đệ.  Nếu ta trả lời câu hỏi của Người:  “Lạy Chúa, con đang tìm Chúa đây!” thì Người sẽ mời gọi ta cứ tiến bước theo Người.  Còn nếu câu trả lời thành thực của ta là:  “Lạy Chúa, con đang tìm những thứ không phải là Chúa, con đang tìm danh vọng, tiền bạc, chức quyền...” thì câu hỏi ấy nhắc bảo ta phải quay về với Người là mục tiêu ta tìm kiếm.  Lời mời gọi “Đến mà xem” luôn luôn khích lệ ta đi sâu mỗi ngày một hơn vào mối quan hệ mật thiết với Chúa.

          Hành trình làm môn đệ cũng đưa ta đến gần Chúa đến độ “ở lại với Người”.  Tin Mừng Gio-an thường lập đi lập lại từ “ở lại với”, diễn tả một sự gắn bó chặt chẽ trong tình yêu của Chúa.  Chương 15 Tin Mừng Gio-an, câu 4 đến câu 10 lập đi lập lại mười lần từ “ở lại” diễn tả sự gắn bó tha thiết giữa Chúa và môn đệ, giống như cành nho gắn liền với cây nho. 

Có gắn bó và quan hệ mật thiết với Chúa như thế, ta mới thấy cần phải nói về Chúa cho người khác.  Những người ta sẽ nói cho họ biết về Chúa không phải là những người xa lạ, mà trước hết là chính những người thân thương của ta.  Ông An-rê đã nói với em mình biết về Chúa.  “Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-mon và nói:  ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a’”.  Như vậy, nơi môn đệ làm chứng cho Chúa trước hết phải từ gia đình mình.  Nói cho người khác biết về Chúa là công việc mỗi người phải làm để chuẩn bị cho Chúa có thêm nhiều môn đệ.

Sau hết, làm môn đệ Chúa là lãnh nhận một sứ mệnh.  Tiêu biểu là ông Si-mon Phê-rô.  Để lãnh nhận sứ mệnh của Chúa, ta phải từ bỏ mình và chấp nhận hy sinh.  Ông An-rê và người bạn đã từ giã thầy mình là Gio-an Tẩy giả để đi theo Chúa Giê-su.  Ông Si-mon từ bỏ cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho để mang một cái tên mới.  Việc này mang ý nghĩa ông trở thành một con người mới với một sứ mệnh mới sau khi theo làm môn đệ Chúa.  Thánh sử Mát-thêu thì diễn tả việc Phê-rô thay đổi con người qua lời dạy của Chúa Giê-su:  “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4:19).

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Chúa Giê-su đã “đi ngang qua” cuộc sống tôi trong những hoàn cảnh nào?  Tôi có nhận ra Người không?  Tại sao không?

          Câu hỏi của Chúa Giê-su “Các anh tìm gì thế?” đòi tôi phải trả lời thế nào?  Tôi có thường xét mình lại với câu hỏi này để luôn luôn lấy Chúa làm trọng tâm cuộc sống không?

          Chúa mời gọi tôi:  “Đến mà xem”.  Vậy tôi đã đến chưa?  Nếu đã đến, tôi thấy được gì nơi Chúa?  Những gì tôi đã thấy có giúp tôi đi thêm một bước nữa là học biết Chúa và lối sống của Người để yêu mến Người hơn không?  Nói khác đi, muốn theo Chúa trung thành thì phải biết Người rõ hơn và yêu mến Người nồng nàn hơn.  Vậy tôi có đi theo những bước tiến đó không?

          Tôi phải diễn tả việc tôi “ở lại với Chúa” như thế nào?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại

          chọn những cầu thủ bóng đá,

          những tài tử điện ảnh

          làm thần tượng cho đời mình.

          Hôm nay

          Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai

          và chúng con thật sự đắn đo

          trước khi chọn Chúa.

          Bởi chúng con biết rằng

          chọn Chúa là lội ngược dòng,

          theo Chúa là bước vào con đường hẹp:

          con đường nghèo khó và khiêm nhu,

          con đường từ bỏ và phục vụ.

          Hôm nay, chúng con chọn Chúa

          không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,

          nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.

          Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.

          Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

          Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa

          nhiều lần trong ngày,

          qua những chọn lựa nhỏ bé,

          để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,

          và để chúng con

thông hiệp với toàn bộ cuộc sống của Chúa.  A-men.”

                   (Trích RABBOUNI, lời nguyện 26)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B