CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN, B

(Mác-cô 1: 40-45)

 

          Sau khi trình bày tổng quát sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su, rao giảng và diệt trừ ma quỷ, thánh sử Mác-cô kết thúc bằng cách kể lại phép lạ Chúa chữa lành người phong hủi.  Có thể ta quá chú tâm đến sự kiện người phong hủi được lành sạch mà bỏ qua phần quan trọng nhất của phép lạ, tức là hậu quả do phép lạ:  người phong hủi được trở về sống trong thành, còn Chúa Giê-su phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.  Nói khác đi, ta có thể hiểu lầm chủ ý của thánh Mác-cô khi ngài kể lại phép lạ này.  Ngài muốn nói với chúng ta về Chúa Giê-su hơn là về người phong hủi được sạch, về bản chất sứ mệnh của Chúa Giê-su hơn là về quyền năng chữa lành của Người.  Vậy ta sẽ suy niệm như thế nào về câu truyện phép lạ này để nhận ra được sứ mệnh đích thực của Chúa Giê-su?

 

a)  Đấng chữa lành bị thương (The Wounded Healer)

 

          “Đấng chữa lành bị thương” là nhan đề cuốn sách của cha Henri Nouwen, một vị linh hướng và tu đức nổi tiếng.  Chúa Giê-su đã mang vào mình những thương tích của nhân loại để nhân loại được chữa lành và Người tự nguyện nhận lấy cái chết để nhân loại được sống.  Chân lý ấy đã được thể hiện đầy đủ qua câu truyện chữa lành người phong hủi.  Ta hiểu người phong hủi là hình ảnh của nhân loại, một nhân loại bị trùng hủi tội lỗi gặm nhấm và hủy hoại, đang đến xin Thiên Chúa chữa lành cho mình.

          Bệnh phong hủi là chứng nan y không thể chữa trị.  Người mắc bệnh này bị loại trừ khỏi xã hội và phải sống ẩn lánh trong hoang địa.  Họ đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.  Theo luật Do-thái, họ không được phép đến gần người khác.  Nhưng trong câu truyện này, người phong hủi đến gặp Chúa Giê-su.  Vậy nếu Chúa Giê-su không tạo cơ hội cho anh ta gặp Người thì làm sao anh có thể đến với Người?  Do đó, ta tin rằng chính Chúa đã đến với anh trước, bởi vì hành vi và lời nói của Người đã chứng minh Người có ý đến với anh.  Hành vi của Người là “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh” và lời Người nói là “Tôi muốn”.  Chúa Giê-su đã biểu lộ hình ảnh của “Chúa Cha là Đấng chạnh lòng thương” (Lc 6:36).  Lề luật không cho người ta đụng chạm vào người bị phong hủi.  Nhưng lòng thương của Chúa Giê-su đã vượt trên lề luật, nên Người đã giơ tay đụng vào anh.  Người muốn mang lấy phong hủi của anh.  Người muốn mặc vào mình thân phận tội lỗi của nhân loại (Is 53).  Người còn phát biểu dứt khoát ý định của Thiên Chúa muốn chữa lành nhân loại:  “Tôi muốn, anh sạch đi!”  Phụng vụ Thánh Lễ đã tài tình phối hợp câu truyện chữa lành này với câu truyện chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng Rô-ma (Lc 7:1-10) trong lời nguyện trước khi rước lễ:  Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành sạch.

          Lòng thương của Thiên Chúa được biểu lộ trong chính việc chữa lành, nhưng còn biểu lộ rõ ràng và cảm động hơn qua những gì xảy ra sau khi chữa lành, đó là sự kiện Chúa Giê-su thay thế chỗ đứng của người phong hủi được Người chữa lành.  Hiệu quả của việc chữa lành là người phong hủi thì được lành sạch và tái nhập vào cộng đồng nhân loại.  Còn hậu quả của việc chữa lành là Chúa Giê-su, Đấng chữa lành, lại bị loại ra khỏi cộng đồng ấy và “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”.  Nói khác đi, chỉ vì muốn tỏ ra cho ta cảm nhận được lòng thương của Thiên Chúa nên Chúa Giê-su đã bị loại ra khỏi xã hội của ta (ngoài thành).  Hỏi có tình thương nào lớn hơn tình thương của Đấng sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” không?

 

b)  “Dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”

 

          Cho dù sống giữa cộng đồng nhân loại hoặc bị loại trừ ra ngoài cộng đồng ấy, Chúa Giê-su vẫn là Đấng “chạnh lòng thương” và “muốn” nhân loại được sạch và được cứu thoát khỏi tình trạng tội lỗi kiềm tỏa.  Nếu địa điểm “ngoài thành” đã là nơi người bị phong hủi đến gặp Chúa Giê-su, thì giờ đây “những nơi hoang vắng ngoài thành” cũng là chỗ để mọi người khắp nơi đến với Người để được chữa lành.  Hình ảnh này nói cho ta biết Chúa Giê-su là Đấng nào và làm gì cho ta, và ta là ai và tại sao phải đến với Người.  Bị tẩy chay, bị loại bỏ khỏi cộng đồng là một đặc nét không thể thiếu nơi dung mạo của Đức Ki-tô.  Tình trạng Đức Ki-tô “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2:7) là một chuỗi những tẩy chay và loại bỏ đưa dần tới cái chết ô nhục trên thập giá và chết “ngoài cửa thành Giê-ru-sa-lem” (Dt 13:12).  Chính hình ảnh ngoài thành đã nói lên đặc tính phổ quát của ơn cứu độ, không chỉ dành cho dân Ít-ra-en (trong thành), mà còn cho mọi người khắp nơi (ngoài thành) nữa. Trong câu truyện Tin Mừng hôm nay, khi giới thiệu một Chúa Giê-su ở ngoài thành và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người, thánh Mác-cô muốn nói đến việc Chúa Giê-su sẽ thi hành sứ vụ cứu thế trong một môi trường rộng lớn hơn, không chỉ là Ít-ra-en mà là toàn cõi địa cầu.

          Hình ảnh Chúa Giê-su chờ đợi ta đến với Người ở ngoài thành còn diễn tả đặc tính cuộc hành trình của ta đến với Người.  Người mời gọi ta phải bước ra ngoài cái thành trì kiên cố của ta thì ta mới gặp được Người.  Tội lỗi giam hãm ta trong thành trì ấy.  Trùng phong hủi của nó đã ngăn cách ta với người khác và nhất là với Chúa.  Nếu ta cứ mạnh dạn đến gặp Chúa với thân phận tội lỗi của ta, giống như người bị phong hủi đến với Chúa, và nghe tiếng quyền năng nhân hậu của Người:  “Ta muốn, con hãy sạch đi!” thì ta sẽ được như ý.  Tác giả thư Do-thái thúc giục ta:  “Vậy ta hãy ra khỏi trại (thành) mà đến với Người” (Dt 13:13).  Người sẽ giơ tay đụng vào ta.  Bàn tay yêu thương của Cha trên trời là Chúa Giê-su sẽ đụng tới con người khốn khổ trong thân phận tội lỗi.

 

c)  “Có người bị phong hủi đến gặp Người”

 

          Sau khi chiêm ngưỡng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ đầy yêu thương, sẵn sàng chữa lành mọi vết thương của ta, nhất là tình trạng tội lỗi của ta, ta thử đọc đi đọc lại để nghe âm vang câu giới thiệu của câu truyện thánh Mác-cô kể.  “Có người bị phong hủi đến gặp Người”.  Người phong hủi ấy không mang tên riêng, nhưng mang tên toàn thể nhân loại và nhất là mang cái tên thánh sử muốn mỗi người hãy tự gọi lấy.  Đúng vậy, người bị phong hủi ấy không phải ai khác mà là chính ta, tuy ta hay tìm cách tránh né không muốn nhìn nhận tình trạng tội lỗi của ta.  Câu hỏi “muốn được sạch” không phải là vấn đề đối với Chúa, vì lúc nào Chúa cũng muốn ta được sạch, mà đó lại trở thành vấn đề của ta, vì ít khi ta muốn được sạch và thường thì cứ thích ở trong tình trạng không sạch!

          Một vấn đề nữa của ta, đó là ta không muốn đến gặp Chúa.  Ta muốn đợi cho tới khi nào thật sạch mới đến gặp Chúa!  Đâu phải như vậy.  Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi mà, chứ đâu có kêu gọi người công chính.  Chúa muốn hành trình làm môn đệ của ta phải bắt đầu từ tình trạng tội lỗi hiện thời.  Ông Phê-rô là một thí dụ điển hình (Lc 5:4-11).  Ông mặc cả với Chúa:  “Xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.  Nhưng Chúa đâu chịu thua.  Người bảo ông:  “Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá”.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi có hay chiêm niệm tình yêu thương của Thiên Chúa được tỏ ra qua quyền năng chữa lành của Chúa Giê-su không?  Suy ngắm như thế đem lại cho tôi những ích lợi nào?

          Nhìn nhận tình trạng tội lỗi của tôi, tôi cảm thấy thất vọng hay tin tưởng?  Tại sao thất vọng?  Vì tôi tự ái và kiêu căng muốn tự mình vùng vẫy thoát khỏi tình trạng ấy, thay vì phải khiêm nhượng tin tưởng vào lượng từ bi của Chúa?

          Mỗi lần đến với Bí tích Giải tội, tôi có nghe tiếng Chúa:  “Ta muốn, con hãy sạch đi!”?  Tôi đáp lại lời mời gọi ấy như thế nào?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          sám hối không phải là điều dễ dàng,

          bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn

          để nhận mình lầm lỗi.

          Chúng con ngỡ ngàng

          khi thấy Chúa là Đấng vô tội

          mà lại đứng chung với các tội nhân,

          chờ Gio-an ban phép rửa.

          Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

          với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

          Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

          lối nghĩ và lối sống của mình,

          tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,

          thành thật để khỏi tự dối mình.

          Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

          dám đi đến những hành động cụ thể,

          và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

          Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

                   niềm vui của Gia-kêu,

          hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến”.

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 89)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B