CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Mt 28, 16-20

 

BA NGÔI HIỆP NHẤT

 

Đạo công giáo là con đường dẫn tới chân lý. Nhưng nói thì dễ mà tin  mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi lại là một chuyện khó nuốt. Một Thiên Chúa  có Ba Ngôi: Cha, con và Thánh Thần. Ba ngôi chỉ là một Chúa, chứ không phải ba Chúa. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm của đức tin. Do đó, khi suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi, như thánh tiến sĩ Augustinô, Ngài cũng cảm thấy không thể nào hiểu nổi, tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi cũng như một em bé cầm cái vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát trên biển. Vâng, vì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Người ta không thể suy luận, hay dùng lý trí hoặc khoa học để kiểm chứng về Chúa Ba Ngôi.

Vậy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là gì ? Ba Ngôi Thiên Chúa có liên hệ gì với ta?

 

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ GÌ  ?: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao sâu, vượt quá sự hiểu biết của con người. Tôi còn nhớ khi nhỏ học giáo lý, các bà sơ vẫn dùng một vài hình ảnh loại suy để giúp các em thiếu nhi mường tượng phần nào về Chúa Ba Ngôi, các sơ dùng hình ảnh ngón tay trỏ, giữa, ngón tay đeo nhẫn và ngón tay út, những ngón tay đó có ba đốt, nhưng mỗi ngón tay đều chỉ là ngón tay út hay ngón tay giữa mà thôi. Các sơ còn dùng hình ảnh cái trứng gà, trứng có vỏ, có lòng trắng và tròng đỏ, nhưng đó cũng chỉ là cái trứng gà mà thôi.

 

Các sơ còn dùng hình ảnh nước, nước có thể hiện hữu dưới ba dạng: dạng hơi, thể rắn và thể lỏng. Nhưng tất cả những ví dụ ấy chỉ nói lên được một chút gì đó mà thôi, nó không tránh khỏi thắc mắc và vụng về khi phải diễn tả về mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Giêsu trong cung lòng của Thiên Chúa đã vén lộ cho con người biết về Thiên Chúa Ba Ngôi :” Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…”( Mt 28, 19 ). Trong dòng sông Giorđan, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, có tiếng từ trời phán:” Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”, đó là tiếng của Thiên Chúa Cha và có chim bồ câu đậu xuống trên đầu Chúa Giêsu. Như thế cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều xuất hiện lúc đó. Sách giáo lý công giáo viết:” Thiên Chúa Ba  Ngôi là mầu nhiệm đức tin hiểu theo nghĩa chặt chẽ nhất, một trong những” mầu nhiệm được ẩn dấu trong Thiên Chúa…không ai biết được nếu ơn trên không mặc khải” ( SPF 16 ). Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại dấu vết của bản thể Ba Ngôi Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và trong dòng mặc khải Cựu Ước. Nhưng trước cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm mà nguyên lý trí của loài người và ngay cả đức tin của Israen xưa cũng không thể vươn tới được”( GLCG số 237 ). Như thế, chúng  ta hiểu rõ rằng:” Chính Chúa Giêsu đã mặc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi “. Và sách giáo lý công giáo số 292 cũng viết:” Sự thống nhất không thể tách rời giữa hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với hành động sáng tạo của Chúa Cha đã được thoáng thấy trong Cựu Ước, và được mặc khải trong Tân Ước, nay được qui luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ  ràng:” Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất…: Người là Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Tác Giả, là Đấng an bài mọi sự. Người tự mình tác tạo mọi sự nghĩa là nhờ Lời và đức Khôn Ngoan của Người”, “ nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần” như “ những bàn tay của Người”. Sáng tạo là công trình chung của Ba Ngôi chí Thánh.

 

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TA THẾ NÀO ?:

Tin vào Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương:” Ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”( 1 Ga 4, 16 )Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn suối phát sinh mọi mầu nhiệm, trong đó con người được tham dự vào cuộc sống thần linh của Người. Chúa Cha là Đấng sáng tạo đã dựng nên vũ trụ cho con người có nơi ăn, chốn ở, có phương tiện để sinh sống. Chúa Giêsu là Ngôi Hai giáng thế đã cứu chuộc con người, trả lại cho con người sự sống thần linh mà nguyên tổ loài người đã đánh mất. Chúa Thánh Thần, ngôi ba Thiên Chúa tiếp tục tăng cường sức sống thần linh nơi mọi người theo Chúa. Do đó, Chúa Ba Ngôi có liên hệ trực tiếp tới đời sống của từng con người. Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ở với con người, gắn bó với con người. Chính vì thế, mỗi lần chúng ta vì dấu thánh giá:” nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” hoặc đọc kinh sáng danh:” sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” là ta tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi. Khi đọc kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa với tất cả đức tin sâu thẩm của mình. Trong lời chào đầu lễ, các linh mục luôn đọc:”Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”. Lời chào đó là lời chào của Giáo Hội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Nên, Ba Ngôi quả có mối giây liên kết rất mật thiết với mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta phải hết lòng biết ơn Chúa Ba Ngôi, tỏ lòng tôn kính, mến yêu Chúa Ba Ngôi đang ngự trong lòng mỗi con người.

 

Lạy Chúa Ba Ngôi xin đến với chúng con, xin ở lại trong tâm hồn chúng con vì tâm hồn của chúng con là Đền thờ cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B