CHÌA KHÓA VÀNG

Chúa Nhật Lễ Lá

 

LỜI CHÚA

 

Is 50:4-7   

Mc 14:1-15:47

Pl 2:6-11

Bình minh thế kỷ 21 mới lóe lên. Nhiều cánh cửa còn khép kín. Người ta mong chờ những giải pháp tốt đẹp cho bao nhiêu vấn đề bế tắc hôm nay. Bế tắc như những ngày cuối đời của Đức Giêsu dày đặc bóng tối. Đâu là lối thoát cho nhân loại ? Lối thoát cho nhân loại cũng chính là lối đã dẫn Đức Giêsu ra khỏi bóng đêm dày đặc đó.

BÓNG ĐÊM DÀY ĐẶC

    Hơn ai hết, Đức Giêsu cảm thấy một bóng tối dầy đặc bao phủ thân phận con người. “Từ một vị Thiên Chúa, Người đã chọn làm một con người ; trong loài người, Người đã chọn làm thân nô lệ ; trong giới nô lệ, Người lại chọn cái chết thập giá hổ nhục” (Thánh Kinh Tân Ước 1995:796). Bóng tối ghê rợn đã không buông tha Người. Người đã từ một miền tràn ngập ánh sáng đến miền tăm tối khủng khiếp, tối tăm của cây thập giá, bắt nguồn từ một sự phản bội ghê tởm. Đó là thân phận độc nhất của Đức Giêsu trong kiếp sống trần gian. Người không còn con đường nào thoát khỏi trần gian, ngoài khổ giá.

    Như Chiên Vượt Qua sẽ đổ máu Giao Ước cho muôn người (Mc 14:24), Đức Giêsu đã phải đối đầu với chính các môn đệ thân tín nhất. Các môn đệ lâm vào cảnh xáo trộn lớn, vì chính Thày cũng chao đảo trước cái chết kinh hồn đang chờ đợi. “Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14:33). Các môn đệ trước sau không như một. Thề thốt bao nhiêu, phản bội bấy nhiêu. Phêrô là một điển hình. Giuđa là khuôn mầu mọi sự phản bội. Chẳng tin ai được. Thày phải chống cả thù trong lẫn giặc ngoài.

    Giặc ngoài, với những âm mưu thâm độc, đã đánh gục Thày thê thảm. “Một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói : ‘Hãy nói tiên tri đi ! "Và bọn lính canh túm lấy Người mà tát túi bụi” (Mc 14:65). Sau cùng cái gì phải đến đã đến. “Chúng điệu Người ra để đóng đinh vào thập giá” (Mc 15:20), giữa “hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái” (Mc 15:27). Còn cảnh nào bi thảm hơn ! Ngón đòn độc ác dí tới cùng. Giữa đớn đau cùng cực, Người vẫn phải nghe những tiếng la ó thô bỉ. “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người . . . Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy” (Mc 15:29, 31).

    Đức Giêsu như rơi vào quãng không. Không còn chỗ bấu víu nơi trần gian. Hình như Thiên Chúa Cha cũng quay mặt trước cảnh cô đơn cùng cực ấy, đến nỗi Người phải thốt lên : “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mc 15:34). Đến mức này, Người như mất tất cả. Ánh sáng không hề le lói cuối đường hầm. Người như chìm trong tuyệt vọng !

    Nhưng ánh sáng mạc khải đã bừng lên. Sau khi chứng kiến một cảnh kỳ lạ, “viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói : ‘Qủa thật, người này là Con Thiên Chúa’” (Mc 15:39). Sức tàn của Người làm rúng động lòng người. Đúng hơn, tiếng kêu lớn đó diễn tả lòng can đảm vô biên muốn dốc hết ý chí thần phục và chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa Cha đến cùng.

ĐIỂM HẸN

    Lòng can đảm đó còn phản ánh nơi những môn đệ trung thành như các phụ nữ theo Chúa, người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa, ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa và ông Giuse người Arimathea táng xác Chúa. Họ không ồn ào hứa hẹn, thề thốt, không hèn nhát chối bỏ thẳng thừng, không đang tâm bán đứng Thày chỉ vì mấy chục bạc, không tranh giành địa vị ngay giữa lúc tâm tư Thày trĩu nặng nỗi buồn chết người, không tháo chạy lúc Thày gặp cơn nguy biến . . . Nếu sự ác hoạt động dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau nơi các kẻ thù và nơi chính các môn đệ, thì sự lành cũng mang nhiều bộ diện nơi các người theo Chúa. Tình yêu có nhiều cách diễn tả khác nhau. Nhưng điểm hẹn vẫn là lòng tin và can đảm như một điều kiện tối thiểu để trở thành môn đệ Đức Giêsu.

    Một biến cố đã phơi bày tất cả sự thật. “Cháy nhà mới ra mặt chuột.” Nếu Thày không gặp bước khốn cùng, chắc gì đã phân trắng đen giữa đám vàng thau lẫn lộn. Nhưng giữa cơn chao đảo cực kỳ đó, Thày vẫn đứng vững như thành đồng, nhờ tinh thần vâng phục tuyệt đối Thánh ý Chúa Cha. “Thày hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa Cha, đã biến mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, và chấp nhận vâng lời cho đến chết khổ nhục” (Disciples in Mission 1999:25). Chính vì thế, Thày cũng có quyền đòi hỏi người môn đệ phải hết lòng tin tưởng và can đảm trong mọi biến cố cuộc đời. Can đảm dám loan báo và sẵn sàng đau khổ vì Tin Mừng. Khi chịu đau khổ, “người môn đệ đã tỏ ra nhũn nhặn, khiêm tốn, và kiên nhẫn phi thường, không chống lại lời Chúa, cũng chẳng kháng cự lại kẻ thù.” (Disciples in Mission 1999:26).

    Làm môn đệ như thế thật khác xa với dự tính đầy nham hiểm của những kẻ quyền hành lúc nào cũng sẵn sàng trút lên đầu lên cổ người Tôi Tớ những vu oan, khổ thống và ngay cả cái chết.Chết là một hình thức phục vụ lớn lao nhất. Nhưng các môn đệ đã không thấu hiểu được bài học đó. “Họ theo Đức Giêsu, nhưng thiếu đức tính cơ bản nhất là lòng cam kết trọn nghĩa với Người” (Disciples in Mission 1999:27). Chính vì thế, họ đã không lướt thắng được cơn thử thách lớn lao. Nếu tuyệt đối tin vào Thiên Chúa, họ đã có thể dễ dàng biến đau khổ thành nguồn ơn cứu độ như Thày mình.

    Lịch sử Giáo hội là lịch sử của lòng can đảm trước những thách đố muôn mặt. “Thế kỷ vừa qua, một thế kỷ -  với đặc điểm là có nhiều chế độ độc tài khác nhau và chống đối Giáo hội” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 4/3/2000) - đã cống hiến cho Chúa Kitô bao nhiêu anh hùng tử đạo. Giáo hội mạnh hơn người ta tưởng. Nhưng Giáo hội vẫn không bao giờ quên được sự yếu đuối của Đức Giáo Hoàng tiên khởi khi chối bỏ Thày Chí Thánh. “Chính trên sự yếu đuối này của con người mà Người đã đóng ấn bí tích sự hiện diện của Người” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 4/3/2000). Nếu không, Giáo hội hoàn toàn chỉ là công trình của loài người.

    Chính vì quên mất đặc tính thần linh của Giáo hội, nhiều môn đệ Đức Giêsu đã tạo ra lớp hỏa mù che khuất cả dung nhan Đức Giêsu. Nhưng người môn đệ đích thực không bao giờ lãng quên sự hiện diện của Người như bảo đảm vững chắc nhất cho niềm hi vọng giữa những thử thách lớn lao. “Thế giới hôm nay rất cần niềm hi vọng này. Những nguyên lý cho niềm hi vọng của người Kitô hữu đòi buộc và khuyến khích việc tăng cường sự tín thác nơi Chúa và những sự khoan dung độ lượng hơn nữa đối với những người anh em xung quanh” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 4/3/2000). Một bằng chứng cụ thể cho niềm hi vọng là Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận. Sau 13 năm tù đầy tại Việt Nam, Đức Hồng Y đã học được một bài học đắt giá : “Đức Giêsu tử nạn khổ giá và phục sinh là niềm hi vọng đích thực và duy nhất của chúng ta” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 4/3/2000). Trước khi trở thành niềm hi vọng cho chúng ta, Đức Giêsu đã múc được nguồn hi vọng đầy hứng khởi nơi tình yêu Thiên Chúa. Đúng hơn, nhờ cái chết khổ giá, Đức Giêsu đã làm cho hi vọng vào Thiên Chúa thành hiện thực. Chúng ta có dám tin như Đức Hồng Y “rằng khi mọi chuyện xung quanh ta hầu như sụp đổ, ngay trong tâm hồn chúng ta, Chúa Giêsu Kitô vẫn không ngừng hỗ trợ chúng ta không” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 4/3/2000). Nhờ Mầu nhiệm Phục sinh, Người đã trở thành chìa khóa vàng cho tương lai thế giới (Gaudium et Spes, số 25). Ánh sáng Phục sinh đã lóe lên ngay trên cây khổ giá, khi Đức Giêsu kêu lên : “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Lm. Đaminh Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B