Chúa Nhật 12 Thường niên,B

 

          Người ta dùng nhiều hình ảnh để ví cuộc đời, thí dụ đời là bể khổ, đời là một chuyến đò... Những hình ảnh ấy chưa nói lên được chiều kích tâm linh của cuộc đời.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không ví von, nhưng đưa ta vào thẳng cuộc đời, trong đó có những thực tại khác nữa giúp ta nhìn thấy cuộc đời không phải có một mình ta cô độc, nhưng quan trọng nhất là sự hiện diện của Chúa, bởi không có Người, cuộc đời ta sẽ vô nghĩa.  Cuộc đời ông Gióp thăng trầm, nhưng lúc nào cũng có sự can thiệp của Thiên Chúa.  Con thuyền đưa các môn đệ sang bờ bên kia hồ Ga-li-lê có sự hiện diện của Chúa Giê-su.  Lời Chúa ta đã nghe mời gọi ta suy nghĩ về sự hiện diện ấy.

 

1.  Trong Cựu Ước, ông Gióp là tấm gương phó thác cuộc đời cho Chúa (bài đọc Cựu Ước – Gióp 38:1.8-11)

         

          Câu truyện ông Gióp rất quen thuộc với ta.  Cuộc đời của ông đầy gian nan thử thách.  Đã có lúc ông mất tất cả, cơ ngơi không còn một chút nào, cả đến con cái cũng chết sạch.  Cuối cùng ngay chính thân xác ông cũng khốn khổ, “mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu” (G 2:7).  Bà vợ lải nhải chì chiết ông vì ông vẫn tin vào Thiên Chúa.  Câu truyện đau khổ của ông trở thành đề tài thảo luận cho những người bạn của ông.  Nhưng chẳng ai đưa ra được giải đáp nào cho vấn đề đau khổ, ngoài việc đi tới thái độ im lặng tôn thờ Chúa và nhìn nhận quyền năng của Người.  “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi:  xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21).  Phần thứ tư của sách Gióp ghi lại những lời Đức Chúa phán dạy ông về quyền năng của Người, khiến cho ông xác tín:  “Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu” (G 42:2).  Bài đọc Cựu Ước hôm nay lấy lại một ít lời của Đức Chúa nói với ông Gióp, nhưng cũng là những lời Người nói với ta về cuộc đời.

          Điều làm chúng ta chú ý trước tiên, đó là hoàn cảnh Thiên Chúa trả lời ông Gióp vào “giữa cơn bão táp”.  Thực vậy, chính lúc cuộc đời ta gặp gian nan khốn khó, ta có thể dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói với ta về quyền năng và sự can thiệp của Người.  Ta là một tạo vật bé nhỏ, làm sao so sánh được với “cửa đại dương, nước tuôn trào, mây giăng, sương mù bao phủ” trong vũ trụ bao la này!  Cuộc đời mỏng manh của ta sẽ dễ dàng bị vùi giập, tổn thương dưới những tấn công của đau khổ, nghịch cảnh, thử thách và ảnh hưởng tai hại của tội lỗi, làm cho ta đặt nhiều câu hỏi về cuộc đời, giống như ông Gióp và các bạn của ông.  Cũng như họ, ta không có câu trả lời.  Nhưng ta có câu trả lời chắc chắn từ Thiên Chúa, là:  “Đường ranh giới của nó [đại dương] chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài” (G 38:10).  Chúa đã vạch sẵn đường ranh giới giữa đại dương đau khổ và cuộc đời ta, rồi Người phán với đại dương đau khổ thử thách rằng:  “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa!” (G 38:11).  Đường ranh giới ấy chính là sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời ta.  Nhờ sự hiện diện ấy, ta được Người che chở giữ gìn trước mọi hiểm nguy, giống như kẻ đi giữa sa mạc gặp bão cát nhưng lại có “núi đá” để núp ẩn.  “Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che:  tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62:2b-3).

          Ông Gióp đã sống cuộc đời ông ngay tại ranh giới ấy, luôn xác tín sự can thiệp của Chúa và vững lòng tin vào Người.  Ông thưa với Chúa:  “Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ” (G 40:4).  Biết mình tầm thường bé nhỏ, ta mới nhận ra sự hiện diện của Chúa và chủ quyền của Người trên ta.  Chỉ có những kẻ kiêu ngạo và cho mình là vĩ đại mới gạt Chúa ra khỏi cuộc đời họ, vì họ nghĩ rằng tự mình có thể định đoạt mọi sự và Thiên Chúa không có quyền can thiệp.  Họ đặt ra luật lệ riêng cho mình, giành cả quyền làm chủ sự sống để quyết định phá thai hoặc hủy hoại cuộc sống qua những thú vui độc hại.

 

2.  Cuộc sống mới của ta là sống cho Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại vì ta (bài đọc Tân Ước – 2 Cô-rin-tô 5:14-17)

 

          Nếu Thiên Chúa là ranh giới giữ gìn cuộc đời ông Gióp trước đau khổ thử thách, thì Chúa Ki-tô cũng là “ranh giới” đưa ta ra khỏi sự chết và dẫn ta vào cuộc sống đời đời.  Đó là suy tư của thánh Phao-lô về vai trò và sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong cuộc đời Ki-tô hữu.  Sự hiện diện của Chúa Ki-tô giữa nhân loại đã làm thay đổi bộ mặt của trần gian, khiến cho vị Tông đồ vui mừng hô lên:  “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi!” (2 Cr 5:17).

          Cái cũ mà thánh Phao-lô nói ở đây là hình ảnh nhân loại bị khống chế dưới hậu quả tai hại của tội lỗi và sẽ bị hư mất đời đời.  Sau tội nguyên tổ, con người không được công chính hóa và sống trong tình trạng thù địch với Thiên Chúa.  Tình trạng ấy được gọi là tình trạng “mọi người đều chết” (2 Cr 5:14).  Nhưng vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa muốn đặt một “ranh giới” để ngăn chặn sức mạnh của tội lỗi, ranh giới ấy là Chúa Giê-su Ki-tô.  Sức mạnh và quyền lực của tội lỗi sẽ như “các đợt sóng cao phải vỡ tan tành” G 38:11) khi đụng vào “ranh giới” Ki-tô.  Điều kỳ diệu trong kế hoạch đặt ranh giới của Thiên Chúa là Người lại sử dụng chính điều tội lỗi cho là thất bại, tức cái chết của Chúa Chúa Ki-tô, để làm sức mạnh tiêu diệt sự chết và khai mở cho nhân loại một cuộc sống mới.  Như thế, vai trò của Chúa Ki-tô là “chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5:15).

          Thế nào là “sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”?  Đó là sống như “thọ tạo mới”.  Chúa Ki-tô chính là “cái mới đã có đây rồi”.  Người là “trưởng tử” của một nhân loại mới (Cl 1:15.18), mở đầu cho một đời sống mới, đời sống của những người con cái Thiên Chúa.  Người cho ta thấy thế nào là sống quan hệ cha con với Thiên Chúa.  Người gọi Thiên Chúa là Cha thế nào, ta cũng phải gọi Thiên Chúa là Cha như vậy.  Người đã yêu mến, phục vụ, vâng phục Chúa Cha thế nào, ta cũng phải theo gương Người mà sống như thế.  Thọ tạo cũ là người sống theo tội lỗi và lối sống của thế gian, còn thọ tạo mới là người sống theo Thần Khí Chúa Ki-tô và lối sống của con cái Thiên Chúa, sống trong sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa.

 

3.  Cuộc đời ta trong cùng một con thuyền với Chúa Giê-su (bài Tin Mừng – Mc 4:35-41)

 

          Thiên Chúa ban cho ta Con Một Người là Chúa Ki-tô để đem lại cho ta đời sống mới.  Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, Thiên Chúa còn dạy ta hãy “ở trong Đức Ki-tô” như là “thọ tạo mới” để cùng Người lên thuyền “sang bờ bên kia” (Mc 4:35).

          Thực vậy, đời Ki-tô hữu là một chuyến đò để “sang bờ bên kia” dưới sự dẫn dắt và che chở của Chúa Giê-su.  Bờ bên kia là nhà Cha, nơi ta sẽ được chung phần gia nghiệp với Chúa Giê-su.  Trí tưởng tượng đưa ta về khung cảnh Biển Hồ Ga-li-lê.  Không phải chỉ có Chúa Giê-su và các môn đệ Người lên thuyền sang bờ bên kia, mà còn lũ lượt “những thuyền khác cùng theo Người”.  Quang cảnh này quả thực khích lệ ta, vì biết rằng ta không cô đơn trong cuộc đời, nhưng có Chúa và anh chị em cùng đồng hành.  Tất cả đều phải chống chọi với cuồng phong và những cơn sóng đe dọa.  Cho nên nếu ta tưởng trên thế gian này chỉ có mình ta đau khổ hoặc không ai đau khổ bằng thì quả thực là sai lầm, nhưng phải “trông lên không bằng ai, nhưng trông xuống không ai bằng mình”.  Chuyến đó có Chúa Ki-tô còn dạy ta nhiều điều khác, đặc biệt nhất vẫn là sự hiện diện của Người.  Có lẽ ta không nên bỏ qua ghi chú rất ý nghĩa của Mác-cô về sự hiện diện này:  “Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (Mc 4:38).  Trước hết, Người “đang ở đàng lái”, chỗ quan trọng nhất trên con thuyền, sự sống còn của những người trong thuyền tùy thuộc vào người ngồi ở đàng lái.  Tiếp đến là tuy Người hiện diện, nhưng lại “dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”.  Người ngủ sau một ngày mệt nhọc thi hành sứ vụ rao giảng và chữa lành.  Người ngủ để ta biết rằng thân xác Người ngủ, nhưng trái tim Người vẫn thức, chờ ta chỉ cần khẽ gọi chứ không cần “đánh thức Người dậy” như các môn đệ đã làm, là Người cứu giúp ta ngay, là Người sẽ làm cho “gió liền tắt, và biển lặng như tờ” trong cuộc đời ta.

          Tuy nhiên ở đây có hai trường hợp có thể ta sẽ rơi vào, trước hết là sau khi gió tắt biển lặng.  Thói thường là khi hiểm nguy thì ta mau chạy đến với Chúa, nhưng qua khỏi rồi, ta lại không còn để ý tới sự hiện diện của Người nữa!  Nếu lúc nào ta cũng “ngạc nhiên” được như các môn đệ Chúa, luôn hỏi câu hỏi về Chúa “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”, thì cuộc đời ta sẽ được bình an biết mấy.  Trường hợp thứ hai là “chưa có lòng tin” hoặc đúng hơn, là “thiếu lòng tin” nơi Chúa.  Vì thiếu lòng tin nên ta mới “nhát”, không dám đương đầu với cám dỗ hay thử thách, không dám can đảm để đi “ngược dòng” với lối sống thế gian, không dám làm Ki-tô hữu đích thực và chứng nhân cho những giá trị Tin Mừng.  Dầu sao hình ảnh đi cùng con thuyền với Chúa Ki-tô vẫn là lý tưởng cuộc đời và chắc chắn sẽ đưa ta tới bến bờ là quê hương vĩnh cửu.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Lời Chúa hôm nay giúp ta nhìn cuộc đời theo cái nhìn của Thiên Chúa và ý nghĩa đời sống mới do Chúa Ki-tô đem lại cho ta.  Tuy vẫn phải luôn phấn đấu với thử thách, gian nan và đau khổ, ta luôn ý thức sự hiện diện của Chúa qua Đức Ki-tô trong cuộc đời ta để cùng đồng hành với ta trên dương gian mà tiến về nhà Cha.  Chính sự hiện diện ấy đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và bảo đảm cho tương lai tốt đẹp và vĩnh cửu của đời ta.

 

Suy nghĩ:  Lời kêu hoảng hốt của các môn đệ:  “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” có ý nghĩa gì với tôi?  Tôi sẽ nói với Chúa thế nào mỗi khi gặp gian nan thử thách?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn;  xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 9 mùa Thương niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

         

22-6-2009

Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B