Chúa Nhật 17 mùa Thường niên, B

2009

 

          Ăn là nhu cầu của sự sống.  Sự sống thể xác được duy trì và phát triển là nhờ ăn uống.  Cũng vậy, đời sống thiêng liêng cần những của ăn tinh thần.  Thiên Chúa ban cho ta thức ăn nuôi dưỡng thể xác thì Người cũng ban cho ta Lời của Người (Đnl 8:3) để dưỡng nuôi linh hồn.  Hai phép lạ được thuật lại trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay về việc làm cho bánh hóa nhiều có những điều để ta suy nghĩ về Chúa cũng như về bản thân ta.

 

1.  Nghĩ về lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa dành cho ta (bài đọc Cựu Ước – 2 Vua 4:42-44)

 

          Ta  bắt đầu với câu truyện ngôn sứ Ê-li-sa lấy hai mươi chiếc bánh lúa mạch và một bị cốm mà nuôi hằng trăm người đang khốn khổ vì nạn đói.  Điều khiến ta không thể không chú ý chính là câu trả lời của vị ngôn sứ khi tiểu đồng hỏi ông phải làm thế nào trước tình trạng bánh quá ít mà số người cần ăn lại quá đông.  Ông nói:  “Cứ phát cho người ta ăn!  Vì Đức Chúa phán thế này:  Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”.  Nói như thế, ngôn sứ Ê-li-sa đã cảm nhận được tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa.

          Bối cảnh câu truyện là nạn đói đang hoành hành tại miền Ghin-gan.  Giữa lúc bao người lâm cảnh khốn cùng, ngôn sứ Ê-li-sa là người may mắn vì “có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu ông Ê-li-sa, người của Thiên Chúa:  hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị”.  Nhưng ông không giữ lại để lo cho mình, mà bảo tiểu đồng đem phân phát cho những người đang thiếu thốn đói ăn.  Ông cảm nhận Thiên Chúa đã đặc biệt thương và chăm sóc ông giữa cơn khốn cùng khi ông nhận lấy những chiếc bánh và bị cốm người ta đem biếu ông.  Tuy nhiên tình thương của Chúa dành cho ông không thể bị giới hạn, mà cần được lan tỏa tới những người chung quanh.  Những chiếc bánh lúa mạch và bị cốm là hình ảnh nói lên tình thương ấy đã được đem chia sẻ với mọi người.  Bao nhiêu người ăn mà chúng vẫn còn dư thừa.  Cũng vậy, lòng thương yêu chăm sóc của Thiên Chúa dành cho ta chan hòa và bao bọc ta trong bàn tay quan phòng của Người.  Lòng yêu thương của Thiên Chúa là đề tài cho tác giả Thánh Vịnh viết thành bao lời chúc tụng tôn vinh.  Đó cũng là đề tài rao giảng của Chúa Giê-su khi Người khai triển những giáo lý của Tám Mối Phúc, nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha (Mt 6:25-34;  Lc 12:22-31).

          Ngôn sứ Ê-li-sa chính là hình ảnh báo trước vị Ngôn Sứ vĩ đại Thiên Chúa sẽ sai đến với nhân loại, là Chúa Giê-su Ki-tô.  Người là chính Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể để tỏ ra cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương họ biết chừng nào (Ga 3:16).  Câu truyện Tin Mừng hôm nay nói với ta về việc biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa.

 

2.  Chúa Giê-su cho ta thấy tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa qua phép lạ hóa bánh ra nhiều (bài Tin Mừng – Gio-an 6:1-15)

 

          Trong hành trình rao giảng của Chúa Giê-su, dân chúng thường đến tụ họp quanh Người để lắng nghe những lời dạy dỗ.  Nhưng mỗi lần Người di chuyển từ nơi này tới nơi khác, họ cũng không ngại đi theo Người vì họ đã say mê giáo lý của Người và luôn cảm thấy đói khát lời Người.  Thánh Gio-an kể lại là “Chúa Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê”  và “có đông đảo dân chúng đi theo”.  Tới nơi, nhìn cảnh dân chúng đói khát, Người làm phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để họ được ăn no nê.  Sau phép lạ, khi chiều đến, các môn đệ Chúa xuống thuyền đi sang phía Ca-phác-na-um, còn Chúa Giê-su thì “lánh mặt , đi lên núi một mình” để cầu nguyện, vì “biết dân chúng sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua”.  Tiếp đến, thánh sử kể việc Chúa Giê-su đi trên mặt nước đến gặp các môn đệ trên thuyền, gợi lại biến cố Thiên Chúa đưa dân Người vượt qua Biển Đỏ.  Đó là những gì xảy ra chung quanh phép lạ hóa bánh ra nhiều.

          Quả thực thánh Gio-an đã sắp đặt câu truyện như thế, mục đích để nói lên hình ảnh Chúa Giê-su là Thiên Chúa yêu thương chăm sóc ta.  Thiên Chúa đã đưa dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ và nuôi dưỡng họ trên đường về đất hứa.  Cũng thế, Chúa Giê-su là Tình Yêu Thiên Chúa xuống thế làm người để nuôi dưỡng ta và dẫn ta vượt biển trần gian trên đường về quê trời.  Ta hãy hiện diện trong khung cảnh Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để chiêm ngưỡng cung cách của Người.  Từ ánh mắt cho đến lời nói của Chúa, hết thảy đều nói lên nỗi lo lắng thương yêu Người dành cho đám dân chúng đang mệt nhọc vì đói khát.  Người không chỉ nhìn thấy một đám đông lũ lượt theo Người vì ngưỡng mộ, nhưng là một đám đông khao khát được biết phải làm gì để sống cho đúng với ước mong của Cha trên trời.  Người cũng lợi dụng chính cơ hội này để dạy các môn đệ bài học yêu thương chăm sóc anh chị em.  Vì thế, Người đã gợi ý cho ông Phi-líp-phê:  “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”  Nói như vậy là vì Người mời gọi các môn đệ hãy mở lòng nhận ra những nhu cầu và thiếu thốn của người khác.  Trước gợi ý của Chúa, mỗi môn đệ có một sáng kiến riêng.  Ông Phi-líp-phê thì thực tế tính toán, để cuối cùng đi tới câu trả lời là đành bó tay.  Nhưng thật là may mắn, vì ông An-rê đưa ra một giải quyết của lòng tin khi ông nói với Chúa:  “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”.  Rồi ông cũng làm một bài toán giống như ông Phi-líp-phê:  “Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”  Chắc là ông An-rê tin rằng việc còn lại phải làm là thuộc quyền năng của Chúa Giê-su.  Đúng vậy, Chúa Giê-su đã nhập cuộc và làm phần thuộc về Người.  Phép lạ hóa bánh ra nhiều là do quyền năng của Thiên Chúa, nhưng Người cũng muốn bàn tay con người của ta góp phần vào phép lạ của tình Chúa chăm sóc yêu thương.

          Cũng giống như trong phép lạ ngôn sứ Ê-li-sa, dân chúng ăn no nê mà bánh vẫn còn dư.  Bánh còn dư nói lên sự phong phú đầy tràn của tình yêu Thiên Chúa chăm sóc ta.  Chúa Giê-su dạy các môn đệ hãy thu nhặt những miếng thừa “kẻo phí đi”.  Tình yêu Thiên Chúa ta nhận lãnh là để sinh ích lợi cho ta và cho những người khác, chứ không phải để phung phí đi một cách vô ích.  Về điểm này, chắc chắn mỗi người đều phải xét mình.  Ta lãnh nhận tình yêu và sự chăm sóc của Chúa nhiều không kể xiết, từ vật chất cho đến tinh thần.  Nhưng ta cũng phải thú nhận rằng mình đã phung phí những ơn lành của Chúa một cách vô bổ.  Ta đã phí phạm thì giờ, tiền bạc, đồ ăn thức uống quá đáng.  Một thí dụ, mỗi lần đi ăn tiệc cưới ở Hoa-kỳ, ta thấy những người hầu bàn đổ đi bao nhiêu đồ ăn đắt tiền vào thùng rác.  Nhưng liệu ta có tự hỏi:  Nếu như những người nghèo đói có được những đồ ăn dư thừa kia thì họ sung sướng biết mấy?  Chính vì thế, Chúa Giê-su cũng muốn nhắc nhở ta hãy chia sẻ tình thương của Chúa với anh chị em, kẻo phí đi tình thương Người đã dành cho ta.

 

3.  Sống tình yêu thương chăm sóc lẫn nhau (bài đọc Tân Ước – Ê-phê-xô 4:1-6)

 

          Bài học Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải biết nhận ra những nhu cầu của anh chị em và giúp đỡ họ đã được thánh Phao-lô lập lại và ngài xin anh chị em tín hữu Ê-phê-xô hãy thực hành trong đời sống cộng đoàn.  Trước hết, ngài khuyên họ hãy sống theo “ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho họ”.  Đúng vậy, Thiên Chúa đã kêu gọi họ bỏ lối sống của thế gian để sống lối sống Ki-tô, tức là sống “khiêm tốn, hiền từ , nhẫn nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, duy trì sự hiệp nhất bằng cách thuận hòa gắn bó với nhau”.  Nói tóm lại, Thiên Chúa kêu gọi họ hãy sống theo gương Chúa Ki-tô mà yêu thương chăm sóc cho anh chị em.

          Lý do tại sao ta phải sống như vậy là vì ta là thân thể Chúa Ki-tô, chia sẻ cùng một niềm tin và một niềm hy vọng, hành động theo cùng một Thần Khí là tinh thần của Chúa Ki-tô và làm con cùng một Cha trên trời.  Chúa Giê-su là người Anh Trưởng đã sống yêu thương chăm sóc cho các em thế nào, ta cũng phải theo gương Người mà sống như vậy.  Ta bắt chước Người, ngước mắt lên để nhìn thấy anh chị em chung quanh đang thiếu thốn, chứ không chỉ nhìn vào mình để nuôi thêm tính ích kỷ và để thấy ta là trên hết.  Ta không phí tình yêu Chúa dành cho ta, nhưng sử dụng nó để phục vụ, giúp đỡ anh chị em.  Một cái bánh lúa mạch hay một con cá nhỏ, đối với ta có lẽ chẳng đáng là bao, nhưng đối với anh chị em thiếu thốn lại có giá trị hết sức lớn lao.  Chúa sử dụng những hy sinh, chia sẻ nhỏ bé ấy của ta để Người thực hiện những phép lạ phi thường.  Phép lạ bánh và cá hóa nhiều cần phải được tiếp diễn ở ngay tại nơi và ngày giờ ta đang sinh sống, nếu ta nhận biết mình là một chi thể đích thực của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Bài học ngôn sứ Ê-li-sa dạy cho tiểu đồng của ông cũng như bài học Chúa Giê-su dạy các môn đệ yêu thương và chăm sóc dân chúng đã cho ta cơ hội nhìn lại thái độ của ta đối với những người anh chị em thiếu thốn cùng khổ đang cần đến sự giúp đỡ của ta.  Tình yêu thương của Chúa thật bao la vô bờ.  Nhưng tình yêu ấy cần phải được chuyên chở qua chúng ta là những người làm môn đệ Chúa Ki-tô.  Ta đem tình thương của Chúa đến cho anh chị em, không chỉ qua những giúp đỡ vật chất, nhưng còn là những an ủi, khích lệ hay nâng đỡ tinh thần và tâm lý nữa.  Trái tim yêu thương và nhậy cảm của Chúa Giê-su trước đám dân chúng thiếu thốn và đói khát cũng phải là trái tim của ta, những Ki-tô hữu đích thực hôm nay vậy.

 

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-xô “hãy sống cho xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban”.  Vậy “ơn gọi” Thiên Chúa đã ban cho tôi là gì?  Và tôi đã sống thế nào theo ơn gọi ấy?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, không có chi thánh thiện;  xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con được gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 17 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

         

                      

                  

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B