Chúa Nhật XXII Thường Niên B

Từ Tâm Hồn Con Người

Mc 7:1-8a. 14-15. 21-23: 1 Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.

14 Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”.

21 “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

 

 

Đoạn tin mừng 7:1-23 là một trong bốn phần liên quan đến những hoạt động cuối cùng của Chúa Giêsu tại Galilêa và vùng lân cận (6:6b-8:26): Sứ mệnh của các môn đệ (6:6b-32); Đi trên mặt nuớc (6:33-56); tranh luận về luật trong sạch và ô uế (7:1-23); và  chữa lành nguời mù (7:26-8:26). Đoạn 7:1-23 có thể được phân chia như sau: 1- Nguồn gốc của cuộc tranh luận (7:1-5); 2- Câu trả lời của Chúa Giêsu cho các đối thủ của Người (7:6-13); rồi cho dân chúng (7:14-15); sau cùng là cho các môn đệ của Người (7:17-23).

 

Các luật sĩ và kinh sư thắc mắc với Chúa Giêsu về hành vi của các môn đệ của Người; người thầy thường chịu trách nhiệm về hành vi của môn đệ của mình. Vấn đề họ đưa ra không liên quan đến vệ sinh, mà đến sự tinh sạch theo nghi thức đòi hỏi. Theo họ, tương quan với Thiên Chúa lệ thuộc vào việc tuân giữ những điều khoản đã được qui định trong truyền thống. Ai bỏ qua hoặc vi phạm chúng là tự đặt mình chống đối Thiên Chúa. Câu hỏi họ đặt ra liên quan đến tương quan của Chúa Giêsu và môn đệ của Người với Thiên Chúa.

 

Câu trả lời của Chúa Giêsu rất cứng cỏi (7:6-13). Hai câu lời Chúa được trích dẫn: một của Isaia 29:13, rồi đến phần chính của Thập giới Xh 20:12; Dnl 5:16. Trong câu trích dẫn thứ nhất, Chúa Giêsu nói đến tương quan của các kinh sư với Thiên Chúa. Trọng tâm của cáo giác nầy nói là họ đã cố tình cắt nghĩa sai giới răn của Thiên Chúa và cố chấp giữ truyền thống của con người (7:8-9). Trong Is 29:13 Thiên Chúa nói đến cách thức dân chúng tôn thờ Người. Chúa Giêsu xem điều nầy đang được thực hiện nơi các đối thủ của Người. Họ thờ phượng Thiên Chúa chỉ bằng môi miệng; họ chẳng đặt tâm hồn vào đó. Luật các luật sĩ đưa ra dựa trên Lv 15:11, trong khi đối với Chúa Giêsu, không có gì do Thiên Chúa tạo dựng, tự nó là ô uế (7:19). Giới răn chính Chúa Giêsu dạy đòi hỏi con người yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn (Dnl 6:5; Mc 12:30.33). Người nhấn mạnh tâm hồn là nơi quyết định sự tốt cũng như sự xấu xa của con người. Sau khi định nghĩa cách thức họ tôn thờ Thiên Chúa, Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ (7:9-13) và kết luận rằng đây chỉ là một trong những trường hợp, và Người lập lại là họ bỏ qua giới răn của Thiên Chúa (7:8.9.13).

 

Sau khi phê bình các đối thủ, Chúa Giêsu ngỏ với dân chúng. Người kêu gọi họ lắng nghe Người, chứ không phải các kinh sư và hãy hiểu điều Người sắp nói. Người nhấn mạnh tâm hồn, trong tương quan với Thiên Chúa, như là trung tâm của sự hiểu biết, cảm giác và ước muốn. Thức ăn không thêm gì hoặc đụng chạm đến tâm hồn; do đó mọi thức ăn đều tinh sạch (7:18-19). Điều được tuyên bố đối với thức ăn, thì cũng có giá trị đối với những chuyện bề ngoài: việc tẩy rửa, điều kiện thể lý, tiếp xúc với người chết, người phong hủi, với người ngoại giáo, ...Tất cả những điều nầy không làm cho con người ra ô uế và không cản trở tương quan với Thiên Chúa. Giáo huấn nầy đã được chuẩn bị bởi những hành vi Người đã thực hiện: chạm đến người bị phong hủi (1:41), ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi (2:15-17), để cho người phụ nữ bị băng huyết chạm đến gấu áo mà không phản đối (5:25-34). Với giáo huấn nầy (7:15.18-19) Chúa Giêsu muốn sửa lại không chỉ các qui định về luật tinh sạch của các kinh sư, mà cả Luật đã được ghi trong Lêvi 11-15, nói về thú vật tinh sạch và ô uế, (cf. Dnl 14:3-21), về người phong hủi, về các trường hợp tính dục khác nhau.

 

Con người chỉ nên ô uế bởi điều phát xuất từ bên trong, mà nguồn gốc của nó nằm trong tâm hồn (7:20-23). Mọi sự xấu bắt đầu bởi những tư tương xấu của tâm hồn. Chúa Giêsu liệt kê những điều xấu chống lại Thiên Chúa và con người (7:20-23). Ngoài những điều đã được nói đến trong Thập giới, Marcô còn thêm một số khác. Những điều ông liệt kê sau cùng: phạm thượng, kêu ngạo và ngông cuồng rất có thể qui chiếu trước hết mọi sự đến tương quan với Thiên Chúa. 

 

Ai mở lòng ra cho ý muốn của Thiên Chúa và hướng tâm hồn về với Người, người ấy là trong sạch, làm đẹp lòng Người và được gắn bó với Người.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B