Chúa Nhật 24 mùa Thường niên

 

          Phụng vụ Lời Chúa trước đây đã tường thuật những việc làm và lời giảng của Chúa.  Hôm nay, các bài đọc hướng đến những người nghe Chúa và nói về đức tin của họ.  Đức tin của người Tôi trung trong Cựu Ước và của ông Phê-rô trong Tân Ước đều là những thí dụ điển hình để ta có những ý niệm phong phú về lòng tin ta.  Tuy nhiên đức tin không phải là mớ lý thuyết suông, mà phải được thực hành trong cuộc sống.  Đó cũng là điều thánh Gia-cô-bê Tông đồ nhấn mạnh qua bài đọc hai.

 

1.  Đức tin của người Tôi trung:  “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (bài đọc Cựu Ước – I-sai-a 50:5-9a)

 

          Vì có lòng tin vững vàng vào Thiên Chúa nên người Tôi trung mới dám thách thức như vậy.  Đây là bài thứ ba trong loạt bài ca người Tôi trung trong sách ngôn sứ I-sai-a.  Gọi là người Tôi trung, vì người ấy luôn trung thành đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa.  Niềm tin ấy giúp họ biết nhận ra những điều Thiên Chúa làm cho mình và sẵn sàng thi hành những gì Chúa muốn.  Niềm tin cũng là sức mạnh để nhờ đó họ có thể đương đầu với tất cả những khó khăn, thậm chí những bách hại cũng không làm họ nao núng chút nào.  Vậy Thiên Chúa đã làm gì cho người Tôi trung?

          Trước hết, Thiên Chúa “mở tai” cho người Tôi trung.  Mở tai là để họ có thể lắng nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.  Tuy nhiên người Tôi trung vẫn có tự do trước lệnh truyền của Người, hoặc đón nhận, hoặc cưỡng lại hay từ chối.  Ở đây niềm tin vững mạnh khiến người Tôi trung đặt lệnh truyền của Chúa lên trên hết và quyết tâm thi hành.

          Khi người Tôi trung bị thử thách và bách hại, niềm tin ấy là động lực giúp họ can đảm ứng phó với mọi hoàn cảnh.  Cử chỉ “đưa lưng cho người ta đánh đòn”, “giơ má cho người ta giật râu” và “không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” diễn tả thái độ bình tĩnh và tự chủ, là những đặc nét của niềm tin lớn lao nơi Thiên Chúa.  Để làm vinh danh Chúa, người Tôi trung chấp nhận cả những điều bất công đáng lẽ họ có thể phản kháng.  Đối với người Tôi trung, sự phù trợ của Thiên Chúa là một thực tại rõ ràng và tuyệt đối.  Không gì có thể làm cho họ mất xác tín vào sự phù trợ ấy.  Mối nguy hiểm lớn lao nhất của người Tôi trung là phải làm chứng cho công lý.  Nhưng có Thiên Chúa là “Đấng tuyên bố rằng họ công chính và ở kề bên họ” nên họ không sợ bất cứ ai kết tội họ.

          Nhưng người Tôi trung đó là ai?  Chính là Chúa Giê-su Ki-tô.  Trong suốt cuộc sống trên trần gian từ khi xuống thế làm người, thi hành sứ vụ cứu độ cho tới lúc chết trên thập giá, Chúa Giê-su đã sống trọn vẹn những gì ngôn sứ I-sai-a nói về Người.  Người là mẫu gương đức tin vào Thiên Chúa.  Người rao giảng và chữa lành trong sự trung thành với sứ mệnh Thiên Chúa đã trao phó.  Đức tin của Người biểu lộ hùng hồn nhất vào những giờ phút bi thảm của cuộc Thương khó.  Sự trung thành đã đem lại cho Người sự phục sinh và vinh quang vĩnh cửu bên hữu Thiên Chúa Cha.

 

2.  Đức tin vào Chúa Ki-tô của người môn đệ  (bài Tin Mừng – Mác-cô 8:27-35)

 

          Như Chúa Giê-su đã tin vào Chúa Cha thế nào, ta cũng phải tin vào Chúa Giê-su như vậy.  Trong cuộc đào tạo môn đệ, Chúa Giê-su lúc nào cũng ưu tư về đức tin của các môn đệ vào Người.  Người muốn mặc khải cho họ biết dần dần về Người.  Sách Tin Mừng Mác-cô có lối trình bày rât độc đáo về chân tính của Chúa Giê-su.  Người ta quen gọi đó là “bí mật Đấng Mê-si-a.  Từ khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho đến lúc chết trên thập giá, Chúa Giê-su luôn luôn cấm người được chữa lành không được nói về Người.  Ngay cả trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi ông Phê-rô tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô”, Chúa Giê-su cũng “cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người”.  Chân tính của Chúa Ki-tô chỉ được tiết lộ khi “viên đại đội trưởng đứng đối diện với Chúa Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: ‘Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.

          Theo câu truyện Tin Mừng hôm nay về việc ông Phê-rô tuyên xưng đức tin, ta có thể nhận ra một số nét chính về đức tin.  Tin nghĩa là nhìn nhận phẩm giá của người mình muốn tin.  Tin vào Chúa Giê-su có nghĩa là nhận biết Chúa là Đấng nào và sứ mệnh của Người là gì.  Chính vì hai điểm này, đức tin mở đầu với câu hỏi “người ta nói Thầy là ai?”  Trả lời cho câu hỏi trên, đức tin đòi hỏi việc nhìn nhận chân tính của Chúa Giê-su phải là nhìn nhận của riêng cá nhân, chứ không thể do những điều nghe người này người kia nói.  Do đó, Chúa Giê-su mới hỏi môn đệ:  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Sự nhìn nhận này nảy sinh từ đáy tâm hồn của từng người.  Đức tin không thể là điều vay mượn của người khác, nhưng là khởi đầu cho một mối quan hệ giữa ta với Chúa.  Quan hệ này sẽ đưa ta đi khám phá thêm con người, đạo lý và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Đây chính là điều ông Phê-rô và các bạn chưa biết hoặc không muốn biết.  Nói khác đi, đức tin giúp ta tìm hiểu và nhìn nhận sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Để bổ túc cho thiếu sót rất lớn lao này, Chúa Giê-su “bắt đầu dạy cho các ông biết:  Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.  Vừa nghe vậy, ông Phê-rô phản kháng, chẳng muốn nhìn nhận một thứ sứ mệnh không đáp ứng với mong mỏi của ông và các bạn.  Đối lại, Chúa Giê-su còn phản kháng mạnh hơn, cốt để khắc phục các ông phải nhìn nhận cả điều đi ngược lại mong muốn của mình.  Người mắng ông là thứ kỳ đà cản mũi, không muốn đi theo đường lối Thiên Chúa và bắt chước Người làm Tôi trung của Thiên Chúa.  Như vậy, điều cốt yếu về đức tin là phải tùy thuộc vào phẩm giá của Chúa chứ không phải tùy thuộc vào điều ta mong mỏi, hoặc đức tin là ta tùy thuộc vào Chúa chứ không phải Chúa tùy thuộc vào ta.

          Một điều nữa vô cùng quan trọng về đức tin, là đức tin không là điều nằm trong trí óc, nhưng được thể hiện bằng đời sống và việc làm.  Nhận biết chân tính và sứ mệnh của Chúa chưa đủ, ta còn phải đi theo Chúa.  Điều này Chúa Giê-su thẳng thắn cho biết cái giá đắt khi ta theo Người.  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8:34).  Đức tin trở nên nguyên lý sự sống đời đời.  Sự sống đời này và sự sống đời đời là hai thực tại khác nhau, nhưng lại liên hệ chặt chẽ với nhau.  Đức tin trong sự sống đời này là điều kiện phải có để được sự sống đời đời.  Mà trong cuộc sống đời này, đức tin sẽ gặp nhiều thử thách như vàng thử lửa, luôn đòi hỏi ta sẵn sàng “liều mất mạng sống mình vì Chúa và vì Tin Mừng”.  Chúa Giê-su không ngại gọi việc liều mất mạng sống đời này như phương thức duy nhất để “cứu được mạng sống đời sau”.  Ta mới chỉ liều mất mạng sống vì đức tin, còn Chúa Giê-su thì đã thực sự mất mạng sống vì lòng tin vào Thiên Chúa và nhân loại.  Người đã trả giá đắt cho lòng tin vào tình yêu Chúa Cha và nhân loại.  Vì mất mạng sống do tin yêu nên Người đã được phục sinh và đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. 

 

3.  Đức tin không có hành động là đức tin chết  (bài đọc Tân Ước – Gia-cô-bê 2:14-18)

 

          Thánh Gia-cô-bê đi vào thực tế khi ngài quả quyết:  Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết.  Đức tin chết đâu có gây được tác động gì, khác chi cái xe hỏng máy nằm ụ một chỗ và không thể chuyên chở ta đi nơi này nơi kia.  Ngài lập lại ý tưởng của Chúa Giê-su về chức năng của đức tin là “cứu mạng”.  Thực tế hơn nữa, ngài dùng hình ảnh người anh chị em của ta sống trong hoàn cảnh thiếu thốn và cần đến sự giúp đỡ của ta để áp dụng vào việc sống đức tin.  Hành động vì đức tin của ta trong hoàn cảnh này là quảng đại giúp đỡ người anh chị em ấy.  Hành động là dấu chỉ nói lên đức tin sống động.  Ta giúp đỡ anh chị em là vì ta tin lời Chúa dạy ta sống bác ái và thương yêu anh chị em như chính mình.  Ta cho anh chị em túng đói cơm ăn áo mặc là vì ta thực hành điều Chúa dạy:  “Ta bảo thật các ngươi:  mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 26:40).  Thánh Gia-cô-bê quả quyết không thể chứng minh đức tin khi không được biểu lộ bằng hành động.  Trái lại khi ta hành động thì hành động đó sẽ cho người khác thấy động lực khiến ta hành động là vì có đức tin.  Một thí dụ cụ thể:  hành động ta cho anh chị em túng thiếu ăn khi họ đói, áo mặc khi họ lạnh nói lên rằng ta tin có Chúa nơi anh chị em và họ cùng với ta đều là con cái Thiên Chúa.

          Có lẽ việc tách rời đức tin với hành động là điều rất thường thấy nơi nhiều Ki-tô hữu.  Chính vì họ tách rời như vậy nên đời sống của họ có hai phạm trù riêng biệt.  Họ tưởng hành động của đức tin là đọc kinh cho to, xem lễ cho nhiều, rước sách cho linh đình…  Nhưng ra khỏi nhà thờ, hết kinh hết lễ thì đời sống họ vẫn giậm chân tại chỗ, không thêm được một chút tình thương nào đối với những người đói khổ túng thiếu, trái tim họ không hề rung động trước cảnh khốn khó của anh chị em.  Cây đức tin của họ khô cằn, thiếu sự sống, nên không sinh được hoa trái nào.  Thánh Gia-cô-bê mô tả đức tin hết sức đơn sơ, một đức tin sống hay là chết, nhưng lại là hình ảnh thực tế đòi hỏi mỗi người phải xét lại đức tin của họ.

 

4.  Sống đức tin

 

          Đề tài đức tin của Lời Chúa hôm nay không phải là một bài thần học hoặc giáo lý cao siêu, nhưng nằm ngay trong kinh nghiệm cuộc sống của người Tôi trung, của thánh Phê-rô và thánh Gia-cô-bê cũng như của mọi người muốn làm môn đệ Chúa Ki-tô.  Đức tin hệ tại tâm hồn quyết tâm gắn bó với Chúa và sống theo điều Người dạy.  Tin vào Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã suốt đời sống theo “tư tưởng” hoặc đường lối của Chúa Cha.  Cũng vậy, nếu ta tin vào Chúa Giê-su, ta cũng phải uốn nắn đời sống ta theo khuôn mẫu đời sống của Người, sống vì Người và vì Tin Mừng.

 

Suy nghĩ:  Thánh Gia-cô-bê viết:  “Tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin”.  Vậy để chứng tỏ cho những người chung quanh thấy tôi là người có đức tin, tôi phải có những hành động nào?  Đối với những người trong gia đình?  Trong sở làm?  Trong cộng đoàn?  Những hành động ấy nói lên điều gì nơi tôi?

 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa hằng hữu là Cha chúng con, xin cho lòng chúng con luôn hướng về với Chúa Ki-tô, để khi quyết tâm làm môn đệ Người như việc quan hệ nhất trong đời, và lấy tình bác ái phục vụ anh chị em, chúng con hoàn toàn hiến thân phụng thờ Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi                  


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B