CHIỀU KÍCH TIN MỪNG

TRONG THẾ GIỚI MỚI

Chúa Nhật 3 B Thường niên

 

Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam loan tin một thành viên “phong chức linh mục”. Còn anh em sinh viên lại cho biết một trong anh em sắp “lãnh thừa tác vụ linh mục”. Ai đúng, ai sai ? Có lẽ quan niệm “phong chức linh mục” sẽ đẩy tới lối sống tách biệt và quan cách. Trái lại, quan niệm “lãnh thừa tác vụ linh mục” đi sát với Tin Mừng hơn.

Tin Mừng đang vẽ ra một chiều kích phổ quát và sâu sát với nhu cầu của những người nghèo khổ. Sống cách biệt làm sao có thể biết đến việc phục vụ như Tin Mừng đòi hỏi ? Bởi thế Tin Mừng hôm nay muốn “anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:14), để ngày càng thu ngắn khoảng cách giữa sứ vụ và thực tế cuộc sống.

TIN MỪNG MỜI GỌI

Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng tại Galilê vào một thời điểm rất thích hợp.  Đã đến lúc Thiên Chúa muốn thực hiện lời hứa. Thực vậy, “thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”(Mc 1:15). Nghĩa là, kế hoạch Thiên Chúa gồm nhiều giai đoạn liên tục (1 V 8:24; Kn 8:8; Cv 1:71). Bây giờ đã đến giai đoạn chót phải hoàn thành Thánh Kinh (Mt 1:22) Lề luật (Mt 5:17h) và giao ước xưa (Mt 9:17; 26:28h; Rm 10:4; 2 Cr 3:14-15; Dt 10:1,14) (x.The Jerusalem Bible 1990:1661).

Giữa lúc dân Israel mong đợi “Thiên Chúa thiết lập Vương Quyền tại Sion và trải rộng quyền đó trên toàn cõi địa cầu” (Is 24:23; 52:7; Gr 3:17; 8:19; Ed 20:33; Mk 2:13; 4:7; Xp 3:15; Ov 21; Dcr 14:9), Đức Giêsu khẳng định Triều đại Thiên Chúa đã đến nơi bản thân Người (x.Thánh kinh Tân Ước 1995:184). Người xuất hiện như niềm hi vọng lớn lao cho dân tộc Israel và toàn thể nhân loại. Nhưng sứ mạng Người không đóng khung trong lãnh thổ Do thái. Trái lại Người muốn cho mọi người thấy Triều Đại Thiên Chúa vượt xa biên giới trần gian và bao trùm toàn thể vũ trụ. Đó cũng chính là chiều kích Tin Mừng và bản chất sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Bởi thế muốn đóng khung Tin Mừng và mang tính cạnh tranh vào cánh đồng truyền giáo là một bằng chứng rõ ràng của bóng tối trần gian và tham vọng trần tục. Người môn đệ Đức Giêsu không thể đặt quyền lợi của bất cứ tổ chức hay đoàn thể nào trên Tin Mừng.

Đức Giêsu công bố tự do cho người bị áp bức, công lý cho người nghèo và niềm hi vọng cho những ai thất vọng (x.Life Application Study Bible 1991:1727). Bởi đó Lời Chúa trở thành Tin Mừng cho nhân loại, một Tin Mừng phát sinh từ cái chết, sự phục sinh và vinh quang của Đức Giêsu Kitô. Muốn đón nhận Tin Mừng và sống trong Triều Đại Thiên Chúa, con người phải đi vào trong cái chết và ánh vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, nghĩa là phải “sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Đó không chỉ là một nỗ lực nhân loại, nhưng là hồng ân Thiên Chúa. Đúng hơn, “hối cải bị thu hút vào mầu nhiệm ân sủng hoạt động để cải biến nhân loại và làm cho con người có thể trở thành tạo vật mới” (Fragomeni 1993:230). Phải hối cải mới phá tung được tất cả giới hạn của thân phận con người bằng sức mạnh ân sủng.

Triều Đại Thiên Chúa và Tin Mừng là những thực tại cao cả và năng động trong một thế giới mới. Không sám hối, làm sao có đủ khả năng nhìn và thấy được tất cả nét kỳ diệu trong những thực tại Thiên Chúa ? Chính vì thế những ai được kêu gọi đều phải trải qua một cuộc biến cải sâu xa. Chỉ cần theo Đức Giêsu, các môn đệ sẽ thấy phải biến đổi tới mức nào cho xứng hợp với chiều kích Tin Mừng trong thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa. “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mc 1:17) Từ việc “lưới cá” sang “lưới người”, các ông đã đạt tới một chiều kích lớn lao hơn cuộc sống bình thường. Không sám hối không thể vượt thoát khỏi chiều kích gò bó của cá nhân, xã hội hay quốc gia. Nhưng làm sao sám hối, nếu không tin ? Bởi đấy “tin vào Tin Mừng”, tức là tin vào chiều kích phổ quát của Triều Đại Thiên Chúa, là điều kiện tất yếu để tham gia vào công cuộc Phúc Aâm hóa thế giới.

Các ông theo Chúa cách dứt khoát, toàn diện và hoàn toàn. “Lập tức hai ông (Anrê và Simon) bỏ chài lưới mà đi theo Người”(c.18). Còn “các ông (Giacôbê và Gioan) bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (c.20). Nói thế không có nghĩa Chúa chỉ cần gọi các ông một lần là xong. Hình như Chúa còn gọi các ông nhiều lần nữa (Lc 5:1-11; Ga 1:35-42). Nhưng lần nào Tin Mừng cũng nói đến thái độ dứt khoát của các ông : “Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5:11) hay “hai môn đêï liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1:37). Tại sao các ông có thể có một thái độ dứt khoát nhanh chóng như vậy ? Có lẽ nhờ ơn Chúa, các ông đã thấy thời gian quá ngắn, vì “thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”(Mc 1:15) Vì “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối” (Ga 1:5), làm chói mắt đến nỗi các ông không thể ngủ vùi với những thói quen đêm đen nữa. Hơn nữa, chính hoàn cảnh nghèo hèn đã khiến họ cảm thấy nhẹ nhàng bước theo Chúa. Họ không có gì để luyến tiếc, tính toán. Nhu cầu Nước Trời quá lớn. Luyến tiếc sẽ tạo một khoảng trống không sao lấp đầy được.

PHÚC ÂM HÓA THẾ GIỚI

Khi dứt khoát lên đường, các môn đệ đã được trang bị thậït chu đáo. Các ông đã được kêu gọi tại biển hồ Galilê.   Đó là trục lộ giao thương quốc tế. Từ đó các ông có thể phóng tầm nhìn ra khỏi biên giới Do thái. Tin Mừng mang một chiều kích lớn lao hơn bất cứ nền văn hóa nào. Vì thế Tin Mừng có thể đến với muôn dân. Được trang bị bằng chính Tin Mừng, các ông càng phấn khởi khi Thày chí thánh lên tiếng “rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa” (Mc 1:14) để khai mạc “Triều Đại Thiên Chúa” (c.15). Tin Mừng mang chiều kích cánh chung và phổ quát.

Rao giảng Tin Mừng không thể không mang chiều kích Tin Mừng. Muốn thế, “Giáo hội phải tự kiểm thảo, canh tân không ngừng, sẵn sàng sám hối liên lỉ và thật lòng trở về với Đức Kitô.” (Schreiter 1994:365) Chỉ khi nào thực sự sám hối như thế, Giáo hội mới có thể phá vỡ ranh giới chật hẹp của mình và vươn tới chiều kích Tin Mừng như Đức Kitô, nghĩa là có thể gặp gỡ “Thần chân lý đang hoạt động bên ngoài những giới hạn của Nhiệm Thể.”(Redemptor Hominis 1979) Môn đệ Đức Kitô có thể tìm thấy “hạt giống Lời Chúa” trong các tôn giáo khác. Chính ĐGH Gioan Phaolô II đã thiết lập nền tảng thần học cho cuộc đối thoại liên tôn như sứ mạng Giáo hội, khi nhìn thấy các tôn giáo khác nhau “như những phản ánh đa dạng của một chân lý, ‘những hạt giống Lời Chúa’, cho thấy tuy có nhiều đường lối khác nhau, nhưng chỉ có một mục đích độc nhất đáp ứng ước vọng sâu xa nhất của lòng người khi tìm kiếm Thiên Chúa và khi đi tìm chiều kích sung mãn cho nhân loại” (Redemptor Hominis, ch.11).

Hiện nay trên thế giới có 2 tỉ Kitô hữu, gồm Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo và Tin lành. Tất cả đều tin Chúa Kitô và mong làm chứng về Người một cách hữu hiệu nhất.   Bởi thế, tự thâm tâm mọi người đều muốn hiệp nhất để thực hiện ước nguyện của Thày chí thánh. “Thực vậy, việc tái hiệp nhất các người đã được thanh tẩy thực sự là một hồng ân Thiên Chúa, chứ nỗ lực con người mà thôi không đủ đem lại kết quả đó. Nhưng khi các Kitô hữu đến với nhau, coi nhau như anh em, cộng tác để làm vơi đi những đau khổ, và cầu nguyện cho sự hiệp nhất, họ đang góp phần chiếu sáng dung nhan và vinh quang Chúa Kitô.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 19/01/03)   Từ đó, Kitô hữu có thể vượt lên trên mọi biên giới.

Đã đến lúc người môn đệ Đức Kitô phải nhìn thấy tất cả chiều kích lớn lao của Tin Mừng trong thế giới mới. Mặc dù “bộ mặt thế gian này đang biến đi,” (1 Cr 7:31) nhưng vẫn còn những giá trị tồn tại với sức mạnh Tin Mừng. Công cuộc Phúc Aâm hóa và Tân Phúc Aâm hóa phải lên kế hoạch gấp rút, vì “thời gian chẳng còn bao lâu”(c.29) và “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Mc 1:15)

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B