Chúa Nhật 6 Thường niên

Năm B (2009)

 

          Từ xưa tới nay, phong hủi là thứ bệnh nan y và hay lây, nên người bệnh bị cô lập và phải sống tách biệt với cộng đồng.  Bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng hôm nay không chỉ đề cập tới bệnh phong hủi thể xác và phép lạ Chúa chữa lành một người phong hủi, nhưng còn cho ta một dịp để suy nghĩ về ý nghĩa của bệnh phong hủi thiêng liêng, căn bệnh ta thường mắc phải do tội lỗi.

1.  Hậu quả của bệnh phong hủi (bài đọc Cựu Ước – Lv 13:1-2.44-46)

          Những huấn thị của Đức Chúa về cách thức đối xử với người mắc bệnh phong hủi thời ông Mô-sê rõ ràng mang chiều kích cộng đồng.  Tất cả đều nhắm tới việc tách biệt người bệnh khỏi đời sống cộng đồng và những mối quan hệ giữa người bệnh với các phần tử của cộng đồng.  Trước hết người mắc bệnh phải được tư tế A-ha-ron, vị đại diện cho cộng đồng, hoặc một tư tế khác xác định xem có phải người ấy thực sự mắc bệnh phong hủi không.  Những triệu chứng như phát ra nhọt, lác hoặc đốm chưa hoàn toàn đã là bị bệnh phong hủi.  Nhưng nếu vị tư tế sau khi xem xét và xác nhận là bệnh phong hủi, ông sẽ tuyên bố người bệnh ấy là ô uế, có nghĩa là họ phải sống biệt lập với cộng đồng.  Quyết định đó không chỉ mang tính cách vệ sinh thường thức, nhưng còn phảng phất mầu sắc tôn giáo hoặc luân lý.  “Ô uế” đã trở thành đối tượng của nghi thức thanh tẩy.  Thí dụ, trước khi ăn, người ta phải rửa tay.  Điều này trở thành truyền thống mang ý nghĩa tôn giáo hơn là nhắm mục đích vệ sinh.  Đối với người mắc bệnh phong hủi cũng vậy, họ bị tư tế tuyên bố là “ô uế” để cho mọi người khác phải đề phòng, phải tránh cho xa.  Do đó quyết định có vẻ khá tàn nhẫn, càng làm cho người bệnh dễ lâm vào tình trạng tuyệt vọng, nếu không nói là hận thù xã hội nữa.

          Bị loại ra khỏi cộng đồng đã là nỗi đau khổ lớn lao, người bệnh phong hủi còn phải tự mình mang những dấu hiệu nói cho người khác biết mình mắc bệnh mà tránh xa.  Thí dụ phải mặc áo rách, xõa tóc, bị râu và la lên:  “Ô uế!  Ô uế!”  Như thế chẳng khác gì tự chuốc thêm nỗi sỉ nhục cho mình.

          Tuy nhiên, hình ảnh một người phong hủi phải chấp nhận những luật lệ khắt khe loại họ ra khỏi cộng đồng lại là hình ảnh thích hợp để diễn tả một người mắc bệnh phong hủi tâm hồn do tội lỗi.  Tuy bề ngoài họ vẫn là một phần tử của Hội Thánh, sống giữa cộng đồng Ki-tô, nhưng mối quan hệ với Chúa và Hội Thánh đã bị cắt đứt hoặc tổn thương trầm trọng.  Đối với người bệnh phong hủi, cơ may được trở lại với đời sống cộng đồng rất họa hiếm và họ phải chết trong cô đơn cách biệt cộng đồng.  Nhưng đối với người tội lỗi, họ luôn có thể được hòa giải với Chúa và Hội Thánh, nối lại mối quan hệ đã đứt nhờ thành tâm lãnh nhận Bí tích Giải tội.  Chúa Giê-su đã chết trên thập giá để chiến thắng tội lỗi.  Người thiết lập Bí tích Giải tội để tiếp tục chiến thắng ấy trong đời sống thiêng liêng của mỗi Ki-tô hữu, để chữa lành người mắc bệnh phong hủi thiêng liêng.  Phép lạ Chúa Giê-su chữa lành người phong hủi trong câu truyện Tin Mừng hôm nay là hình bóng Chúa chữa lành tâm hồn phong hủi của các Ki-tô hữu thành tâm thống hối và lãnh nhận Bí tích Giải tội.

2.  Chúa Giê-su nói với ta:  “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” (bài Tin Mừng – Mc 1:40-45)

          Có nhiều chi tiết trong câu truyện khiến ta suy nghĩ, về những hành vi của người mắc bệnh phong cũng như về phong cách của Chúa Giê-su.  Tuy nhiên ta hãy chú tâm vào con người Chúa Giê-su để chiêm ngưỡng lòng nhân từ yêu thương của Người.  Ta cứ tưởng tượng một người mặc áo rách, tóc xõa, hàm râu được bịt kín, chạy thẳng đến trước mặt Chúa Giê-su.  Lúc ấy, các môn đệ và dân chúng xung quanh Chúa vội vàng dạt ra để tránh người phong hủi, thì Chúa lại tiến đến gần người ấy để đón tiếp anh ta.  Chắc Chúa cũng chẳng câu nệ gì “luật thanh tẩy”, đưa vòng tay đón lấy anh hoặc nâng anh dậy.  Người phong hủi muốn tôn trọng Chúa hoặc hoàn toàn phó thác số phận trong tay Người, nên anh thưa Chúa:  “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.  Chắc chắn anh không nghi ngờ quyền năng của Chúa, mà chỉ xin Người dủ lòng thương.  “Nếu Ngài muốn” có nghĩa là “Nếu Ngài thương xót con” mà thôi.  Và Chúa Giê-su đã khẳng định:  “Tôi muốn”, hoặc “Thầy thương anh lắm”.  Chúa Giê-su bao giờ cũng “chạnh lòng thương” và cử chỉ giơ tay đụng vào người bệnh phong hủi là dấu biểu lộ lòng thương của Người.

          Không những Chúa Giê-su chữa lành bệnh phong hủi thể xác, nhưng Người còn lo lắng cả đến tình trạng tinh thần hoặc tâm hồn của anh ta nữa.  Người căn dặn anh hãy làm những gì luật Mô-sê đã truyền sau khi anh được khỏi.  Người biết nỗi khổ tâm của anh bao lâu nay bị loại trừ khỏi cộng đồng.  Giờ đây anh cần phải làm những gì giúp anh phục hồi quyền làm một phần tử của cộng đồng.

          Những cử chỉ ân cần và chăm sóc của Chúa dành cho người bệnh phong hủi đến với Người thực sự là bảo đảm cho tất cả những ai cần được chữa lành những vết thương phong hủi tâm hồn.  Nhiều khi ta đi xưng tội, nhưng lại thiếu cảm nhận và lòng tin đối với lòng yêu thương chăm sóc Chúa dành cho ta.  Có lẽ ta không nghe được lời yêu thương của Chúa nói với ta:  Ta muốn, con hãy được sạch, hoặc:  Con hãy trở về với cộng đoàn, với gia đình, với anh chị em và hòa mình vào những sinh hoạt thánh thiện ở đó… Ta có thể gặp gỡ Chúa ở bất cứ đâu, giống như dân chúng và những người bệnh tật có thể đến với Chúa “ở trong thành” hay ở cả “những nơi hoang vắng ngoài thành”.  Một điều nữa, là người phong hủi được chữa lành đã nhận ra được lòng yêu thương Chúa dành cho anh.  Cũng thế, mỗi lần đến với Bí tích Hòa giải là mội lần ta phải cảm nghiệm được Chúa yêu thương ta như thế nào.

3.  Ta hãy bắt chước Chúa mà yêu thương chăm sóc cho những anh chị em cần được chữa lành  (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 10:31-11:1)

          Thánh Phao-lô muốn dạy ta một bài học:  “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô”.  Kể cũng lạ!  Bình thường có ai dám mở miệng bảo người khác hãy bắt chước mình!  Nhưng ta phải hiểu tâm tình của thánh Phao-lô ở đây.  Với tất cả lòng yêu thương của một người cha thiêng liêng, ngài nói thành thật với tín hữu Cô-rin-tô là con cái tinh thần của ngài, là hãy bắt chước ngài.  Nhưng quan trọng là “bắt chước ngài” để làm điều gì mới được chứ?  Đó là việc ngài “bắt chước Chúa Ki-tô”.  Nghĩa là thánh Phao-lô đơn thuần chỉ muốn nhấn mạnh điều này:  Anh chị em biết đấy, tôi luôn luôn cố gắng bắt chước Chúa Ki-tô trong cuộc sống của tôi, tôi muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”!  Vậy xin anh chị em hãy bắt chước tôi mà làm như vậy, anh chị em hãy trở nên giống Chúa Ki-tô, làm sao để anh chị em sống, nhưng không còn là anh chị em, mà là Chúa Ki-tô sống trong anh chị em.

          Cụ thể với câu truyện Chúa Giê-su thương xót và chữa lành người bệnh phong hủi, ta có thể bắt chước Chúa, tỏ lòng yêu thương đặc biệt đối với những anh chị em cần được chữa lành.  Họ có biết bao vết thương tâm hồn cần được bàn tay nâng đỡ của anh chị em trong cộng đoàn.  Ta đừng mang thái độ khinh khi xa lánh những anh chị em đau khổ ấy.  Trái lại, ta có bổn phận đến với họ, đem ủi an và khích lệ đến cho họ.  Mỗi người chúng ta là bàn tay Chúa sử dụng để chạm tới những vết thương của anh chị em và chuyển tải tình yêu Chúa dành cho ta và cho những anh chị em đó.

4.  Sống Lời Chúa

          Cũng như người mắc bệnh phong hủi bị loại ra khỏi đời sống cộng đoàn, người mắc tội trọng đánh mất ơn thánh hóa và bị cắt lìa khỏi đời sống thiêng liêng với Chúa và Hội Thánh.  Tuy nhiên, nhờ lòng thương xót của Chúa Giê-su là Đầu Nhiệm Thể, ta luôn được mời gọi trở về làm hòa với Thiên Chúa và anh chị em.  Bí tích Giải tội không phải là “phù phép” giúp ta được an tâm và cảm thấy nhẹ nhàng, nhưng là lời gọi yêu thương và dấu chỉ giúp ta nhận biết tình yêu vô bờ của Thiên Chúa.

Suy nghĩ:     Câu truyện Chúa Giê-su chữa lành người mắc bệnh phong hủi đã giúp tôi nhìn thẳng vào con người của tôi và thấy được những gì?  Tôi có dám thưa với Chúa với tất cả tin tưởng, khiêm nhượng và chân thành như người ấy không?  Tôi có bắt chước Chúa trong cách đối xử với những anh chị em cần được chữa lành không?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa là Thiên Chúa giàu lòng nhẫn nại luôn sẵn sàng tha thứ, Chúa dành những thời gian đặc biệt để thi ân giáng phúc cho loài người.  Nhờ đó, muôn dân có thể nhận biết Chúa là Đấng tạo thành và cứu độ sinh linh.  Ước gì chúng con biết nắm lấy thời cơ thuận tiện này mà hăng say đáp lại lời bình an của Chúa, và tích cực cộng tác vào công trình hòa giải muôn loài trong Đức Ki-tô.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho việc hòa giải).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B