CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Sứ mệnh làm chứng nhân đức tin

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:19-31)

          Đức tin đối với mầu nhiệm Phục Sinh là đề tài được suy niệm theo những chiều kích khác nhau trong suốt mùa Phục Sinh.  Với bối cảnh cộng đồng đức tin gương mẫu của các Ki-tô hữu tiên khởi (bài đọc 1), cùng với lời nhắn nhủ của thánh Gio-an về việc tôi luyện đức tin (bài đọc 2), chúng ta thấy rõ ràng ý nghĩa của những lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ là để củng cố đức tin của họ.  Tuy nhiên đức tin không giữ cho riêng mình, mà phải được gieo rắc mọi nơi, để mọi người “tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”.

          Chúng ta có thể tưởng tượng khung cảnh Chúa hiện ra với các môn đệ đang diễn ra trước mắt.  Sau khi được “xem tay và cạnh sườn Chúa, các môn đệ vui mừng vì được thấy Người”.  Rồi Chúa Giê-su chúc bình an và ban Thánh Thần cho họ.  Nhưng quan trọng nhất, Người trao cho họ một sứ mệnh, sứ mệnh “tha tội cho ai thì người ấy được tha, cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”.  Chúa Giê-su đã hoàn tất công cuộc cứu độ bằng cái chết trên thập giá và sống lại từ kẻ chết, để mở đầu thời đại “tha tội” cho nhân loại và làm hòa họ với Thiên Chúa.  Người sắp về với Chúa Cha, nên giờ đây Người trao lại sứ mệnh tha thứ và giải hòa ấy cho các môn đệ tiếp tục.  Do đó muốn được tha tội và được sống đời đời, nhân loại phải chấp nhận điều kiện “tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa”.  Nhưng làm sao kêu gọi người ta tin vào Chúa Giê-su nếu các môn đệ là những người rao giảng không có đức tin ấy trước?

          Câu chuyện Tông Đồ Tô-ma trong bài Tin Mừng hôm nay là một lời kêu gọi các môn đệ hãy tin vào Chúa Phục Sinh.  Quả thực ông Tô-ma không đáng trách, nhưng chỉ đáng tiếc là ông không có mặt lần Chúa hiện ra đầu tiên, để cùng các bạn “xem tay và cạnh sườn” Chúa thôi!  Câu chuyện ông Tô-ma cũng không nhằm nói về “người cứng lòng tin”, mà chỉ là dịp để Chúa Giê-su cho chúng ta biết thêm một mối phúc nữa ngoài Tám mối phúc, đó là “Phúc thay những người không thấy mà tin”.  Không thấy mà tin hoặc không hiểu mà tin, thực sự là một định nghĩa đơn giản nhưng sâu xa về đức tin.  Khi chúng ta không thấy hoặc không hiểu mà tin, điều này có nghĩa là chúng ta đã đề cao giá trị tuyệt đối của Đấng mặc khải cho chúng ta những điều Người muốn.  Chúng ta tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa, không phải vì chúng ta đã thấy Người và nghe Người giảng, nhưng là vì chúng ta nhìn nhận việc Người làm và lời Người giảng là việc làm và giáo lý của chính Thiên Chúa.  Nói tóm lại, tin nghĩa là chúng ta khiêm nhượng nhận biết và chấp nhận uy quyền của Chúa Giê-su và từ đó xây dựng mối tương quan với Người.  Khi ông Tô-ma tuyên xưng đức tin, ông không chỉ nhận Chúa Giê-su là Chúa và Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là Chúa của con và Thiên Chúa của con, nghĩa là Chúa và Thiên Chúa trong tương quan với cá nhân Tô-ma nữa!

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Cũng như các môn đệ Chúa ngày xưa, chúng ta là chứng nhân đức tin hôm nay.  Chúng ta làm chứng cho đức tin Ki-tô trên hai phương diện:  cộng đoàncá nhân.  Là phần tử của Giáo Hội, chúng ta bắt chước những Ki-tô hữu tiên khởi cộng đoàn Giê-ru-sa-lem.  Đức tin vào Chúa Ki-tô đã giúp họ “một lòng một ý” trong đời sống cầu nguyện cho tới đời sống xã hội.  Đức tin sống động của họ đã đưa họ tới việc làm cụ thể, là chăm sóc cho nhau và nhất là quan tâm tới những anh chị em nghèo đói hoặc thiếu thốn.  Về phương diện cá nhân là một Ki-tô hữu, chúng ta lấy đức tin của mình để làm chứng rằng chúng ta “đã được Thiên Chúa sinh ra”, nên cụ thể chúng ta phải sống yêu thương.  Có sống yêu thương giống như Thiên Chúa, chúng ta mới đủ tư cách như thánh Tô-ma, gọi Chúa Giê-su là “Chúa của con” và Chúa Cha là “Thiên Chúa của con”.  Mối phúc thứ chín thật cần thiết cho đời sống chúng ta, để tất cả những gì chúng ta không thể thấy bằng mắt, hiểu bằng trí óc, thì chúng ta có thể thấy bằng con mắt đức tin và hiểu bằng tất cả trái tim.  Sứ mệnh làm chứng nhân đức tin thật là cao cả!

 

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B