CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Chúng ta thuộc về Chúa là Mục Tử nhân lành

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 10:11-18)

          Sự khác biệt giữa Mục Tử nhân lành và người chăn thuê là điều ai cũng có thể nhận thấy dễ dàng.  Đó chính là ở mối tương quan giữa kẻ chăn chiên và đàn chiên.  Chúa Giê-su nêu lên sự khác biệt ấy để minh chứng Người là Mục Tử nhân lành.  Vậy chúng ta hãy xem Chúa nói thế nào về sự khác biệt ấy.

          Trước hết là dung mạo người chăn chiên thuê.   Mối tương quan giữa người chăn thuê với đoàn chiên đặt căn bản trên vấn đề tiền công.  Đó là một nghề nghiệp hoặc một hợp đồng giữa người chủ với kẻ làm thuê.  Người chăn thuê nhận tiền công của chủ để canh giữ đoàn chiên của ông.  Chiên không “thuộc về” anh, cho nên anh ta chỉ cần làm những gì liên quan tới nghề nghiệp, như làm sao giữ chiên khỏi chết đói hoặc bị hư hao.  Con chiên đối với anh chỉ mang giá trị vật chất, đáng giá bao nhiêu đồng, chứ không có giá trị tình cảm.  Vì thế, chiên có gặp nguy hiểm, bị sói ăn thịt…, anh ta cũng chẳng quan tâm.  Chiên “thuộc về” ông chủ, cho nên anh ta không thấy được bổn phận phải chăm sóc bằng sự ân cần và tình thương yêu.  Anh ta sẵn sàng “bỏ chiên mà chạy” khi chúng bị sói vồ, miễn là tính mạng mình khỏi bị nguy hiểm.

          Trái lại, mục tử có một tương quan sống động với đoàn chiên.  Chúa Giê-su không những ví mình là mục tử, mà Người còn thêm vào hình ảnh mục tử ấy hai chữ “nhân lành” để nói về bản thân Người:  “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”.  Người đã dùng nhiều động tác để mô tả mối tương quan giữa Người với đoàn chiên.  Trước hết là một động tác chủ yếu:  Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.  Hy sinh mạng sống là hành vi của tình yêu lớn lao nhất, bởi vì “không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu của người sẵn sàng thí mạng sống mình vì người mình yêu”.  Đoàn chiên phải mang giá trị tình cảm lớn lao nhất đối với Mục Tử thì Mục Tử mới dám sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.  Tình yêu lớn lao nhất của Mục Tử nhân lành nói ở đây đã được diễn tả bằng một động từ quen thuộc trong Tin Mừng Gio-an:  đó là “biết”.  Biết không phải bằng trí óc, nhưng là bằng trái tim.  Tương quan Mục Tử với chiên là yêu thương.  “Tôi yêu thương chiên của tôi và chiên của tôi yêu mến tôi”.  Ngoài ra, Chúa Giê-su còn đề cập đến hai đặc điểm của tình yêu Người dành cho đoàn chiên.  Đặc điểm thứ nhất là “phải đưa những chiên khác không thuộc ràn này” về, nghĩa là phải đứa mọi người về nhận biết Thiên Chúa và ở trong đoàn chiên của Chúa Cha.  Tình yêu đích thực không chỉ giới hạn dành cho một số nhỏ, nhưng mang những chiều kích dài rộng cao sâu của Thiên Chúa.  Đặc điểm thứ hai của tình yêu người Mục Tử là tự ý hy sinh mạng sống.  Chính tình yêu đã là động lực khiến Chúa Giê-su tự nguyện chết trên thập giá cho đoàn chiên là nhân loại.  Chỉ cần vài ba đặc nét nói trên cũng quá đủ để giúp chúng ta chiêm ngưỡng dung mạo của Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành của chúng ta!

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Ý thức mình là thành phần của đoàn chiên Thiên Chúa chắc chúng ta ai cũng có, nhưng liệu chúng ta có thực sự “thuộc về” Chúa Giê-su, Mục Tử nhân lành, hay không?  Nói khác đi, chúng ta có sống mối tương quan sống động giữa Chúa Giê-su và chúng ta không?  Hơn nữa Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy Người sống mối tương quan ấy như thế nào qua việc tự ý hy sinh mạng sống vì chúng ta.  Đây phải là một đề tài để chúng ta suy nghĩ và xét mình hằng ngày, để biết được chúng ta đã đáp lại tình yêu của Mục Tử nhân lành như thế nào.  Người tự ý chết vì chúng ta nên Người cũng muốn chúng ta tự ý “chết” cho tha nhân, cho những người thuộc “ràn chiên” gia đình chúng ta hay thuộc cộng đoàn chúng ta.  Những hy sinh và những cái chết nho nhỏ hằng ngày có thể chỉ là những công việc lặt vặt, một lời nói khích lệ, một cử chỉ thân thiện, một sự vâng lời mau mắn, mấy đồng bạc dành dụm giúp người nghèo… Chúa Giê-su đã nhận từ Chúa Cha mệnh lệnh tự ý hy sinh mạng sống vì tha thân và Người đã chu toàn mệnh lệnh ấy.  Hôm nay Người ban mệnh lệnh ấy lại cho chúng ta!

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B