CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH, năm B

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

 

Ở LẠI TRONG THẦY

Ga 15, 1-6

 

Chúa Giêsu đã ví mình như Mục Tử tốt lành, hôm nay Ngài lại tuyên bố :” Thầy là cây nho thật “.Chúa dùng hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó của Ngài với các Kitô hữu. Bởi vì theo Kinh Thánh, cây nho là một biểu tượng, một hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do Thái. Thực tế, có người đã nói cây nho là cây sự sống được Thiên Chúa trồng trong vườn Eden ( Stk 2, 9 ).

Hình ảnh vườn nho, cây nho, trái nho, chùm nho là một hình ảnh thân quen đối với người Do Thái và những nước Âu Châu, Mỹ Châu vv…Hình ảnh cây nho và sự liên kết, gắn bó giữa thân và các cành ám chỉ Đức Kitô Phục Sinh như cây nho và các Kitô hữu như các cành. Cây và cành có cùng một sự sống. Nhựa nguyên lưu thông trong thân cây và chuyền tới khắp các cành nhờ đó các lá, cành xanh tươi. Sự sống từ cây nho làm cho các cành sinh hoa trái.Chúa đã nói nhiều lần về sự sinh trái và ở lại trong Ngài. Vì nếu cây nho không còn nhựa thì các cành sẽ khô héo. Còn nếu thân nho và các cành nho liên kết, nhựa lưu thông đều thì cây và các cành sẽ xanh tươi, và các nhánh cây nho sẽ sinh hoa kết trái. Các cành nho càng liên kết với thân nho thì càng sinh hoa trái. Chúa dạy chúng ta phải luôn kết hợp mật thiết với Chúa. Có kết hợp mật thiết với Chúa, chúng ta mới đem lại kết quả thiêng liêng đối với người khác và với chính mình chúng ta được.

Kết hợp với Chúa là sống mật thiết với tình yêu của Chúa như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống, như nhiều Vị Thánh đã sống. Kết hợp với Chúa là sống thân mật với Chúa trong tình yêu. Ở lại trong Chúa sẽ sinh hoa trái. Không ở trong Chúa, không thể nào sinh hoa kết quả.Nhìn hoa, nhìn trái chúng ta sẽ thấy mức độ gắn bó của cành. Giáo Hội sẽ vững bền, nếu Giáo Hội luôn ở trong Chúa. Ở lại trong Chúa, Giáo Hội sẽ sinh nhiều con cái như lòng Chúa mong ước. Chúng ta làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏa sáng nếu chúng ta luôn ở trong Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm cho vinh quang của Thiên Chúa bị khô cằn khi chúng ta sống ngoài Thiên Chúa. Thế giới ngày nay vẫn tự hào là đang sống trong nền văn minh kỹ thuật tột bậc, nhưng tất cả những kỹ thuật cao, những văn minh tiến bộ, khoa học kỹ thuật vẫn trở thành những sự bế tắc. Con người với văn minh, khoa học kỹ thuật tột bậc vẫn cảm thấy bơ vơ, vẫn tự loay hoay trong vòng tròn không sao tự cứu nổi mình. Con người vẫn phải chết, con người không thể tự cứu mình.Con người luôn bế tắc, do đó, họ cần ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa phán :” Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em “. Ở lại trong Thầy phải trả giá theo Thầy. “ Ai muốn theo Ta hãy từ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy “. Con người chúng ta muốn được sự sống mới của Đấng Phục Sinh, chúng ta cũng phải kinh qua đau khổ, sự chết và phục sinh với Chúa. Chúa Giêsu cũng đã được cắt tỉa bởi sự khổ đau và sự chết.

Dòng nhựa nguyên lưu thông từ thân tới các cành. Con người cũng hãy gắn với sự Phục Sinh của Chúa như nhựa nguyên lưu thông trong thân và các cành nho. Chúng ta hãy làm cho thế giới tốt tươi để mọi người nhận ra Cây Nho đích thực là Đức Kitô và Người trồng nho là chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,Chúa là cây nho, chúng con là cành. Cành nho sống tươi tốt là nhờ cây nho. Con người chúng ta sống được cũng bởi nhờ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi tụ họp với nhau nhân danh Ngài, bằng cách lắng nghe lời Ngài, và bằng sự chia sẻ Mình và Máu Chúa Kitô. Khi thực hiện những điều đó là chúng con làm cho thế giới này nhìn thấy Chúa ở khắp nơi.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Đức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Đức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Amen. ( Lời nguyện nhập lễ lễ Chúa nhật V Phục Sinh ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

  1. Chúa Giêsu ví mình là gì ?
  2. Tạ sao cành nho lại sinh hoa trái ?
  3. Ở lại trong Thầy có nghĩa gì ?
  4. Tại sao cần phải được cắt tỉa ?
  5. Chúa Giêsu có được cắt tỉa không ?
  6. Ở Việt Nam có trồng nho được không ?

 

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B