VINH QUANG THẬP GIÁ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT LỄ LÁ, năm B

Mc 14,1-15,47

 

Chúa nhật lễ lá hé mở cho chúng ta về một nhân vật tuyệt đối quan trọng là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại, loài người và con người. Lễ Lá bắt đầu một chuỗi những biến cố, những sự kiện mà Thiên Chúa đã dự định từ trước. Đức Kitô được Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ thực hiện kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa. Đức Kitô là trung tâm của lịch sử cứu rỗi. Đức Kitô là Đấng được xức dầu và là Con Chiên gánh tội, xóa tội trần gian.

 

Lễ lá khai mào Tuần Thánh và cao điểm là Tam Nhật Thánh. Chúa Giêsu trong ngày lễ lá đi vào Giêrusalem trong tiếng tung hô vang dội của mọi người như là một Vị Vua chiến thắng oai hùng, nhưng thực tế, đó lại là một cuộc khải hoàn để rồi Chúa Giêsu lãnh nhận ý định của Chúa Cha gánh tội cho trần gian qua cái chết nhục hổ trên thập giá. Cao điểm là Thứ Sáu Thánh, Thứ Bảy Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh.Đây là những Ngày Thánh của Đức tin Kitô Giáo.

 

Đối với người Do Thái chiều thứ năm đã bước vào ngày thứ sáu, do đó Phụng vụ cho thấy :” Chúa Giêsu đã biết giờ, Người phải ra khỏi thế gian mà về cùng Cha. Người đã đã yêu thương những người thuộc về Người trong trần gian và Ngài sẽ tỏ bày tình yêu của Ngài dành cho họ đến cùng “ ( Ga 13, 1 ). Từ “ đến cùng “ không có nghĩa là đến cùng tận sự sống ở thế gian, nhưng thánh Gioan muốn diễn tả “ tới tình yêu tròn đầy, tình yêu viên mãn “. Ở đây, Chúa Giêsu muốn diễn tả tình yêu viên mãn của Ngài qua cái chết hy tế trên thập giá. Theo từ ngữ Hy Lạp, đến cùng được diễn tả :” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Chính cái chết trên thập giá biểu tỏ tình yêu viên mãi của Chúa Giêsu.

 

Đức Giêsu Kitô qua hành động cuối cùng trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi sống nhân loại, nuôi sống con người. Đây là Mầu nhiệm vượt qua, sự chết và sự sống lại của Người.  Chúa Giêsu đã nuôi các môn đệ và truyền cho các môn đệ cử hành Bí tích Thánh Thể để nuôi sống đời sống thần linh của con người.

 

Đỉnh tuyệt vời của cuộc khổ nạn là Chúa Giêsu đã thực sự bị treo lên thập giá vào chiều ngày thứ sáu trên đồi Golgotha đúng như lời Ngài nói :” Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “ ( Ga 12, 32 ). Ngày thứ bảy thánh, ngày thứ hai của Tam nhật Thánh. Chúa Giêsu nằm yên nghỉ trong mồ. Đây là sự thật để minh chứng Chúa Giêsu đã chết thật và nhân loại được mời gọi thinh lặng để chiêm ngưỡng Chúa chịu chết, và chờ đợi sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu.

 

Ngày tuyệt vời nhất là ngày Chúa Chúa nhật Phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, phá tan bóng đêm và ra khỏi mồ cách vinh hiển.

Lễ Lá bắt đầu tuần thánh và cao điểm là Tam nhật Thánh với niềm vui, hân hoan vì Chúa Giêsu sẽ khải hoàn ra khỏi mồ, chiến thắng thần chết. Thánh giá vẫn là dấu chỉ chiến thắng của Chúa Giêsu. Nên, thập giá chính là sự vinh quang phục sinh của Chúa.

 

 

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ ?

 

1.Tam nhật thánh bắt đầu từ ngày nào ?

2.Cao điểm của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là gì ?

3.Golgotha có nghĩa là gì ?

4.Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể để làm gì ?

5.Phục Sinh có nghĩa gì đối với chúng ta ?

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B