Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm B

Tội Lỗi Và Tình Thương

(2Ký sự 36,14-16.19-23; Êphêsô 2,4-10; Yoan 3,14-21)

 

Phúc Âm: Ga 3, 14-21

"Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm B

2Ký sự 36,14-16.19-23; Êphêsô 2,4-10; Yoan 3,14-21

Suy niệm: Tội Lỗi Và Tình Thương

Lịch sử Dân Chúa là một lịch sử của ân sủng và tội lỗi, trung thành và bất tín, đón nhận và từ chối, ánh sáng và bóng đen. Ðó là lịch sử một tình thương hải hà, nhưng vô cùng mầu nhiệm.

Sách Khởi nguyên cho biết con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và sống trong tình thương yêu thân thiện của Người. Nhưng ngay từ những bước đầu, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian. Con người đã phản bội Chúa. Do hành vi phản bội nguyên thủy này, tội lỗi bắt đầu thống trị. Tội phân lìa con người ra khỏi Chúa, đẩy con người xa quỹ đạo sự sống và tình thương, biến cuộc sống con người thành một xung khắc triền miên với bản thân, với anh em và với thế giới. Lịch sử con người trở nên một lịch sử hận thù đầy chém giết, tham lam và tranh chấp.

Bị dục vọng đè nén, con người không làm nổi điều thiện mình muốn, trái lại cứ lao đầu vào hố sâu của tội ác.

Tội lỗi mãnh liệt như một quyền lực cứ luôn đè bẹp và cầm tù con người.

Lịch sử con cháu Ađam cho thấy tội lỗi như một vết dầu loang bao trùm cả thế giới và vũ trụ, khiến mỗi người sinh ra trong tội (Tv 51,7).

Tội lỗi gieo rắc mầm mống sự chết khắp nơi và biến đổi thế giới sự sống thành thế giới u sầu tang tóc.

Nếu chỉ dừng lại ở đây, chúng ta sẽ bi quan và thất vọng. Cuộc đời sẽ hoàn toàn vô nghĩa và con người thà đừng sinh ra thì hơn (Yb 3,1-26).

Quả thật tội lỗi đã khiến hình ảnh Thiên Chúa trong con người bị hoen ố. Con người đánh mất hết những vẻ diễm lệ yêu kiều, trở nên một tạo vật xấu xí trần trụi; thân thể đầm đìa máu me và vết tích.

Không ai trong chúng ta có thể tự hào là đáng yêu, vì mỗi người đều đắm chìm trong tội.

Nhưng, tình thương của Thiên Chúa thật nhiệm mầu. Người đã yêu thương ta, khi ta còn là những kẻ có tội. Người khiến ta là những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, được cùng hồi sinh với Ðức Kitô (Ep 2,5).

Tiên tri Êzêkiel ví Thiên Chúa như một người qua đường thấy dân mình quằn quại trong vũng máu, quyết đưa về tắm rửa và trang điểm, biến thành như một thiếu nữ mỹ miều xinh đẹp (Ez 16,6-14).

Thiên Chúa chăm sóc và nuôi dưỡng dân Người. Người để ý từng đường đi nước bước của họ. Người trìu mến như người cha, dỗ dành như người mẹ, âu yếm như người chồng. Nhưng dân Người lại là những kẻ tình nghĩa nhạt như nước ốc, lòng dạ bạc như vôi.

Tiên tri Hôsê ví dân Chúa như một người vợ được chiều chuộng đủ điều, nhưng vẫn quen thói thất trung, thích chạy theo khách mới. Thiên Chúa phải làm mọi cách cho người vợ ấy trở về (Hs 2).

Sách Ký sự cho thấy mọi thành phần dân Chúa đều bất tín, từ đầu mục tư tế cho đến thứ dân đã chạy theo những ngẫu tượng của ngoại bang. Họ làm hoen ố đền thờ Chúa và xúc phạm Danh Thánh Người.

Thiên Chúa giàu lòng yêu thương đã sai nhiều sứ giả đến với họ, nhưng họ vẫn giả điếc làm ngơ, và hơn thế nữa, họ còn nhạo báng, hành hạ và giết chết các tiên tri.

Thiên Chúa, dù là Ðấng nhân ái từ bi, đã buộc lòng phải trừng phạt vì chạm trán với lòng con người chai đá. Người cho dân đi lưu đày, mất quê hương, mất đền thờ, mất tất cả, để từ đó họ khám phá lại những hồng ân lớn lao của Thiên Chúa.

Và đến ngày đã định, Thiên Chúa lại đưa dân về sau khi thanh luyện họ bằng những biến cố xảy ra trong đời họ.

Thánh Phaolô ý thức sâu xa về thực trạng tội lỗi. Người đã kinh nghiệm về hoạt động của tội trong chính bản thân, trong môi trường người sống và những nơi người đến rao giảng.

Về bản thân, người đã thốt lên những lời chua xót:

Tôi thuộc về xác thịt, bị bán làm tôi sự tội (Rm 7,14).

Không phải tôi hành động, nhưng chính là tội lỗi cư ngụ trong tôi (Rm 7,17).

Mọi thứ luật khác chi phối chi thể tôi, giam cầm tôi trong tội (Rm 7,23).

Về nhân loại nói chung, người đưa ra một ý tưởng còn táo bạo hơn nữa.

Thiên Chúa đã đón mọi người vào đàng bất tuân, ngõ hầu dủ lòng thương hết mọi người (Rm 11,32).

Thánh Phaolô thấy rõ tội lỗi của riêng mình và của toàn thể nhân loại, nhưng người cũng nhận thức được tình yêu và thượng trí của Thiên Chúa. Oi thẳm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa (Rm 11,33).

Thiên Chúa là Chúa của hồng ân, và "tội lỗi phát sinh càng nhiều, ân sủng càng dồi dào gấp bội" (Rm 5,30).

Chính Ðức Yêsu Kitô là hồng ân trọn vẹn của Thiên Chúa. Người là dấu hiệu của tình thương. Người là chính tình thương sâu thẳm bao la của Thiên Chúa.

Tình thương của Chúa Cha đã nhiều lần trở nên hữu hình trong lịch sử nhân loại. Tình thương đã được tỏ bày nhờ nhiều sứ giả và qua nhiều biến cố. Và cuối cùng, tình thương đã hoàn toàn biểu lộ trong một người, một gương mặt. Ðó là Yêsu Kitô.

"Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình... để thế gian nhờ Người mà được cứu độ..." (Yn 3,16).

"Thiên Chúa đã không dung tha chính Con mình, nhưng lại trao phó Người cho tất cả chúng ta" (Rm 8,32).

Chúa Cha đã biểu lộ tình thương đối với loài người đến mức tối đa trong Ðức Yêsu Kitô, Con của Người. Và chính Ðức Yêsu Kitô cũng đã yêu thương chúng ta đến cùng độ:

"Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người chịu chết vì kẻ mình yêu thương" (Yn 15,13).

Ðức Yêsu chấp nhận chịu treo trên Thập giá để sức mạnh tình yêu có thể kéo mọi người lên với mình, nhưng với điều kiện là con người phải nhìn lên Thập giá và tin vào Người.

Tình thương không bao giờ cưỡng bách, nhưng đòi hỏi một thái độ rõ rệt đón nhận hay khước từ.

Ðức Yêsu Kitô đến, không để luận phạt thế gian, nhưng để cho thế gian được cứu rỗi.

Ai tin, nghĩa là đón nhận tình thương, thì được sống; ai không tin thì tự hủy diệt mình vì đã từ chối sự thật và ánh sáng.

Ðức Yêsu Kitô là dấu chỉ trọn vẹn tình thương của Chúa Cha, nên chỉ một mình Người có quyền đòi hỏi thái độ dứt khoát:

"Ai không theo Ta là chống lại Ta".

Ai không chọn yêu thương thì không ở trong Thiên Chúa, nhưng sa lầy trong tội.

Ðối với Người, chúng ta không có con đường thứ ba.

 

Giảng Lễ

"Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống thế, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu rỗi".

Ðó là nội dung Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay. Tin Mừng đó đã được chuẩn bị từ thời Cựu Ước, nhưng chỉ được thực hiện từ thời Ðức Kitô.

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng nhiều người, nhiều cách để loan báo ơn cứu độ mà Người sẽ thực hiện ở nơi Con Một là Ðức Yêsu Kitô. Người đã tỏ rõ ý chí của Người thương yêu nhân loại, không muốn thấy nhân loại chết đi như trong vụ đại hồng thủy nữa, nên đã ký kết một giao ước tình thương với gia tộc Noe, như ta đã nghe đọc trong Chúa nhật thứ nhất mùa Chay. Nhưng con cháu Noe đã không trung thành sống theo giao ước. Thiên Chúa không vì vậy mà bỏ kế hoạch tình thương. Người chọn một ngành trong gia tộc Noe để thực thi ý định. Abraham đã được chọn như Chúa nhật II mùa Chay còn nhắc lại. Và đến khi con cái Abraham đã trở nên đông đúc, Thiên Chúa quy tụ họ lại thành dân tộc, gọi là Dân riêng của Chúa. Và Chúa nhật III mùa Chay cho ta thấy Người ban hiến pháp giao ước cho dân tộc ấy. Tình thương của Người cứ bị họ lạm dụng. Ngay cả hàng tư tế trong dân cũng làm đủ điều ghê tởm, khiến chính đền thờ Yêrusalem đã trở nên ô uế. Nếp sống đồi trụy ấy dĩ nhiên đã mở đường cho địch quân xông vào tàn phá vườn nho của Chúa. Nhưng Chúa vẫn không quên lời giao ước. Bài đọc I hôm nay cho ta thấy Người dùng Cyrus khôi phục lại thánh đường Yêrusalem và dựng lại nước Israel. Cyrus, Môsê, Abraham, Noe chẳng qua chỉ là những hình ảnh báo trước việc chính Con Một Thiên Chúa giáng trần để cứu chuộc nhân loại. Và lần này phải dứt khoát và vĩnh viễn. Thế nên trong bữa tiệc ly chúng ta cử hành bây giờ qua thánh lễ, Ðức Kitô Cứu thế đã tuyên bố: Chén Máu Ngài cầm trong tay là chén Tân Ước vĩnh cửu, là Giao ước mới mẻ và vĩnh viễn. Chúng ta cử hành thánh lễ, là kỷ niệm và đúc kết lại tất cả con đường lịch sử cứu chuộc mà Thiên Chúa đã đi để cứu vớt loài người, hầu đưa họ vào tình thân mật thánh thiện, làm nên hạnh phúc cho chính họ. Ý thức nội dung của thánh lễ như vậy, chúng ta phải cố gắng để cử hành cho thật trang trọng và sâu xa. Và chỉ có một cách cử hành tốt, là đón nhận Ðức Kitô và kết hợp hoàn toàn với Người trong mầu nhiệm cứu thế.

Thế mà như lời Phúc Âm hôm nay viết: có nhiều người không đón nhận Ðức Kitô là Cứu thế, vì họ sợ ánh sáng, sợ công việc tối tăm của họ bị lộ tẩy khi tiếp xúc với ánh sáng. Họ muốn trốn ánh sáng, nhưng không thể trốn nổi, vì ánh sáng đã đến trong thế gian. Chúa đã đem lời Phúc Âm từ trời xuống; và lời Phúc Âm đã được rao giảng đến tai họ. Họ càng nhắm mắt lại, ánh sáng của Lời Chúa càng chiếu soi trong lòng họ, khiến họ phải nhận ra mình đang còn nhiều nết xấu, còn nhiều điều lệch lạc và phải canh tân sửa mình. Nhiều người sợ ánh sáng của Chúa chiếu soi lương tâm, nên tìm cách lo nghĩ những công việc thế tục hầu để lương tâm mình nằm yên trong tối tăm. Những người ấy không đón nhận ánh sáng, không đón nhận Chúa Yêsu. Họ dự lễ, rước lễ như để Chúa ở bên ngoài tâm hồn và đời sống. Ra khỏi nhà thờ, họ quên ngay những lời Thánh Kinh đã nghe và không còn nhớ Chúa ở trong tâm hồn mình nữa. Họ sẽ chạy theo hết mọi tiêu chuẩn của thế gian, khiến họ có đạo cũng dường như không có. Nhưng ai đón nhận ánh sáng thì khác hẳn. Họ sẽ đưa lời Kinh Thánh vừa nghe đọc vào trong mình; họ sẽ nhờ Chúa Thánh Thể đã ngự vào lòng họ. Sự hiện diện của Lời Chúa và của Thánh Thể sẽ soi sáng lương tâm. Tối tăm sẽ dần dần dẹp đi và tâm hồn sẽ trong sáng, đời sống họ sẽ trong sạch. Ðàng rằng ánh sáng của Chúa luôn cho ta thấy mình còn tội lỗi và khuyết điểm. Nhưng đó là thứ ánh sáng chữa lành mọi vết thương, giống như những người Dothái ngày trước nhìn vào con rắn đồng, đều được cứu sống. Bởi vì khi ánh sáng của Chúa soi cho lương tâm biết tội lỗi của mình, thì đồng thời nó cũng cho ta thấy những tội lỗi ấy có thể được đóng đinh trên thập giá Chúa Kitô. Và như vậy tự nhiên ta sẽ cầu xin Ðức Kitô ở trên thập giá tiêu diệt giúp tội lỗi cho ta và ta sẽ cảm thấy được lành mạnh.

Mùa Chay đang đi dần vào tuần Thương khó. Phụng vụ muốn ta chiêm ngưỡng thập giá Chúa Kitô. Như Môsê đã treo con rắn đồng lên để người Dothái nhìn vào hầu được cứu sống; thánh giá ngày này là nguồn ơn cứu độ mọi người, miễn là người ta thấy cần và muốn được cứu rỗi. Chúng ta không thể hưởng nhờ mọi ân phúc của mùa Chay, nếu không nhìn lên thánh giá như những người đang đau đớn vì tội lỗi. Việc xưng tội trong mùa Chay cần là vì thế. Việc kiểm điểm đời sống để chừa bỏ nết xấu là cùng chết với Ðức Kitô trong mầu nhiệm thương khó, hầu được sống lại với Người. Chúng ta đừng làm công việc thống hối, ăn năn với sức lực của mình. Bài thơ Phaolô đã nói rõ. Ơn cứu độ không đến với chúng ta qua sự nghiệp của ta đâu, nhưng qua niềm tin, tin vào lòng lân tuất của Chúa đã cứu ta qua mầu nhiệm tử nạn của Con Ngài. Chính đường lối cứu chuộc này khiến việc xét tội, ăn năn của ta không còn phải chỉ là một công việc nặng nề và tiêu cực. Nhưng khi xét tội ăn năn mà nhớ tới lòng Chúa đã rộng rãi với ta qua sự chết của Con Ngài, sẽ khiến công việc diệt tội của ta đã được nâng đỡ bằng mầu nhiệm Phục sinh rồi. Nói như vậy không phải để chúng ta làm công việc xét tội, ăn năn, dốc lòng một cách hời hợt. Ngược lại, nhìn vào thánh giá Ðức Kitô như nơi phải đóng đinh tội lỗi, chúng ta biết phải ăn năn thống hối thế nào mới được kết quả. Người muốn được ơn tha thứ và trở nên thánh thiện, phải đặt tất cả niềm tin vào thập giá Ðức Kitô và như vậy phải muốn tiêu diệt tội lỗi như Người. Người chấp nhận đóng đinh trong tình yêu mến Chúa Cha và thương xót loài người. Chúng ta cũng phải tiêu diệt tội lỗi với ý hướng mến Chúa và thương yêu đồng loại hơn. Nỗ lực canh tân đời sống, có nằm trong chiều hướng cứu thế, mới đóng góp, tham dự vào mầu nhiệm thánh giá và mới đưa tới việc tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh.

Thế nên ta phải gia tăng lòng mến để đi vào các tuần thương khó. Ta phải chia sẻ lòng Chúa Cha thương yêu muốn cho loài người được hạnh phúc, để bằng lòng kết hợp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm chết cho tội lỗi.

Mầu nhiệm này ta sắp cử hành nơi bàn thờ. Thánh lễ hôm nay cũng như mọi thánh lễ, kêu gọi ta nhìn vào mầu nhiệm thánh giá như bằng chứng Chúa thương yêu loài người nên chịu chết cho loài người, để ta tham dự vào tình yêu ấy mà muốn canh tân đời sống để thế giới được hạnh phúc và thánh thiện hơn.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B