CHIA SẺ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA, năm B

Mc 14, 12-16.22-26

 

Bí tích Thánh Thể là Bí tích nuôi sống, Bí tích tình yêu. Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã lập Bí tích Thánh Thể. Trong bối cảnh chiều thứ năm tuần thánh, Chúa Giêsu và các môn đệ ăn bữa Vượt Qua cuối cùng. Và cũng chính trong bữa ăn này, Chúa Giêsu đã trối lại cho nhân loại Mình và Máu của Người để nuôi sống chúng ta.

Trở lại thời Cựu Ước, chúng ta nhận ra vai trò của Môsê bởi vì Môsê đại diện dân rảy máu con vật trên Hy lễ để cho mọi người nhớ lại Giao Ước đã được Thiên Chúa ký kết với dân của Người. Qua thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã lấy lại ngôn ngữ của Môsê : Đây là Mình, đây là Máu Ta sẽ đổ ra vì nhiều người. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ tham dự bữa Tiệc Thánh Thể đầu tiên. Chúa Giêsu đã nhắc lại cho các môn đệ nhớ lại lời của Chúa đã nói với các Ông :” Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống “ “ Ta là bánh trường sinh “. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do Thái đã xác định rõ ràng : Giao ước mới và vĩnh cửu không còn là thịt máu của con vật, nhưng chính là thịt máu của Đức Kitô. Thánh Phaolô quả quyết Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Ngài đã phục sinh, Ngài bước vào cung thánh Thiên Chúa và đời đời dâng hiến cho Thiên Chúa Cha chính thịt máu của Ngài. Đây là ngày đại lễ, ngày mà thánh Gioan đã thấy quang cảnh đại lễ ấy ở trên trời.

Quang cảnh ngày đại lễ ở trên trời, Sách Khải huyền đã cho Gioan thấy hôm nay diễn ra trong nhà Tiệc Ly, ngày Chúa Giêsu và các môn đệ ăn bữa Vượt Qua cuối cùng trước khi Chúa Giêsu vâng lệnh Chúa Cha chịu chết, đổ máu mình để cứu độ nhân loại. Tin Mừng của thánh Máccô thuật lại :” Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy tấm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói :” Mời anh em cầm lấy, đây là Mình Thầy “. Người lại cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho môn đệ, và tất cả đều uống.Người bảo họ :” Đây là Máu Thầy, Máu để lập Giao Ước, đổ ra vì muôn người “.Mình Thánh của Chúa được phân chia, trao ban cho con người. Máu Thánh cùa Chúa được chia sẻ. Bí tích Thánh Thể là cuộc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Chúa bị đóng đinh trên thập giá. Máu của Ngài không ngừng đổ ra để gột rửa tội lỗi nhân loại, tội lỗi của con người. Bữa Tiệc Thánh Thể là Bí tích của Mình và Máu Đức Kitô, Bí tích của sự hiện diện của Chúa. Chính Thánh Thần trong Bí tích Thánh Thể, làm cho Đức Kitô thực sự hiện diện và được trao ban trong bánh và rượu.

Để cử hành bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các môn đệ chuẩn bị trước :” Người liền sai hai môn đệ đi, và dặn họ :” Các anh đi vào thành, sẽ gặp một người mang vò nước…Ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu…các anh dọn tiệc cho chúng ta ở đó. Chúa Giêsu đã tiên liệu, đã nhìn xa thấy rộng. Ngài đã nhìn ra tất cả. Ngài là chủ và các môn đệ là khách mời. Ngài thết đãi các môn đệ một bữa tiệc. Ngài chủ tọa bữa tiệc. Ngài khoản đãi các môn đệ bằng chính lương thực thần linh, là chính Mình và Máu của Người. Đây là những chi tiết thật quan trọng.

Do đó, mọi bữa tiệc đều phải chuẩn bị kỹ càng. Thánh lễ tái diễn lại cuộc tưởng niệm sự thương khó, chịu chết và phục sinh của Chúa. Chính vì thế, Chủ tế và mọi người đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Thánh lễ phải được cử hành cách nghiêm trang, khoan thai và sốt sắng. Cả chủ tế và đoàn chiên đều phải chuẩn bị nghiêm túc để mỗi lần Thánh lễ được cử hành: Chủ tế và đoàn chiên đều hưởng được những lợi ích cao quí của Thánh lễ trao ban.

Xin mượn lời Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI để kết luận bài chia sẻ hôm nay:” Ngày lễ Mình Máu Chúa nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa một cách độc nhất và đặc biệt, về những gì Người là, và những gì Người làm.Ví dụ, người ta nói rằng Thiên Chúa được tái tạo bằng cách tự hiến, rằng Người được đón nhận bằng cách cho đi, rằng Người không thể bị thiếu hụt, rằng Người không bị tiêu hao đi – như bài vịnh ca của Thánh Tôma  Aquinô đã hát lên điều đó.Tình yêu biến đổi mọi sự, và người ta hiểu rằng, ở trung tâm ngày lễ mình và Máu Thánh Chúa, có mầu nhiệm của việc biến đổi thể chất, dấu hiệu của Chúa Giêsu Kitô, vốn biến đổi thế giới. Khi nhìn lên  Người để thờ lạy, chúng ta nói :” Vâng, tình yêu hiện hữu, và vì hiện hữu, nên mọi sự đều có thể đổi thay, nên tốt hơn, và chúng ta có thể hy vọng”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng ngày càng yêu mến Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Bí tích Thánh Thể nói cho chúng ta điều gì ?

2.Ai đã lập Bí tích Thánh Thể ?

3.Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập tại đâu ?

4.Muốn rước Chúa, chúng ta phải làm gì ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B