CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Gặp gỡ Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 31:31-34;  Dt 5:7-9;  Ga 12:20-33)

          Trong lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã thiết lập nhiều giao ước với loài người.  Nội dung của từng giao ước thay đổi và dấu chỉ nói lên giao ước cũng mỗi lần một khác. Dấu chỉ đầu tiên là cầu vồng sau cơn lụt đại hồng thủy nói rằng Chúa sẽ không khi nào dùng hồng thủy để hủy diệt nhân loại.  Rồi đến việc cắt bì là dấu chỉ Thiên Chúa tuyển chọn Áp-ra-ham làm cha đức tin của dân riêng Chúa là Ít-ra-en.  Sau đó là bia đá ghi chép Mười điều răn, dấu chỉ mối tương quan giữa Thiên Chúa với Ít-ra-en.  Tuy nhiên trong giao ước mới và cuối cùng, Thiên Chúa đã chọn một phương thức vô cùng đặc biệt, là lấy chính máu Con Một Người là Chúa Giê-su để ký kết với toàn thể nhân loại.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta dấu chỉ của Giao ước Mới:  Chúa Giê-su Ki-tô, để nhờ Chúa Ki-tô, chúng ta có thể sống mối tương quan sinh động với Thiên Chúa và anh chị em.

          Trước hết ta hãy lắng nghe Thiên Chúa tuyên bố qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng Người sẽ thiết lập một giao ước mới với nhà Ít-ra-en, không giống như giao ước Người đã lập với tổ tiên họ. Vậy nội dung giao ước ấy như thế nào?  Đó là “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta.  Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta”.  Một giao ước quan trọng mà nội dung giản dị như vậy sao?  Không đâu.  Nếu mục đích của giao ước là thể hiện được mối tương quan giữa Chúa và chúng ta, thì việc tuân giữ Lề Luật Chúa đích thực là điều cốt yếu.  Kinh nghiệm quá khứ đã cho thấy Chúa khắc Lề Luật Người vào bia đá trao cho ông Mô-sê.  Nhưng bia đá mòn rồi mà dân Chúa vẫn chứng nào tật nấy, không tuân thủ Lề Luật Người.  Cho nên lần này Chúa phải khắc vào “tâm khảm” họ để họ không thể quên.  Nhưng chúng ta cũng đừng quên mục đích quan trọng của giao ước, không những nó nói lên tương quan mật thiết giữa chúng ta với Chúa, mà tương quan ấy còn được bảo đảm qua việc “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”!  Liệu chúng ta có cảm nhận được sự tuyệt vời của giao ước này không?  Đây nhé, Chúa đã nhận chúng ta làm dân của Chúa, điều này đã quá đủ rồi vì thực sự chúng ta không xứng đáng.  Thế mà Người còn hứa sẽ tha thứ tội ác và mọi lỗi lầm của chúng ta nữa.  Giao ước là phải công bằng cho cả hai bên chứ, nhưng Chúa đã nhận phần thiệt thòi, chỉ vì Người quá yêu thương chúng ta!

          Vậy Thiên Chúa đã thực hiện giao ước thiệt thòi ấy như thế nào?  Bằng cách “nộp” Con Một của Người cho chúng ta, sai người Con ấy là Chúa Giê-su xuống thế gian làm người phàm, để Ngài vâng lời Thiên Chúa đến nỗi vui lòng chịu chết và chết trên thập giá mà chuộc tội cho nhân loại.  Chính Chúa Giê-su đã nói về sứ mệnh của Người chẳng khác gì hạt lúa gieo vào lòng đất. Hạt lúa ấy phải chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác.  Cũng vậy, Chúa Giê-su phải chết đi trên thập giá thì mới có thể chuộc chúng ta về để chúng ta được phục hồi chức phận làm con cái Thiên Chúa.  Nói khác đi, theo giao ước mới, Thiên Chúa đã trả một cái giá vô cùng đắt để giao ước ấy được thực hiện!

          Khi suy niệm về hạt lúa gieo vào lòng đất và về cái giá đắt Thiên Chúa phải trả cho giao ước, bằng những suy tư thần học, thánh Phao-lô đã khẳng định rằng:  Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (bài đọc 2).  Đúng vậy, khi ban Con Một cho chúng ta, Thiên Chúa Cha đã muốn Ngài trở nên “nguồn ơn cứu độ” cho chúng ta, chỉ với điều kiện dễ dàng là chúng ta hãy tùng phục Ngài như Ngài đã vâng phục Chúa Cha.  Tùng phục Chúa Giê-su có nghĩa là chúng ta hãy gặp gỡ Người, trong mối tương quan với Người tạo nên sự thay đổi, chúng ta sẽ trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thiên Chúa ban cho ta Ân Sủng trọng đại nhất, đó là Chúa Giê-su Ki-tô.  Bài Tin Mừng hôm nay còn để lại một hình ảnh đẹp về việc gặp gỡ Chúa Giê-su:  có mấy người Hy-lạp đến gặp tông đồ Phi-líp-phê và xin ông:  “Chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su!”  Cả đến những người không phải Do-thái cũng mong ước được gặp Chúa Giê-su, vậy mà chúng ta không ao ước gặp Chúa, thì ta là gì đối với Chúa?  Chúa luôn mở rộng cánh tay đón chào ta.  Chúng ta có thể gặp Người dễ dàng, qua cầu nguyện và việc lãnh nhận bí tích, nhất là khi rước Chúa vào lòng.  Vậy chúng ta còn đợi gì nữa?   

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B