CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Hoa Trái Của Mầu Nhiệm Phục Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 9:26-31;  1 Ga 3:18-24;  Ga 15:1-8)

          Trong những tuần vừa qua, các bài đọc trích sách Công Vụ Tông Đồ đã kể lại những hoa trái cụ thể do sự Phục sinh của Chúa Ki-tô mang lại.  Các bài giảng đầu tiên của tông đồ Phê-rô đã giúp cho hằng ngàn người tin vào Chúa Giê-su, thậm chí cả những người Dân ngoại, như viên sĩ quan Cô-nê-li-ô và gia đình, cũng đã tin theo Chúa và được rửa tội.  Giáo Hội của Chúa phát triển nhanh chóng, tựa như đoàn chiên dưới sự chăn dắt của Mục Tử Nhân Lành là Chúa Giê-su.  Tuy nhiên, hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh trước hết phải được gặp thấy nơi tâm hồn các Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi.  Hoa trái ấy đã được Chúa Giê-su nói đến qua tỉ dụ cây nho như chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay.  Hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh nơi tâm hồn chúng ta chính là lòng mến Chúa và yêu tha nhân.      Trước hết chúng ta suy nghĩ về tỉ dụ cây nho.  Trong Cựu Ước, nhà Ít-ra-en được ví như vườn nho của Đức Chúa và gốc nho được đem từ Ai-cập về trồng nơi Đất Hứa là các tổ phụ dân Ít-ra-en.  Giờ đây Giáo Hội Chúa Ki-tô đã thay thế cho nhà Ít-ra-en và Chúa Ki-tô đã thay thế cho tổ phụ dân Ít-ra-en để đứng đầu một dân mới là các Ki-tô hữu.  Thay thế cái cũ bằng cái mới là những chủ đề quen thuộc của Tin Mừng Gio-an.  Như thế, chúng ta dễ hiểu tại sao Chúa Giê-su lại ví mình như cây nho và chúng ta là cành.  Tuy nhiên tỉ dụ cây nho còn mang những ý nghĩa sâu xa hơn rất nhiều, vì Chúa Giê-su nhấn mạnh đến sự kết hợp chặt chẽ giữa các cành nho và cây nho.  Sự kết hợp này không những đem lại sự sống cần thiết cho các cành nho, mà còn giúp các cành nho sinh hoa trái.  Để các cành nho sinh hoa trái tốt, chúng cần được cắt tỉa.  Dĩ nhiên người ta không cắt luôn cả cành nho, mà chỉ cắt tỉa cành nho ấy sao cho nó lấy lại sinh lực để trổ hoa kết trái.

          Chúa Giê-su là cây nho chứa đầy nhựa sống tình yêu Thiên Chúa.  Khi nhựa sống tình yêu này được lưu chuyển đều đặn đến các cành nho là chúng ta, thì tất nhiên cành sẽ sinh hoa trái, nghĩa là đời sống chúng ta sẽ trở thành đời sống đầy yêu thương giống như đời sống Chúa Ki-tô là cây nho.  Tiếp tục mừng lễ Phục Sinh, lời Chúa hôm nay muốn chúng ta suy nghĩ về tình yêu là hoa trái mà Chúa Phục Sinh muốn thấy nơi cho chúng ta.  Nói khác đi, muốn sống mầu nhiệm Phục Sinh cho đúng nghĩa là chúng ta phải sinh hoa trái yêu thương cho đời sống mới của chúng ta trong Thánh Thần.

          Trong bài đọc 2, thánh Gio-an đã nhấn mạnh đến việc sống yêu thương:  “Đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”.  Là những con người mới của Chúa Phục Sinh, sống mến Chúa và yêu tha nhân quả thực là hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh.  Giống như ý tưởng của Chúa Giê-su là “ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy”, thánh Gio-an cũng quả quyết:  “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”.  Thực hiện việc “ở lại” này chính là sống yêu thương vậy.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay kể lại việc thánh Phao-lô sau khi trở lại đã sát cánh cùng các tông đồ rao giảng Tin Mừng.  Sống tình yêu theo lời Chúa Giê-su dạy, các tông đồ đã gạt bỏ mọi nghi ngờ và sợ hãi để đón nhận Sao-lô (tức là Phao-lô), một người đã từng bách hại Hội Thánh, vào tông đồ đoàn.  Chỉ có tình yêu chân thực mới giúp các tông đồ tiếp nhận Phao-lô như thế.  Hơn nữa khi vị tông đồ mới này gặp nguy hiểm tính mạng, các ngài lại còn che chở Phao-lô bằng cách “dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô”.  Lối sống yêu thương đó chẳng phải là hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh đã được thể hiện nơi Phao-lô và các tông đồ khác sao?

          Đoạn Kinh Thánh trên cũng để lại cho chúng ta một hình ảnh đẹp về Hội Thánh:  “Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri-a, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ”.  Ở đây, chúng ta nhận ra rõ ràng hoạt động của Chúa Thánh Thần là Tình Yêu Thiên Chúa.  Hội Thánh sơ khai được như trên là “nhờ Thánh Thần nâng đỡ”.  Vậy sứ điệp Lời Chúa hôm nay được gửi tới chúng ta, đó là hãy để Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta, dẫn dắt chúng ta sống mầu nhiệm Phục Sinh bằng cách mến Chúa yêu người, không phải “bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”.  Điều này cũng gợi lên một câu hỏi quan trọng:  Tôi có yêu thương cách chân thật không?  Và đâu là những việc làm biểu lộ lòng yêu thương của tôi?

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B