CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su giảng dạy như Đấng có uy quyền

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 18:15-20;  1 Cr 7:32-35;  Mc 1:21-28)

          Rao giảng Tin Mừng là việc chủ yếu trong sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Như thư gửi tín hữu Do-thái đã khẳng định:  “Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (1:2), cho nên không giống như các vị ngôn sứ trong Cựu Ước chỉ là những phát ngôn viên của Thiên Chúa, Chúa Giê-su còn là chính Lời Thiên Chúa hóa thành lời nhân loại để phán dạy chúng ta bằng ngôn ngữ loài người.  Lấy chân lý này làm căn bản, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập tới việc giảng dạy của Chúa Giê-su, tức là tác vụ ngôn sứ của Người và tuyên xưng Người là Đấng giảng dạy có uy quyền.

          Trước hết bài trích sách Đệ nhị luật cho chúng ta một khuôn mẫu ngôn sứ trong thời Cựu Ước.  Phải nói rằng ông Mô-sê quả thực là một ngôn sứ trong vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en.  Ông lên núi hoặc vào trong Lều Tạm để gặp gỡ Thiên Chúa, sau đó xuống núi hoặc ra ngoài nói lại cho dân chúng nghe sứ điệp của Thiên Chúa, vì họ “không dám nghe tiếng Đức Chúa…, không dám nhìn ngọn lửa lớn, kẻo phải chết”.  Tuy nhiên lúc cuối đời đã gần, nên ông Mô-sê cầu xin Chúa và Người phán:  “Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của ta trong miệng người ấy và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy”.  Như vậy, tác vụ của ngôn sứ quá rõ ràng:  ngôn sứ chỉ là người nói thay cho Thiên Chúa.  Sứ điệp là của Chúa, còn ngôn sứ chỉ là phương tiện chuyển tải sứ điệp.  Ai không đón nhận sứ điệp sẽ bị Thiên Chúa hạch tội, chứ ngôn sứ không có “uy quyền” để trừng phạt kẻ không nghe lời Chúa.  Vì ngôn sứ không có uy quyền, nên ngôn sứ nào “cả gan” nói điều Chúa không truyền cho nói, thì “ngôn sứ đó phải chết!”

          Qua tường thuật của bài Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giê-su không giống như vị ngôn sứ trong Cựu Ước.  Những kẻ nghe Chúa giảng nói lên nhận xét chí lý:  “Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”.  So sánh của họ rất thực tế:  như một Đấng có uy quyền và không như các kinh sư.  Vậy thế nào là như và thế nào là không như?  Chúng ta bắt đầu với so sánh không như.  Không như các kinh sư.  Tại sao?  Vì các ông kinh sư này chỉ là những con vẹt dùng lời Chúa để mưu lợi cho họ và củng cố uy thế của họ.  Họ dạy chứ không sống những điều họ dạy.  Trái lại, Chúa Giê-su giảng dạy “như Đấng có uy quyền”.  Để hiểu thế nào là “Đấng có uy quyền”, chúng ta hãy nghe thần ô uế trả lời:  “Ông Giê-su Na-da-rét, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Như vậy vẫn chưa đủ đâu!  Phải đợi đến lúc Chúa Giê-su quát mắng thần ô uế:  “Hãy xuất khỏi người này!” và nó phải tuân lệnh Người, chúng ta mới thấy uy quyền của Chúa Giê-su thực là hiển nhiên.  Sau hết, chúng ta hãy xem phản ứng và kết luận của dân chúng nghe Chúa giảng dạy:  “Thế nghĩa là gì?  Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” và “lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê”.  Uy quyền của Chúa Giê-su là uy quyền của Ngôi Lời, Đấng đã tạo dựng muôn loài khi Người phán:  “Hãy có…” (Sáng Thế 1).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua môi giới như ông Mô-sê và các ngôn sứ, hoặc Người trực tiếp phán dạy chúng ta qua “Ngôi Lời Nhập Thể” là Chúa Giê-su.  Dù phán dạy cách nào thì điều Thiên Chúa mong mỏi vẫn là chúng ta hãy lắng nghe.  Dĩ nhiên không chỉ là lắng nghe bằng đôi tai, mà lắng nghe bằng cách sống và thực hành lời Chúa.  Chúa Giê-su khích lệ chúng ta:  "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.  Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mát-thêu 7:24-25).  Uy quyền của Chúa Giê-su khi Người giảng dạy không những là uy quyền Thiên Chúa, mà còn là uy quyền do việc Người sống những điều giảng dạy.  Nếu vậy, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng:  Tất cả mọi người, bất kể là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, đều có thể giảng dạy như người có uy quyền không?  Dĩ nhiên là có chứ!  Tòa giảng của các cha ở trong nhà thờ.  Còn “tòa giảng” của giáo dân ở khắp mọi nơi, từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội, đâu đâu người giáo dân cũng có thể giảng bằng đời sống của họ vậy!

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B