CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Phong cùi thể xác và phong cùi tâm hồn

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Lv 13:1-2, 44-46;  1 Cr 10:31 – 11:1;  Mc 1:40-45)

          Bệnh phong hủi và tội lỗi, tuy một đàng thuộc thể xác, một đàng thuộc tinh thần, nhưng lại giống nhau ở hiệu quả của chúng, đó là làm cho người mắc phải nó trở nên ô uế.  Một khi đã bị ô uế, người ấy bị loại ra khỏi cộng đồng:  người mắc bệnh phong hủi “phải ở riêng ra một nơi bên ngoài trại”, còn người tội lỗi thì tự mình tách khỏi mối tương quan với Chúa và với anh chị em.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su là đến để chiến thắng tội lỗi.  Do đó, phép lạ Người làm để chữa lành người phong hủi được coi như một biểu tượng nói lên chiến thắng của quyền lực Chúa Giê-su trên tội lỗi.

          Trước hết chúng ta xem Lề Luật Mô-sê nói gì về những người mắc bệnh phong hủi.  Kẻ nghi ngờ mình bị mắc bệnh phong hủi cần phải phát hiện những triệu chứng trên da thịt mình, như ung nhọt, lác hoặc đốm.  Tuy nhiên họ phải được đưa tới gặp người có thẩm quyền như tư tế, để tư tế xác nhận và “tuyên bố người này là ô uế”.  Như vậy, mắc bệnh không còn là chuyện cá nhân riêng tư nữa, nhưng đã mang tính cách cộng đồng, nên điều này thực sự trở thành một nỗi tủi nhục cho người không may mắc bệnh!  Thế là từ nay số phận của người bệnh phong hủi thay đổi.  Họ bị chối bỏ hết mọi quyền nhân bản và mất luôn cả nhân phẩm nữa.  Họ phải chịu đựng bao nhiêu cái “phải”:  phải mặc áo rách, phải xõa tóc, phải bịt râu lại và tủi nhục nhất, đó là phải kêu to lên “Ô uế!  Ô uế”, để mọi người tránh xa mình!  Cuối cùng cuộc đời người phong hủi  là chuỗi ngày cô đơn cùng tận, không gia đình bạn bè, không nhà cửa, chỉ là nơi nào đó “bên ngoài trại”.  Trong những điều kiện ấy, chúng ta không biết họ làm sao sống nổi, nên đôi khi gặp người đồng cảnh ngộ, họ tìm đến với nhau như trường hợp Mười người phong cùi được kể lại trong Tin Mừng Lu-ca 17:11-21.  Trong xã hội ngày xưa, không riêng gì Do-thái, hậu quả của bệnh phong cùi đã đẩy con người tới tình trạng khốn khổ không kể xiết.  Nghĩ như vậy để chúng ta dễ hiểu những hậu quả của tội lỗi, một thứ vi trùng thiêng liêng đã giết hại bao linh hồn.

          Người phong hủi trong bài Tin Mừng hôm nay quả thực đã mạnh dạn đứng lên và cố gắng vượt thắng mọi trở ngại để đến gặp gỡ Chúa Giê-su, Đấng chạnh lòng thương.  Anh không nản vì những lời xua đuổi của dân chúng và hàng rào môn đệ vây quanh Chúa.  Anh quỳ xuống dưới chân Chúa và van xin.  Dĩ nhiên anh biết Chúa có quyền năng chữa lành anh.  Cho nên chỉ còn một điều duy nhất anh nghi ngờ là không biết Chúa có “muốn” chữa lành anh hay không.  “Nếu Ngài muốn”.  Chúng ta cứ tưởng tượng khi thốt lên lời van xin này, anh đã biểu lộ lòng tin như thế nào?  Mắt anh rực lên niềm hy vọng khi gặp đôi mắt nhân từ của Chúa.  Anh đã gõ đúng cánh cửa lòng thương xót rồi.  Cánh cửa mở ra và có tiếng phán:  “Tôi muốn, anh hãy được sạch”.  Những lời này sẽ được lập đi lập lại nhiều lần trong tòa giải tội khi linh mục đọc lời xá giải:  Còn tôi, tôi tha tội cho anh/chị, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  A-men.

          Người được chữa lành bệnh phong hủi giờ đây đi vào thành để trình diện tư tế và anh được nhận lại vào cộng đồng cũng như được phục hồi tất cả những gì anh đã bị con bệnh quái ác cướp đi.  Tuy nhiên điều hết sức cảm động là:  đang khi anh ta được “vào thành” thì Chúa Giê-su lại phải “ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”!  Đúng vậy, Chúa đã gánh lấy bệnh phong hủi thiêng liêng của chúng ta khi Người phải chết trên thập giá bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Tội lỗi là thứ phong hủi thiêng liêng vừa nguy hiểm cho cá nhân chúng ta, vừa có thể lây lan trong cộng đoàn.  Ta biết rõ những hậu quả của tội lỗi.  Làm sao tránh?  Qua bài đọc trích thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhở họ về thứ vi trùng hủi thiêng liêng rất nguy hiểm khi ngài khuyên:  “Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa”.  Quả thực, làm gương xấu là một loại siêu vi trùng thiêng liêng khó nhận ra.  Một cuộc cãi vã nhỏ của cha mẹ trước mặt con cái.  Một hành vi gian lận của người bạn làm cùng sở.  Một lời nói xấu người vắng mặt.  Vi trùng nhiều thế nào thì gương xấu cũng nhiều như vậy.  Chúng ta cố gắng đừng làm gương xấu, nhưng “hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” (T. Phao-lô).         

 

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B