CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Thi hành tác vụ ngôn sứ

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 2:2-5;  2 Cr 12:7-10;  Mc 6:1-6)

          Từ lâu đời giáo hội Việt Nam thường gọi các vị ngôn sứ là tiên tri, do đó nhiều người hiểu lầm ngôn sứ là những người Chúa sai đến để nói tiên tri hoặc tiên báo điều sắp xảy ra.  Nhưng ý nghĩa ngôn sứ không phải luôn luôn là người nói tiên tri, mặc dù có nhiều vị đã báo trước những điều sẽ xảy ra.  Thực ra các ngài là những người nói thay cho Thiên Chúa, hay nói khác đi, ngôn sứ là phát ngôn viên của Thiên Chúa.  Trong lịch sử Cựu Ước, rất nhiều lần Thiên Chúa đã gửi các vị ngôn sứ đến để chuyển đạt cho dân Chúa những sứ điệp của Người (Do-thái 1:1).  Vậy các bài đọc hôm nay nói với chúng ta điều gì về các ngôn sứ và tác vụ của các ngài?  Còn chúng ta sẽ làm gì để thi hành tác vụ ngôn sứ giữa thời đại chúng ta đang sống?

          Trước hết, để hiểu ngôn sứ là ai, chúng ta lấy một thí dụ điển hình:  ngôn sứ Ê-dê-ki-en.  Lai lịch của ngôn sứ Ê-dê-ki-en không rõ ràng lắm.  Có thể ông là một tư tế trẻ tuổi khi bị lưu đày sang Can-đê sau cuộc công hãm thành Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất vào năm 598 trước công nguyên.  Chính tại đây là nơi ông được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ như đích thân ông kể lại trong chương 1 và 2 sách của ông.  Bài đọc 1 hôm nay trích sách Ê-dê-ki-en cho thấy ngôn sứ phải là người được Chúa gọi để thi hành tác vụ nói thay cho Người.  Khi gọi một người làm ngôn sứ, Thiên Chúa luôn ban Thần Khí của Người xuống trên họ để họ được mạnh mẽ, hoặc thanh tẩy miệng lưỡi họ để xứng đáng nói lời của Thiên Chúa, như trường hợp ngôn sứ Ê-dê-ki-en và I-sai-a.  Mục đích tác vụ của mỗi ngôn sứ thường là để đáp ứng nhu cầu của dân Chúa, thí dụ họ cần được nhắc nhở bỏ đàng tội lỗi để trở về với Thiên Chúa.  Sứ mệnh của Ê-dê-ki-en khi được Chúa sai đến là để công bố sứ điệp của Người:  “Chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta… Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá…, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng”.  Qua mệnh lệnh này, chúng ta thấy rõ sự hiện diện của ngôn sứ Ê-dê-ki-en giữa đám dân bị lưu đày mang một ý nghĩa đặc biệt.  Sự hiện diện ấy nhắc nhở dân Do-thái sống kiếp lưu đày hãy ý thức hiện tại khốn khổ của họ và giữ vững niềm hy vọng sẽ có ngày trở về tái thiết quê hương.  Nhưng nói thật thì dễ mất lòng, nên hầu hết các ngôn sứ Cựu Ước thường bị dân chúng bách hại, có vị phải chạy trốn, có vị bị giết chết.  Hẳn các ngôn sứ ấy là tiền ảnh của vị ngôn sứ tối cao là Chúa Giê-su.

          Ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa.  Nhưng đã đến lúc Thiên Chúa không sử dụng loài người để làm phát ngôn viên cho Người nữa, mà “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Do-thái 1:2).  Chúa Giê-su chính là Lời Thiên Chúa trực tiếp nói với chúng ta.  Khi Chúa Giê-su giảng dạy là chính Thiên Chúa giảng dạy.  Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay lại là một “tin buồn” vì Chúa Giê-su không được đón tiếp ngay tại quê nhà.  Ở Na-da-rét, Chúa Giê-su đã bị đồng hương coi thường vì họ đánh giá Người theo những tiêu chuẩn trần thế, thí dụ Người là “bác thợ”, là “con bà Maria”, là “anh em” của ông Gia-cô-bê, Giô-xết…;  nói tóm lại, đối với họ, Chúa Giê-su cũng chỉ “ngang hàng” với họ chứ không có gì hơn!  Vậy Chúa Giê-su đã vượt qua những trở ngại cho sứ mệnh của Người như thế nào?  Chúa nói:  “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”.  Người hướng tầm nhìn xa hơn về phía trước, về tương lai.  Bên kia quê hương Người, bà con thân thuộc Người và cả gia đình Người, còn biết bao người đang chờ đợi để được đón nhận Tin Mừng Người rao giảng, biết bao người yếu đau bệnh tật chờ được Người chữa lành.  Không vì một chút chống đối mà vị Ngôn Sứ đành bỏ cuộc, nhưng Người luôn vững tin vào lời Thiên Chúa hứa ở cùng Người.  Thần Khí Thiên Chúa đã làm cho Ê-dê-ki-en đứng vững cũng là Thần Khí đã giúp Chúa Giê-su tiếp tục “đi các làng chung quanh mà giảng dạy”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta là các Ki-tô hữu đang tham dự vào tác vụ ngôn sứ của Chúa Giê-su (Vatican II, Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ giáo dân, số 2), nên cũng không tránh khỏi bị rẻ rúng giống như Chúa đã bị khinh thường tại quê nhà.  Bài đọc 2 hôm nay cho chúng ta một tấm gương sống động của người thi hành tác vụ ngôn sứ:  thánh Phao-lô, tông đồ.  Ngài được Chúa Phục Sinh kêu gọi làm tông đồ dân ngoại.  Ngài diễn tả khó khăn và trở ngại khi ngài thi hành tác vụ ngôn sứ giống như “thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào”, hoặc như “một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại”.  Nhưng Phao-lô luôn vững tin vào sự nâng đỡ của ơn Chúa và sức mạnh của Người.  Cho nên ngài luôn vui sướng kết luận:  “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.  Quả thực, khi chúng ta nhìn nhận cái “không thể” của chúng ta để tin tưởng vào ân sủng và sức mạnh của Chúa, thì chính là lúc cái “có thể” của Chúa hoạt động trong chúng ta và giúp chúng ta chu toàn tác vụ ngôn sứ Chúa đã trao ban.  Địa bàn thi hành tác vụ ngôn sứ của chúng ta nằm ngay trong những lãnh vực quen thuộc như gia đình, giáo xứ, sở làm… Tại những nơi đó, Chúa sai chúng ta đến để nâng đỡ, ủi an, khích lệ mọi người.  Sự hiện diện của chúng ta phải là sự hiện diện của một ngôn sứ vậy!    Lm.

 

Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm B