CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Khởi từ gia đình chúng ta tiến đến gia đình Thiên Chúa

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 2:18-24;  Dt 2:9-11;  Mc 10:2-16)

          Gia đình là một từ gợi lên sự yêu thương, niềm vui và hạnh phúc.  Chẳng vậy mà chúng ta sử dụng từ gia đình không chỉ cho một mái ấm với vợ chồng con cái, mà còn cho một đơn vị rộng rãi hơn, thí dụ gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận và gia đình lớn nhất là Giáo Hội hoặc gia đình Thiên Chúa.  Tuy nhiên trong những mô thức thân thương ấy không thiếu những điều làm mất đi bản chất của gia đình:  nào là ly dị trong gia đình, nào là chống đối trong giáo xứ, giáo phận, nào là chia rẽ trong Giáo Hội.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tuy nhấn mạnh đến gia đình của những người sống bậc hôn nhân, nhưng với đoạn thư gửi tín hữu Do-thái, cũng mời gọi chúng ta hướng về Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã “trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn”, để dẫn tới nguồn ơn cứu độ tất cả chúng ta là những kẻ “Người đã không hổ thẹn gọi là anh em” trong gia đình Thiên Chúa.  Chúa Ki-tô là nguyên lý hiệp nhất cho mọi gia đình nhân loại cũng như gia đình Thiên Chúa.

          Trước hết gia đình là khởi đầu cho hành trình tiến về hạnh phúc vĩnh cửu.  Đọc lại đoạn sách Sáng Thế, chúng ta thấy rõ Thiên Chúa đã chuẩn bị thật chu đáo cho mái ấm gia đình của con người và cho hành trình này.  Ban đầu Chúa đã chuẩn bị môi trường sống cho gia đình.  Người “lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người”, rồi trao cho con người toàn quyền “đặt tên” mọi sinh vật.  Đặt tên là thuật ngữ Kinh Thánh ám chỉ quyền thống trị.  Do đó con người được Thiên Chúa cho chia sẻ quyền thống trị mọi sự Người đã tạo dựng.  Nhưng có điều gì đó xem ra chưa làm cho con người được hạnh phúc.  Đó là sự cô đơn, vì “con người ở một mình thì không tốt”.  Dầu sao giữa con người và Thiên Chúa vẫn còn một khoảng cách con người không thể vượt qua, nên họ khó cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa.  Thế là Thiên Chúa đã dựng nên người nữ, để người nam và người nữ nhờ tương quan với nhau mà cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.  Họ cảm nghiệm được thế nào là tình yêu khi thốt lên:  “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, hoặc qua sự kiện “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”.  Như vậy, sự kết hợp thể xác là một trong những cách giúp những người trong bậc sống hôn nhân cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.  Nếu chúng ta coi hành trình đến với Thiên Chúa là hành trình cảm nghiệm tình yêu, từ tình yêu thể xác, tâm lý đến tình yêu thiêng liêng, thì gia đình chính là một khởi điểm để các đôi vợ chồng khám phá mỗi ngày một hơn về tình yêu của Thiên Chúa.

          Đó là ý định của Thiên Chúa khi Người dựng nên con người “có nam có nữ”.  Tuy nhiên, sau khi con người phạm tội bất tuân Thiên Chúa, tội lỗi đã khiến con người không nhìn nhận ý định của Người nữa.  Cũng từ đó, hậu quả do tội lỗi đã tác hại trên chính tình yêu nói chung của con người và đặc biệt trên hôn nhân và gia đình.  Vợ chồng đổ lỗi cho nhau, anh em giết nhau, nhân loại chia rẽ, hận thù, chiến tranh.  Một trong những hậu quả cho đời sống hôn nhân là ly dị.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, mục đích nhóm Pha-ri-sêu nêu lên vấn đề được phép ly dị là “để thử Người”.  Đây quả là một cơ hội tốt để Chúa Giê-su khẳng định lại một trong những yếu tố quan trọng nhất của bản chất của hôn nhân:  “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ… Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

          Lời Chúa hôm nay không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình và hôn nhân, mà còn đưa chúng ta đi xa hơn để chiêm ngưỡng gia đình Thiên Chúa.  Bài đọc Cựu Ước đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa thiết lập gia đình nhân loại, để mọi gia đình làm thành gia đình Thiên Chúa.  Thiết lập gia đình Thiên Chúa thế nào?  Đoạn thư Do-thái trình bày công việc chính của sự thiết lập ấy.  Thiên Chúa muốn “đưa muôn vàn con cái đến vinh quang”, nghĩa là Người muốn thiết lập một gia đình, trong đó mọi con cái Người được cứu độ và chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với Người.  Để thực hiện vĩ nghiệp này, Người đã làm cho Con Một Người là Chúa Giê-su “trở thành vị lãnh đạo thập toàn” để dẫn dắt đàn em đông đúc về Nhà Thiên Chúa (Rô-ma 8:29).  Đúng vậy, đau khổ, sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô đã sinh ra một nhân loại mới, một gia đình mới, đó là gia đình Thiên Chúa.  Người là trưởng tử của nhân loại mới này và là người con gương mẫu trước mặt Thiên Chúa Cha và nhân loại.  Người là Đấng thiết lập gia đình Thiên Chúa, đồng thời cũng là người lãnh đạo đưa toàn thể gia đình về sống đời đời với Thiên Chúa vậy.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta thể hiện tình yêu trong cả hai gia đình, gia đình ruột thịt cũng như gia đình của Thiên Chúa.  Tuy là hai thực thể riêng biệt, nhưng lại tương quan mật thiết đến nỗi Công Đồng Vatican II gọi gia đình là giáo hội tại gia.  Chúng ta nên thánh vừa tại nhà, vừa trong nhà thờ.  Nếu trong gia đình mà chúng ta không yêu thương nhau, làm sao chúng ta có thể yêu thương anh chị em trong giáo xứ, trong Giáo Hội và trong cộng đồng xã hội?  Chính Chúa Giê-su đã đi theo con đường tình yêu của gia đình nhân loại để trở thành người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách tuyệt hảo.  Người cũng mời gọi ta bước theo Người!

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B