Lạy Ngài xin đến, ôi Chúa Thánh Thần !

Đại Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

(Ga 20, 19-23)

40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến làm tuần chín ngày dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu xin cùng với Chúa Giêsu để Ngài đoái thương ban Thánh Thần xuống trên Giáo hội và trong thế giới : "Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,  lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến... "

Lễ Chúa Thánh Thần khai sinh Giáo Hội

Chúa Thánh Thần chưa đến, các Tông Đồ cửa đóng then cài trong nhà Tiệc Ly, nay Chúa Thánh Thần đến, “tựa như gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp” (x. Cv 2,1). Tiếng động bất thình lình phát ra và các lưỡi lửa chia ra đậu trên đầu từng Tông Ðồ, cửa mở toang, kết quả là “tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần” (Cv 2, 4). Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các ông ra đi làm chứng về Chúa Giêsu, Giáo Hội được khai sinh từ đây.

Công Đồng Vatican II nhận định rằng : “Chúa Thánh Thần thông truyền cho Giáo Hội toàn thể chân lý. Ngài thống nhất Giáo Hội bằng kết hiệp và phục vụ. Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội bằng nhiều ân sủng khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng” (LG. 4), Ngài “là linh hồn làm sống động những định chế trong Giáo Hội và đổ vào lòng các tín hữu cùng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô” (LG. 4). Từ Chúa Kitô, tới các Tông Đồ, đến Giáo Hội và toàn thế giới: dưới hành động của Chúa Thánh Thần tiến trình hợp nhất toàn cầu trong chân lý và yêu thương có thể và phải trải rộng ra. Đúng như lời Chúa Giêsu nói : “Thánh Thần làm chứng về Ta, nhưng các ngươi, các ngươi cũng sẽ làm chứng” (Ga, 15, 16t). Với ơn của Chúa Thánh Thần, những người trước kia cảm thấy bơ vơ như trẻ mồ côi, giờ đây được tràn đầy sức mạnh và cảm thấy đủ khả năng thi hành sứ mạng được trao phó.

Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi trong lúc lệ rơi

Tình hình Giáo Hội hiện nay, nhà thờ vắng người, thậm trí có nhà thờ không người đến, ngay cả Đền thờ Thánh Phêrô cũng có giờ cầu nguyện thật ít người, chỉ có mình Đức Thánh Cha, vì lý do tránh lây nhiễm trong đại dịch. Nhưng không vì thế mà vơi lời cầu nguyện. Trái lại, khắp mọi gia đình, cộng đoàn, dòng tu… đều vang lên lời cầu xin tha thiết lên Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Thế giới, đã và đang bị kiệt quệ bởi đại dịch coronavirus và vẫn đang tiếp diễn. Người ta thấy nhiều cảnh thật bi ai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có người đã chết cô đơn, không có người thân, tại bệnh viện cũng như tại nhà thờ và nghĩa trang, đôi khi chỉ được an táng sơ sài, thậm chí chết không còn đất để chôn, không còn củi để thiêu, khiến người còn sống không khỏi đau lòng. Vì lệnh cách ly tại chỗ để ngăn chặn sự lây lan của virus không cho phép các thành viên gia đình đến chăm sóc người thân đang bị nhiễm bệnh, chết không thể an táng.

Trong tình cảnh bi thương hiện nay, khi toàn thế giới chìm trong khổ đau và lo lắng, đất thấm lệ rơi, rất cần đến Đấng An Ủi là Chúa Thánh Thần. Người đến để an ủi các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên, là những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp chống dịch. Họ không chỉ là bác sỹ, họ còn là chiến sỹ, là những người hùng đang vất vả ngày đêm, căng mình trong cuộc chống dịch, đang liều mạng sống của mình để cứu những mạng sống khác. Hơn ai hết, họ cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Phải khẳng định rằng, thế giới đang cần Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi. Lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến!

Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới tâm hồn và canh tân bộ mặt trái đất

Trong xã hội của chúng ta sống hiện nay rất cần một sự khởi động đổi mới về tinh thần. Chúng ta không thể sống được nếu không có lương thực, nhưng không chỉ cần có lương thực, mà còn phải thuốc chữa bệnh nữa.

Đại dịch Covid 19 ập đến hơn một năm qua làm cho thế giới chao đảo với biến thể của nó. Nhưng con người sẽ vượt qua được bằng sự đổi mới tâm hồn, đề xuất các nước chia sẻ vaccine cho nhau, nhất là trợ giúp các nước nghèo.

Thế giới đã kiệt quệ bởi đại dịch vẫn đang tiếp diễn này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảnh giác và có trách nhiệm, không chỉ đói và khát cuộc sống bình thường trở lại: nhưng chúng ta cần những tầm nhìn mới, ngôn ngữ mới để nhân loại đạt được ước mơ.

Có Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm hồn. Ngài sẽ soi sáng tâm trí các nhà nghiên cứu khoa học, giúp họ sớm tìm ra những giải pháp hiệu quả để khống chế được virus này. Có Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ lay động lương tâm những nhà hảo tâm thay vì đầu tư cho việc phát triển vũ khí, thì dùng thúc đẩy nghiên cứu hiệu quả, nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.

Có Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ nâng đỡ những nhà lãnh đạo các quốc gia, để họ khôn ngoan cùng nhau ngồi lại, quan tâm, quảng đại, giúp đỡ những người đang thiếu những điều cần thiết căn bản cho cuộc sống, và đề ra được các giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa và với tình liên đới.

Sau khi Chúa Giêsu về Trời, Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống. Noi gương Mẹ Maria cùng Các Thánh Tông Đồ, chúng ta cũng tha thiết khấn xin Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến. Xin Ngài rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên). Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B