Chúa Nhật Lễ Lá – Ngày 28 tháng 3, 2021

Lm. Matthew Monnig, SJ.

 

Các bài đọc: Mc 11: 1–10 or Ga 12: 12–16 • Is 50: 4–7 • Tv 22: 8–9, 17–18, 19–20, 23–24 • Pl 2:6–11 • Mc 14:1–15:47

bible.usccb.org/bible/readings/032821.cfm

 

Lễ hôm nay bao gồm hai sự kiện: Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem và cuộc khổ nạn cùng cái chết của Người. Vào các ngày Chúa Nhật thường niên, chúng ta cử hành và tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Nhật tới là Lễ Phục sinh là việc hằng năm cử hành trọng đại sự Sống Lại của Chúa, nên Chúa Nhật này chúng ta chuẩn bị mừng sự kiện phục sinh đó bằng cách tưởng niệm sâu xa cuộc Khổ nạn và cái chết của Người. Do đó, hằng năm những người Công giáo mến mộ sẽ được nghe tường thuật toàn bộ về sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trong tuần này và sự Phục sinh của Ngài vào tuần sau. Hai việc cử hành này về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa nằm trong Tuần Thánh. Nhưng ngay cả khi chúng ta không thể tham dự các Nghi thức Tuần Thánh, thì chỉ riêng phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá cũng cho chúng ta nghe và suy ngẫm toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua, gồm cả sự chết lẫn phục sinh của Chúa Giêsu rồi.

Bản văn dài và sức lôi cuốn của bài Tin Mừng gồm hai chương Phúc âm thánh Mác-cô lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Nhưng trước đó, Giáo hội đã đặt nền tảng giúp chúng ta hiểu sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, qua bài đọc thứ hai tuyệt vời trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-pê, một bài thánh ca hùng hồn về Chúa Giêsu Kitô, vốn là Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến chết trên Thập giá. Hầu hết các học giả tin rằng bài thánh ca này không phải do Phao-lô sáng tác, mà là một bài thánh ca Kitô giáo sơ khai được thánh nhân đưa vào lá thư này. Nó diễn tả mầu nhiệm tình yêu của Chúa Kitô đến mức trút bỏ vinh quang: tuy là thân phận Thiên Chúa, Người đã tự hạ mình xuống, làm phận tôi đòi, thậm chí chấp nhận cái chết, và chết trên thánh giá. Cái chết ấy đã đưa Người đến vinh quang, và mọi tạo vật phải tôn thờ Người. Trong thần học của Phao-lô, thánh giá cho thấy Chúa Giêsu thực sự là ai.

Bài thánh ca Phi-líp-pê trình bày tư tưởng thần học, còn bài Tin Mừng thì trình bày lịch sử về câu chuyện Chúa Giêsu tự hạ mình qua cái chết của Ngài trên Thập giá. Năm nay, chúng ta nghe bài tường thuật của Mác-cô kết thúc với sự kiện viên bách quân đội trưởng tuyên xưng Chúa Giêsu thực là Con Thiên Chúa, tột đỉnh của Phúc âm Mác-cô, qua đó thánh giá chứng tỏ Chúa Giêsu thực sự là Đấng nào. Trong câu mở đầu sách Phúc Âm, Mác-cô đã xác định Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 1: 1), nhưng đang khi cuộc đời Chúa diễn tiến thì chỉ ma quỷ mới nhận ra Người như vậy mà thôi (Mc 1: 24; 5: 7). Ở phần giữa sách Phúc âm Mác-cô, ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a, nhưng ông không hiểu điều đó nghĩa là gì và còn bị Chúa Giê-su quở trách vì đã can ngăn Người đi ngược lại kế hoạch thánh giá của Thiên Chúa (Mc 8: 27-33). Chúa Giêsu đã ba lần giải thích rằng Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ, chết và sống lại, nhưng Phê-rô và các môn đệ vẫn không hiểu (Mc 8: 31; 9: 31-32; 10: 32-34). Họ vẫn tìm kiếm một Đấng Mê-si-a vinh hiển, nhưng Chúa Giêsu lại là người Tôi tớ đau khổ, Đấng đã đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10: 43). Căn tính đích thực của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa chỉ có thể được nhận biết dưới chân thập giá, và khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, viên sĩ quan bách quân đã nói thay cho toàn thể nhân loại và thực ra thay cho tất cả tạo vật. Đây chính là điều bài thánh ca Phi-líp-pê đòi hỏi: Mọi miệng lưỡi phải “xưng tụng Chúa Giêsu Kitô là Chúa.”

Bối cảnh mà Thánh Phao-lô sử dụng bài thánh ca này trong thư gửi các tín hữu Phi-líp-pê rất quan trọng, vì thánh nhân không chủ tâm dạy cho các độc giả của ngài về Chúa Giêsu Kitô, nhưng ngài muốn lấy gương mẫu của Đức Kitô để dạy họ cách sống. Nếu đọc phần đi trước bài thánh ca của bài đọc hôm nay, chúng ta sẽ thấy thánh Phao-lô khuyên tín hữu Phi-líp-pê hãy có cùng một chí hướng và cùng một  tình yêu thương, không làm điều gì ích kỷ hoặc tự phụ, nhưng hãy khiêm nhường coi người khác tốt hơn mình. Ý của Phaolô là các tín hữu Phi-lip-pê phải sống theo gương mẫu Đức Kitô, trong tình yêu thương quên mình để phục vụ lẫn nhau. Đời sống của người tín hữu phải theo khuôn mẫu đời sống Đức Kitô. Thánh Mác-cô cũng dạy như thế qua Tin Mừng của Người: sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu là khuôn mẫu cho các môn đệ của Người noi theo. Vấn đề không chỉ đơn giản là về Chúa Giêsu, mà là về chính chúng ta, các môn đệ của Người. Chúng ta phải theo Chúa Giêsu trong tình yêu tự hạ như Người, thể hiện trong đời sống phục vụ: không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống chúng ta cho Đức Kitô và Tin Mừng. Nói theo ngôn ngữ Linh Thao của thánh Inhaxiô, bằng cách bước theo Chúa Giêsu trong đau khổ, chúng ta sẽ theo Người trong vinh quang (Linh Thao, số 95). Đó là câu trả lời hùng hồn cho vấn đề cơ bản về sự hiện hữu của con người, tức vấn đề sự dữ và đau khổ: một Thiên Chúa tự hủy chính mình để chịu đau khổ với chúng ta, và dẫn chúng ta vượt qua đau khổ để bước vào vinh quang.

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B