LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Bí Tích Thánh Thể là tột đỉnh Giao Ước Mới

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 24:3-8;  Dt 9:11-15;  Mc 14:12-16, 22-26)

        Khi cầu nguyện năm Sự Sáng kinh Mân Côi, có khi nào chúng ta nghĩ đến      tại sao Mầu nhiệm thứ năm lại là việc Chúa Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể không.  Có thể Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta câu trả lời.  Bài đọc 1 thuật lại việc ông Mô-sê làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en để thiết lập Giao Ước được đóng ấn bằng máu lễ vật rảy trên dân chúng.   Trong bài đọc 2, tác giả thư Do-thái trình bày Chúa Giê-su lấy máu mình để đóng ấn Giao Ước Mới được thiết lập giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Cả hai bài đọc này đều nhấn mạnh đến vai trò của máu đổ ra như ấn tín chứng nhận giao ước được ký kết, máu của những con vật được sát tế và máu của Con Một Thiên Chúa đổ ra trên thập giá.  Tuy nhiên kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là lễ hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá phải được tái diễn dưới hình thức không đổ máu, tức là Bí Tích Thánh Thể, để công cuộc cứu độ tiếp tục cho đến ngày tận thế nhờ sự hiện diện của Chúa Giê-su như Người đã hứa:  “Thầy sẽ ở lại cùng anh em cho đến ngày tận thế”.

 

        1.  Giao ước của Thiên Chúa với dân Ít-ra-en được đóng ấn bằng máu các con bò.  Đoạn sách Xuất Hành kể lại biến cố thiết lập Giao Ước Cũ.  Ông Mô-sê là người trung gian giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en để thiết lập Giao Ước Cũ.  Đây là diễn tiến: 

        - Trước hết, ông Mô-sê lên núi để lãnh nhận “mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật”, rồi ông xuống nói lại cho dân Ít-ra-en tất cả những điều ấy. 

        - Khi dân chúng đồng ý sẽ thi hành những điều Thiên Chúa đề ra, thì Mô-sê chép lại mọi lời của Thiên Chúa, rồi cùng dân chúng lập bàn thờ để dâng lễ toàn thiêu và giết bò làm lễ kỳ an.  Máu bò được chia làm hai phần:  nửa phần sẽ được rưới trên bàn thờ ám chỉ những điều Thiên Chúa muốn dân Ít-ra-en phải thi hành và nửa phần còn lại sẽ được rảy trên dân chúng ám chỉ dân chúng bằng lòng thi hành những điều Chúa muốn. 

        - Tiếp đến, Mô-sê lấy cuốn sách giao ước đã chép lại mọi lời của Thiên Chúa đọc lại cho dân chúng nghe, thì họ đồng thanh thưa:  “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”.

        - Sau khi dân chúng đồng ý, ông Mô-sê lấy nửa phần máu còn lại rảy lên dân chúng để “đóng ấn” việc họ hứa với Thiên Chúa và ông nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."

        - Cuối cùng, ông Mô-sê lại lên núi và một mình ở lại đó bốn mươi đêm ngày.  Sau thời gian này, ông lãnh nhận những bia đá ghi lại “luật và mệnh lệnh” Thiên Chúa đã viết để dạy dỗ dân Ít-ra-en và xuống núi trao lại cho dân chúng.

 

        2.  Máu Đức Ki-tô thanh tẩy lương tâm chúng ta là ấn tín của Giao Ước Mới.  Để nhắc nhở dân Chúa thi hành lề luật Giao Ước Cũ, chức tư tế Lê-vi được thiết lập và là “nền tảng của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho dân” (Dt 7:11).  Các tư tế có nhiệm vụ phụng sự trong Đền Thờ.  Hằng năm, vị thượng tế phải vào cung thánh dâng lễ đền tội cho dân.  Tuy nhiên các tư tế Lê-vi đã trở nên tư tế mà không có lời thề.  Hơn nữa, lễ đền tội còn phải lập đi lập lại khi thượng tế lấy máu dê máu bò rảy lên dân chúng để thánh hóa họ.  Do đó, Giao Ước Cũ chỉ mang tính cách tạm thời.  Nhưng khi Chúa Giê-su, vị Thượng Tế có lời thề và đến đem ơn phúc cứu độ, đã đổ máu ra trên thập giá để đóng ấn cho Giao Ước Mới, nghĩa là “Người đã vào cung thánh… với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”.  Cho nên Giao Ước Mới này mới có tính cách vĩnh viễn và không thay đổi.   Đoạn thư Do-thái dựa trên chân lý này để nhận ra vai trò của Chúa Giê-su trong Giao Ước Mới:  Người là trung gian giữa Thiên Chúa và chúng ta để “đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa”.  Nói tóm lại, so sánh giữa hai giao ước, chúng ta thấy Giao Ước Cũ chỉ mang lại những hiệu quả tạm thời, trong khi Giao Ước Mới được ký kết bằng Máu Đức Ki-tô thì “thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”.

 

        3.  Từ lễ hy sinh đổ máu của Đức Ki-tô trên thập giá tới hy lễ không đổ máu của Người trên bàn thờ hay trong Bí Tích Thánh Thể.  Diễn tiến từ Giao Ước Cũ tới Giao Ước Mới dừng lại trong biến cố Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể.  Như đoạn thư Do-thái đã khẳng định:  Chúa Giê-su chỉ vào cung thánh một lần, tức là chết một lần trên thập giá, thì đã đủ để cứu chuộc chúng ta.  Tuy nhiên theo kế hoạch của Thiên Chúa, lễ hy sinh này phải được lập lại để nhân loại mọi thời mọi nơi tiếp tục được lãnh nhận ơn cứu chuộc.  Làm thế nào để lập lại biến cố Thương khó và chết trên thập giá?  Đó là Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó lễ hiến tế của Chúa Giê-su được lập lại dưới hình thức không đổ máu.  Bí Tích Thánh Thể được thiết lập khi Chúa Giê-su ăn mừng lễ Vượt Qua với các thánh tông đồ.  Con Chiên bị giết trong bữa Tiệc Ly là hình bóng của Chiên Thiên Chúa chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá.  Như thế chúng ta mới thấy ý nghĩa thực sự khi Chúa Giê-su “cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.  Người bảo các ông:  ‘Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người’”.  Lời tuyên bố long trọng này khiến chúng ta nhớ lại sự kiện ông Mô-sê rảy máu dê máu bò trên dân chúng và nói:  “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em”.  Tới đây, chúng ta hãy trở lại với thắc mắc tại sao Mầu nhiệm thứ năm của Năm Sự Sáng lại là việc Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể.  Khi lập Bí Tích này, Chúa Giê-su truyền lệnh:  “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.  Sở dĩ lệnh truyền này được ban ra khi Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể là để các linh mục, tức tư tế Lê-vi của Giao Ước Mới, khi cử hành Thánh lễ sẽ là thừa tác viên được Chúa Giê-su sử dụng để “tái diễn” lễ hy sinh trên thập giá của Người:  “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.  Tột đỉnh của sứ vụ Chúa Giê-su trên trần gian là cuộc Thương khó và cái chết đổ máu trên thập giá.  Vì thế, để tiếp tục giúp chúng ta “nhớ đến” Chúa Giê-su, sự kiện Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể (tức mầu nhiệm Sự Sáng thứ năm) được đưa vào để kết thúc cho chuỗi Mân Côi năm Sự Sáng.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúa không chỉ lập giao ước chỉ với ông Mô-sê và dân Ít-ra-en, nhưng như là một giai đoạn tạm thời đưa tới việc thiết lập một giao ước vĩnh viễn là Giáo Ước Mới được đóng ấn bằng Máu Chúa Giê-su đổ ra trên thập giá.  Đức khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su đã nảy ra sáng kiến thiết lập một hình thức hiến tế không đổ máu là Bí Tích Thánh Thể để công cuộc cứu chuộc nhân loại được tái diễn mọi lúc mọi nơi.  Bao lần chúng ta tham dự Thánh lễ hoặc lần chuỗi Năm Sự Sáng, nhưng có lẽ ít khi nhớ rằng việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể mang ý nghĩa vô cùng sâu xa và cảm động.  Chúng ta trân quý Thánh Thể là bởi Mình Chúa Ki-tô đã chịu chết vì chúng ta và Máu Chúa Ki-tô đã đổ ra vì chúng ta.  Tại sao vì chúng ta?  Có nghĩa là vì Người yêu thương chúng ta và không muốn chúng ta phải chết đời đời, nên Người sẵn sàng chết vì sự sống đời đời của chúng ta.  Có nghĩa là Người muốn ở lại luôn mãi với chúng ta theo một cách thức mới, để giúp chúng ta tiếp tục sống những ơn ích của ơn cứu độ Người đã ban cho chúng ta và để chúng ta ăn Mình và uống Máu Người cách xứng đáng thì sẽ được sống đời đời.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B